Đã nửa tháng trôi qua kể từ khi Phần Lan và Thụy Điển - hai quốc gia trung lập tại Bắc Âu - chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tiến trình "mở rộng thành viên" lần thứ 6 của NATO sau Chiến tranh Lạnh và cách thức phản ứng của Nga luôn là tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế.
Cho dù là "sự bình tĩnh đáng ngạc nhiên" của lãnh đạo Nga, "sự chào đón nồng nhiệt" của các nhà lãnh đạo NATO và các quốc gia thành viên như Mỹ, Đức, hay việc Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định lập trường "không ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO"..., việc hai quốc gia Bắc Âu xin "gia nhập NATO" vẫn được xem là một bước ngoặt quan trọng.
Phần Lan, Thụy Điển, Áo…là những quốc gia hiếm hoi được quốc tế công nhận là "nước trung lập vĩnh viễn". Từ năm 1814 đến nay, Thụy Điển luôn duy trì vị thế trung lập trong hơn hai thế kỷ, trong khi Phần Lan đã ký Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ với Liên Xô sau Thế chiến II và duy trì vị thế trung lập trong hơn 70 năm.
Mặc dù Phần Lan và Thụy Điển từ nhiều năm qua đã có sự hợp tác với NATO nhưng người dân hai quốc gia này vẫn quen coi "vị thế trung lập" là "sức mạnh của điều thiện". Bên cạnh đó, hai nước này thường xuyên có mặt trong các bảng xếp hạng "những quốc gia hạnh phúc nhất" và cộng đồng quốc tế luôn xem họ là "những người xây cầu nối". Nhiều người không khỏi đặt câu hỏi rằng: "Thế giới sẽ ra sao nếu các quốc gia trung lập không còn trung lập, 'quốc gia hạnh phúc' không còn bình lặng, 'sức mạnh của điều thiện' dần suy giảm và 'chiếc cầu nối liên lạc' bị cắt đứt?".
Hai 'người xây cầu nối' từ bỏ 'lằn ranh cuối cùng'
Vị thế trung lập của cả Phần Lan và Thụy Điển đều có bối cảnh lịch sử khá đặc biệt. Từ nửa sau thế kỷ 12, Phần Lan từng là một phần của nước Thụy Điển. Sau cuộc chiến tranh Nga-Thụy Điển vào năm 1809, do bị bại trận, Thụy Điển buộc phải nhượng Phần Lan cho Liên Xô và bắt đầu theo đuổi đường lối trung lập.
Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, Thụy Điển đều giữ vai trò trung lập trong khi Phần Lan lại tham gia cuộc chiến chống lại Liên Xô do Đức Quốc xã phát động trong khoảng thời gian từ năm 1941 - 1944.
Tháng 2/1947, với tư cách là nước bại trận, Phần Lan đã ký "Hiệp ước Hòa bình Paris" với một số nước đồng minh thắng trận như Liên Xô, Mỹ…, sau đó ký "Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ" với Liên Xô vào tháng 4/1948. Thụy Điển và Phần Lan đã nhiều lần được NATO "yêu cầu" gia nhập khối này, nhưng cả hai nước đều chưa "gia nhập" theo yêu cầu.
Thụy Điển và Phần Lan bắt đầu có sự hợp tác qua lại với NATO sau khi hai nước này tham gia Chương trình Đối tác vì Hòa bình (PPP), một chương trình hợp tác song phương giữa NATO và các đối tác khu vực châu Âu - Đại Tây Dương vào năm 1994.
Khi NATO tiến hành các hoạt động quân sự ở Afghanistan và Iraq, Thụy Điển và Phần Lan cũng có tham gia. Một nhà chính trị học tại Đại học Helsinki nói với đài phát thanh quốc gia Phần Lan (YLE) rằng: "Mặc dù đã hợp tác với NATO từ lâu nhưng Phần Lan luôn tỏ ra dè dặt trong việc gia nhập NATO. Chúng tôi luôn giữ 'lằn ranh cuối cùng'".
Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển và Phần Lan luôn được xem là "cầu nối liên lạc giữa phương Tây và Nga". Trả lời phỏng vấn của báo chí quốc tế, cựu nghị sĩ Đức Willy Wimmer cho biết chính hai nước này đã giúp giải tỏa các vụ đối đầu giữa phương Tây và Nga, góp phần duy trì hòa bình ở châu Âu trong hơn 70 năm qua kể từ sau Thế chiến II.
