Chờ...

Saudi Arabia cho phép người đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hành hương đến Thánh địa Mecca

(VOH) - Ngày 5/4, chính quyền Saudi Arabia thông báo sẽ chỉ cho phép những người đã “miễn dịch” với Covid-19 được hành hương đến thánh địa Mecca bắt đầu từ tháng lễ Ramadan.

Cụ thể, những người đã được tiêm 2 liều vắc xin, những người được tiêm 1 mũi vắc xin ít nhất 14 ngày trước và những người đã bình phục sau khi mắc Covid-19 sẽ được hành hương đến thánh địa Mecca.

Chỉ những người thuộc diện này sẽ được phép hành hương và tham dự các buổi cầu nguyện tại Đại Thánh đường ở thánh địa Mecca. Nhà chức trách cũng áp dụng điều kiện tương tự đối với những người ra vào Thánh đường Nhà tiên tri ở thánh địa Medina.

hành hương, thánh địa mecca, hồi giáo
Người hành hương phải tuân thủ các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt (Ảnh: Reuters)

Chính sách này bắt đầu được thực hiện từ tháng lễ Ramadan nhưng chưa rõ quy định này sẽ có hiệu lực trong bao lâu và liệu có được gia hạn đến lễ hàng hương Hajj hằng năm vào cuối năm nay hay không.

Tháng Ramadan là tháng thứ chín theo lịch âm của người Hồi giáo, nên thời gian bắt đầu hàng năm sẽ khác với lịch Gregorian (Việt Nam gọi là lịch dương).

Lễ Ramadan năm 2021 sẽ bắt đầu từ tối Thứ Ba ngày 13 tháng 4 đến tối thứ tư ngày 12 tháng 5.

Trong tháng lễ Ramadan, người Hồi giáo trưởng thành và khỏe mạnh sẽ phải nhịn ăn từ sáng cho đến tối trong khoảng thời gian này.

Trong suốt một tháng lễ, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc... nghĩa là không được đưa bất kể thứ gì vào miệng (kể cả không sinh hoạt tình dục), nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày – cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn.

Tính đến ngày 6/4/2021, thế giới đã ghi nhận hơn 132 triệu người nhiễm, gần 2,9 triệu người chết do Covid-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 31.480.281 ca nhiễm và 569.147 ca tử vong do Covid-19, tăng 42.867 ca nhiễm và 368 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky cho biết Mỹ đã chứng kiến số ca nhiễm mới tăng tuần thứ 4 liên tiếp và nhận định các biến thể Covid-19 có thể là một phần nguyên nhân của đợt gia tăng này. Biến chủng mới đã phát hiện ở tất cả 50 bang của Mỹ.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ 3 thế giới, hôm 5/4 ghi nhận ca nhiễm mới lớn nhất với 103.558 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 12,68 triệu. Quốc gia này cũng báo cáo 165.101 ca tử vong vì Covid-19, sau khi ghi nhận thêm 478 người chết.

Số ca nhiễm hàng ngày ở Ấn Độ đã tăng trở lại từ đầu tháng 2, sau khi giảm xuống dưới 9.000 ca từ đỉnh điểm gần 100.000 ca hồi tháng 9 năm ngoái.

Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 13.013.601 ca nhiễm và 332.752 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 28.645 và 1.222 ca.

Hầu hết các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) trên khắp đất nước Brazil đều đã hoạt động trên 90% công suất. Trong khi đó, số ca nhiễm mới hàng ngày tiếp tục tăng và số ca tử vong mỗi ngày chiếm khoảng 1/4 số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu hàng ngày.