Chờ...

Thổ Nhĩ Kỳ âm thầm gia tăng ảnh hưởng ở Tây Phi như thế nào?

VOH - Đầu tháng 7/2024, một phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ gồm các quan chức ngoại giao, quốc phòng, năng lượng, thương mại và tình báo, đã đến thăm Niger.

Trước đó 2 tháng, thủ tướng Niger, ông Lamine Zeine đã tới thăm Ankara.

Trong chuyến thăm tháng 7/2024, 2 bên ký tuyên bố khuyến khích các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư vào mỏ dầu và khí đốt tự nhiên ở Niger, cũng như thảo luận cách tăng cường hợp tác quốc phòng và tình báo.

c_West_africa
Các quốc gia Tây Phi như Niger, Mali và Burkina Faso liên tục chứng kiến đảo chính thời gian qua - Ảnh: Google map

Sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở Niger, được cho là có ý nghĩa, khi chính quyền quân sự Niger đã ra lệnh cho các lực lượng Hoa Kỳ tại nước này rút khỏi, và đuổi binh sĩ Pháp về nước.

Chuyến thăm có khả năng là 1 bước ngoặt trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Tây Phi.

Ankara từ lâu đã quan tâm đến Tây Phi, nhưng thời gian gần đây, họ vẫn tiếp cận tương đối thận trọng.

Hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước Tây Phi và Sahel trước đây, nhằm mục đích đảm bảo sự ủng hộ của châu Phi trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Libya. Vài năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết viện trợ 5 triệu USD để tăng cường cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực.

Hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số quốc gia Tây Phi, đã tồn tại ở nhiều cấp độ khác nhau, như công tác huấn luyện.

Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận hợp tác quân sự với Niger vào năm 2020, Togo vào năm 2021 và Senegal năm 2022. Những diễn biến này đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong quan hệ an ninh giữa Ankara với Tây Phi.

Giống như kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Phi, Ankara coi Tây Phi là cơ hội để tăng cường ảnh hưởng.

Gần đây, Ankara đang cạnh tranh với các đối tác quốc tế vốn có mặt từ lâu trong khu vực. Sự cạnh tranh của Thổ Nhĩ Kỳ với Pháp về Libya, cùng với cuộc khủng hoảng ở Đông Địa Trung Hải, đã làm gia tăng căng thẳng giữa Paris và Ankara, khiến ngay cả nhiều bạn bè châu Âu cũng không muốn hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ ở Châu Phi.

Giai đoạn này đã kết thúc. Ankara hiện được coi là đối tác đáng tin cậy với các quốc gia Tây Phi đang gặp khó khăn.

Trọng tâm chính hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ là Niger.

Cách tiếp cận chiến lược của Ankara đối với Châu Phi, là tập trung toàn diện vào một quốc gia, sau đó gây ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.

Ankara đã làm như vậy ở Somalia và Đông Phi, trở thành một bên trung gian chủ chốt trong các cuộc khủng hoảng khu vực.

Sáng kiến ​​Niger của Thổ Nhĩ Kỳ là sáng kiến ​​đa chiều, bao gồm các lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng và năng lượng, có thể góp phần chấm dứt tình trạng cô lập quốc tế của Niger. Niger coi Thổ Nhĩ Kỳ là lối thoát, giống như Somalia đã từng làm trước đây.

Sự hiện diện mạnh mẽ của Ankara trong khu vực, và cụ thể là ở Niger, cũng có tiềm năng phục hồi Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (Ecowas), vốn từ lâu đã là một bên tương đối thành công trong điều phối các lĩnh vực chính trị và an ninh ở Tây Phi.

Thật vậy, Ecowas đang trên đường trở thành nhóm có ảnh hưởng, đối với các tổ chức khu vực khác của lục địa đen. Nhưng điều này bị đình trệ trong những năm gần đây, với việc thành lập một liên minh mới giữa một số quốc gia bị đảo chính, bao gồm Burkina Faso, Niger và Mali.

Mặc dù điều này gây ra mối đe dọa đối với Ecowas, nhưng mối quan hệ tốt đẹp của Thổ Nhĩ Kỳ với tất cả quốc gia trong khối, có thể giúp tạo điều kiện tái hòa nhập.

Ngoài ra, như một nhà ngoại giao hàng đầu trong khu vực đã nói, nhiều người Tây Phi tin rằng, tốt hơn là nên có quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện thay vì lực lượng Nga, xét đến mối quan hệ an ninh và quân sự của Ankara với phương Tây.

Hơn nữa, những nỗ lực hòa giải thẳng thắn, thân thiện và hướng tới tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã thể hiện rõ gần đây ở Đông Phi thông qua vai trò trong các cuộc đàm phán Somali-Ethiopia, có khả năng được sao chép ở Tây Phi.

Trong khi Nga cũng thể hiện sự quan tâm đến khu vực Sahel, đặc biệt từ sau cuộc đảo chính ở Mali, Niger và Burkina Faso. Tuy nhiên, Moscow vẫn bận tâm đến cuộc chiến ở Ukraine - và tương lai ảnh hưởng của Nga thông qua nhóm Wagner ở Châu Phi vẫn chưa chắc chắn.

Trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh, cách một quốc gia có sức mạnh kinh tế và chính trị đang khẳng định mình là nhân tố quan trọng, ở một khu vực xa xôi.

Theo nhiều chuyên gia, trong khi bất ổn toàn cầu và xung đột khu vực làm tê liệt các quốc gia khắp châu Phi, họ có thể học hỏi từ chính sách có tầm nhìn xa, bao trùm và phản ứng nhanh của Ankara đối với Tây Phi, trong nỗ lực đa dạng hóa quan hệ đối tác với các cường quốc mới nổi.