Theo điều tra, nhóm 10 người Trung Quốc bị trục xuất thuộc một băng đảng buôn người hoạt động mạnh ở Myawaddy, Myanmar. Những người này bị cảnh sát áp giải từ sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok) đến Trung Quốc để phục vụ điều tra.
Nhóm đối tượng bị cáo buộc có liên quan đến việc lừa bán nhiều công dân Trung Quốc, trong đó có nam diễn viên Vương Tinh. Nhóm này đảm nhận nhiều vai trò khác nhau như quản lý, bảo vệ và nhân viên tổng đài trong đường dây lừa đảo trực tuyến.
Vụ việc bắt đầu khi diễn viên Vương Tinh nhận được lời mời đóng phim tại Thái Lan vào tháng 12/2024.
Sau khi hạ cánh tại Bangkok vào tháng 1 năm nay, Vương Tinh được hướng dẫn thuê xe và tự di chuyển đến biên giới Maesot, miền Bắc Thái Lan, giáp Myanmar. Tuy nhiên, khi đến nơi, anh bị một nhóm người lạ mặt đón và đưa đến một tòa nhà bí mật, nơi có hơn 50 người Trung Quốc khác cũng đang bị giam giữ.
Tại đây, Vương Tinh bị cạo đầu và ép học các kỹ năng đánh máy tính, sau đó bị đưa sang Myanmar bằng thuyền.
Trong 3 ngày bị giam cầm, anh bị buộc phải tham gia vào các hoạt động lừa đảo trực tuyến. May mắn đến ngày 7/1, cảnh sát Thái Lan đã phát hiện và giải cứu anh khỏi trung tâm lừa đảo tại Myawaddy, Myanmar.
Các tổ chức tội phạm dạng này đã mọc lên như nấm tại khu vực biên giới Myanmar - Thái Lan, đặc biệt tại những nơi do các nhóm phiến quân kiểm soát.
Những băng nhóm này chuyên lừa gạt đồng hương, bắt cóc, ép buộc nạn nhân tham gia vào các đường dây lừa đảo trực tuyến nhằm chiếm đoạt tài sản của người Trung Quốc.
Theo báo cáo của Bộ Công an Trung Quốc, đã có ít nhất 36 băng nhóm với hơn 100.000 thành viên tham gia vào hoạt động lừa đảo xuyên biên giới, gây thiệt hại hàng tỷ USD.

Vụ việc của Vương Tinh đã khiến dư luận Trung Quốc và Thái Lan hoang mang, đặc biệt là khi nhiều du khách Trung Quốc đồng loạt hủy chuyến bay đến Thái Lan, gây ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của "xứ sở chùa vàng".
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã phải lên tiếng trấn an, cam kết bảo đảm an ninh và an toàn cho du khách. Chính phủ nước này cũng tiến hành các biện pháp mạnh để đối phó với tội phạm lừa đảo trực tuyến.
Tuần trước, giới chức nước này đã tiến hành cắt nguồn điện, xăng dầu và Internet tại năm địa điểm sát biên giới Myanmar - nơi được cho là trung tâm hoạt động của các băng nhóm lừa đảo.
Nhóm phiến quân Quân đội Phật giáo Dân chủ Karen (DKBA) - kiểm soát một số khu vực ở Myanmar - đã ra tối hậu thư yêu cầu các băng nhóm tội phạm Trung Quốc rời khỏi lãnh thổ do họ quản lý trước cuối tháng này.

Các chiến dịch truy quét đã giải cứu hơn 250 người khỏi các trung tâm lừa đảo trực tuyến dọc biên giới Thái Lan - Myanmar; và những người này sau đó được bàn giao cho chính quyền Thái Lan để xử lý.
Cảnh sát Thái Lan khẳng định sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong cuộc chiến chống tội phạm lừa đảo. Các nỗ lực điều tra sẽ được mở rộng, đặc biệt là truy vết tài sản và các giao dịch tài chính của các tổ chức lừa đảo.
Phía Thái Lan cho biết sẽ làm việc chặt chẽ với cơ quan chống rửa tiền để triệt phá tận gốc các mạng lưới tội phạm này.