Theo Khmer Times, người cao niên muốn nhấn mạnh, thế hệ của họ không được học hành, chủ yếu làm việc trên đồng ruộng và ra chiến trường. Thế hệ sau, được học hành ở nước ngoài và nói ngoại ngữ thành thạo. Thế hệ cũ phải đấu tranh vất vả để xây dựng hòa bình. Thế hệ mới phải nỗ lực tương tự, để duy trì hòa bình và đưa đất nước phát triển. Ngày nay, thế hệ mới không còn đối mặt với đổ máu, nhưng họ bị cử tri giám sát chặt chẽ và quan sát kỹ lưỡng.

Ngày 12/9/2024, cựu Thủ tướng Hun Sen phát biểu khi nhận bằng tiến sĩ danh dự tại đại học Dongguk ở Hàn Quốc rằng: “Chúng tôi mới trải qua vỏn vẹn 26 năm hòa bình. Nhưng đây là thời gian lâu nhất trong 500 năm vừa qua. Một số người trẻ coi hòa bình là hiển nhiên, đánh giá thấp, thậm chí còn tìm cách thay đổi chính phủ bằng biện pháp cực đoan.”
Ông Hun Sen kêu gọi cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về tình hình các nước đang phát triển, thay vì lợi dụng điểm yếu.
Hiện nay, Thủ tướng Hun Manet tập trung vào kinh tế, hiếm khi tham gia tranh cãi với các đảng đối lập, như người cha của mình hay thực hiện. Phong cách lãnh đạo của ông được cho là thiên về quản trị, còn cựu Thủ tướng Hun Sen thì nặng về kiểm soát.
Thủ tướng Hun Manet trao quyền cho các bộ trưởng. Họ phải chịu trách nhiệm trước những việc được giao.
Cựu Thủ tướng Hun Sen thì thiên về bảo vệ. Ông sẵn sàng giải thích với dân chúng, nếu như nhận sự chỉ trích.
Dưới thời Thủ tướng Hun Manet, các bộ trưởng phải mạnh mẽ hơn và độc lập hơn. Họ cần nỗ lực hoàn thành công việc nếu không sẽ bị loại.
Thủ tướng Hun Manet đặt ra 2 kỳ vọng lớn trong nhiệm kỳ của mình.
Đầu tiên là khôi phục niềm tin của công chúng vào hệ thống y tế. Ông và vợ đều xem nặng chuyện cải cách y tế. Nếu thành công, đây sẽ trở thành di sản nổi bật. Mục tiêu tới năm 2028, sẽ không còn nhiều người Campuchia sang Việt Nam, Thái Lan hay Singapore chữa bệnh. Người dân ở nông thôn không cần ra thành phố, để nhận được dịch vụ y tế cơ bản.
Thứ 2 là đa dạng hóa nền kinh tế. Hiện nay công nghiệp của Campuchia chủ yếu tập trung vào may mặc. Ông muốn đến 2028, kinh tế Campuchia tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra, nông nghiệp, chế biến nông sản, thương mại và chất lượng người lao động, cũng sẽ ngày càng nâng cao và hiện đại hóa.