Theo thông tin từ các chuyên gia, một mảnh băng lớn dài khoảng 19 km, với diện tích ước tính khoảng 80 km², đã tách khỏi tảng băng trôi A23a.
Đây được xem là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự tan rã đang diễn ra bên trong khối băng khổng lồ ở Nam Cực này.
Nhà hải dương học Andrew Meijers từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, người đã giám sát tảng băng qua vệ tinh từ năm 2023, cho biết: "Những vết nứt sâu đang bắt đầu mở rộng, và đây là mảnh lớn đầu tiên tách ra từ A23a kể từ khi nó bắt đầu di chuyển về phía bắc."
Tương tự, nhà nghiên cứu sông băng Soledad Tiranti - đang tham gia một chuyến thám hiểm Nam Cực - cũng xác nhận sự kiện này, nhấn mạnh rằng đây có thể là khởi đầu cho quá trình tan rã nhanh chóng, giống như các tảng băng trôi lớn khác đã từng trải qua. Trước đây, các tảng băng khổng lồ khi bắt đầu vỡ ra thường tan rã nhanh chóng chỉ trong vài tuần.

Tảng băng A23a hiện đang trôi dạt về phía đảo Nam Georgia, một khu vực quan trọng ở Nam Đại Tây Dương. Hành trình của nó làm dấy lên lo ngại về nguy cơ mắc cạn tại vùng nước nông gần đảo, đe dọa nguồn thức ăn của các loài động vật hoang dã như chim cánh cụt con và hải cẩu con.
Những sự kiện tương tự đã từng xảy ra trước đây, khi các tảng băng trôi khổng lồ khác mắc cạn, làm gián đoạn đáng kể hệ sinh thái khu vực, dẫn đến sự suy giảm số lượng lớn chim cánh cụt và hải cẩu non do thiếu nguồn thức ăn.
Ông Tiranti nhận định: "Nếu tảng băng A23a tiếp tục vỡ ra thành các mảnh nhỏ hơn, mức độ nguy hiểm cho động vật hoang dã có thể giảm, nhưng nguy cơ vẫn còn hiện hữu."
Dù một phần đã vỡ ra, A23a vẫn tiếp tục di chuyển về phía bắc. Tuy nhiên, lộ trình chính xác của tảng băng trôi này phụ thuộc nhiều vào các dòng hải lưu địa phương.
Ông Andrew Meijers lưu ý rằng: "Dù tảng băng có thể thay đổi hướng đi, việc nó đang tiến về phía đảo Nam Georgia vẫn là điều khó tránh khỏi." Ông cũng cho biết, hiện chưa có cách nào chính xác để dự đoán toàn bộ quá trình tan rã của A23a, bởi các tảng băng thường có hành vi phức tạp và không tuân theo quy luật cụ thể nào.
Sự kiện này cũng làm dấy lên những lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu đối với các hệ sinh thái Nam Cực. Các tảng băng khổng lồ như A23a đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng môi trường biển. Khi những tảng băng này tan rã, không chỉ hệ sinh thái mà cả các dòng hải lưu và điều kiện khí hậu địa phương cũng có thể bị ảnh hưởng.
Hiện tại, các nhà khoa học đang tiếp tục theo dõi sát sao hành trình của tảng băng trôi A23a để đưa ra những dự báo chính xác hơn về nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường và động vật hoang dã tại khu vực Nam Đại Tây Dương.