Ông Wimmer tin rằng dưới áp lực của Mỹ, "chiếc cầu nối liên lạc" giữa Phần Lan, Thụy Điển và Nga sẽ bị cắt đứt bởi yếu tố con người, việc hai nước mất đi vai trò trung lập sẽ khiến hòa bình ở châu Âu không còn được đảm bảo như trước đây.
Một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Estonia nói rằng NATO không phải là chuyến xe mà bạn có thể bước lên đó bất cứ lúc nào và không phải ai lên xe cũng đều được bảo vệ 100%.
Vẫn có những người ở Phần Lan và Thụy Điển coi trọng 'vị thế trung lập'
Là một trong những nước thường xuyên có mặt trong danh sách "những quốc gia hạnh phúc nhất" trên thế giới, Phần Lan có đường biên giới trên bộ dài 1.300 km với Nga và dân số chỉ 5,5 triệu người. Theo kết quả 3 cuộc thăm dò dư luận do YLE thực hiện vào tháng 2, tháng 3 và tháng 5/2022, tỷ lệ người dân Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO lần lượt là 53%, 62% và 76%.
Nói về sự thay đổi trong thái độ của người dân về vấn đề gia nhập NATO, một kỹ sư phần mềm người Phần Lan nói với phóng viên tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng: "Trước đây tôi không hề quan tâm đến việc gia nhập NATO, nhưng kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, tôi thật sự cảm nhận được mối đe dọa".
Trong khi đó, một chủ cửa hàng thời trang nói rằng: "Chúng tôi không thể chờ đến khi gặp nguy hiểm mới nộp đơn xin gia nhập NATO. Nếu muốn gia nhập, bây giờ là thời điểm tốt nhất".
Tuy nhiên, ngay cả những người ủng hộ gia nhập NATO cũng lo lắng rằng việc Phần Lan mất đi vị thế trung lập sẽ làm gia tăng quan hệ căng thẳng giữa châu Âu và Nga, đồng thời có thể bị NATO kéo vào các cuộc chiến khác. Những người này cũng ý thức được rằng mối quan hệ giữa Phần Lan và Nga sẽ phải đối mặt với những thách thức khi Phần Lan gia nhập NATO.
Tương tự, Thụy Điển cũng là cái tên thường xuyên có mặt trong danh sách "những quốc gia hạnh phúc nhất" trên thế giới, nhiều người tại nước này cũng rất coi trọng vị thế và vai trò của một nước trung lập.
Bà Annika Strandhall, Bộ trưởng Khí hậu - Môi trường Thụy Điển và là lãnh đạo phe nữ của Đảng Dân chủ Xã hội cho biết phe của bà phản đối việc gia nhập NATO. Phe này có "lịch sử đấu tranh lâu dài trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, giải trừ quân bị, và tự do quân sự, Thụy Điển nên kiên trì chính sách an ninh không liên kết, tránh xa NATO" - bà Strandhall nói.
Sven Hirdman, cựu Đại sứ Thụy Điển tại Nga, cho biết sau khi gia nhập NATO, "Chúng tôi sẽ mất đi lợi thế đặc thù của mình trong chính sách trung lập và không liên kết".
Nước Áo tiếp tục giữ thế 'trung lập tích cực'
Sau khi Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO, một thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU) là Áo, đã trở thành đại diện kiên định nhất trong số các quốc gia trung lập. Chính phủ Áo đã nhiều lần tuyên bố rằng họ hoàn toàn tôn trọng quyết định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, nhưng Áo sẽ tiếp tục duy trì vị thế trung lập.
Chính phủ Áo cho biết họ không thuộc bất kỳ liên minh quân sự nào và họ không muốn gia nhập các tổ chức như NATO.
Việc giảm số nước trung lập khiến cộng đồng quốc tế lo ngại rằng các kênh liên lạc trung gian nhằm giải quyết khủng hoảng và xung đột trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Với nước Áo, sau khi xác định vị thế trung lập, nước này luôn thực hiện "chính sách trung lập tích cực", đóng vai trò trung gian trong các cuộc tranh chấp, cung cấp địa điểm đàm phán cho các bên có bất đồng, và trở thành nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế.
Ví dụ, vào tháng 6/1961, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông John F. Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev được tổ chức tại thủ đô Vienna của nước Áo. Vị thế quốc tế độc đáo của Áo đã khiến nước này trở thành nơi đặt trụ sở của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và một số cơ quan của Liên hợp quốc.
Cho đến tận ngày nay, truyền thống ngoại giao của Áo là tích cực đóng vai trò "người xây cầu nối" giữa phương Đông và phương Tây vẫn không thay đổi, điển hình như cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran được tổ chức tại Vienna.