Thủ tướng Israel lần đầu tiên hầu tòa vì cáo buộc tham nhũng

VOH - Ngày 10/12 đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi ông lần đầu tiên phải ra điều trần tại phiên tòa xét xử các cáo buộc tham nhũng.

Ông Benjamin Netanyahu, người đã giữ chức Thủ tướng Israel gần như liên tiếp từ năm 2009, bị cáo buộc các tội danh nhận hối lộ, gian lận và vi phạm lòng tin trong 3 vụ án riêng biệt, liên quan đến việc nhận quà tặng xa xỉ và trao đổi ưu đãi pháp lý để được đưa tin có lợi.

Dù ông Netanyahu phủ nhận mọi hành vi sai trái, song việc ông lần đầu tiên phải ra điều trần trước tòa đã trở thành tâm điểm chú ý cả trong và ngoài Israel.

Phiên tòa bắt đầu từ năm 2020 và đã triệu tập khoảng 140 nhân chứng, bao gồm một số cộng sự thân cận nhất của ông, nhằm làm sáng tỏ các cáo buộc chống lại ông Netanyahu. Các công tố viên cũng trưng ra hàng ngàn tài liệu, tin nhắn và bản ghi âm để chứng minh rằng ông Netanyahu đã cố ý vi phạm pháp luật để bảo vệ hình ảnh công khai của mình.

Dù vậy, đội ngũ luật sư của ông Netanyahu khẳng định ông là một nhà lãnh đạo tuân thủ pháp luật, đồng thời cho rằng ông là nạn nhân của các cuộc điều tra thiên vị và bất cẩn.

Thủ tướng Israel cũng đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các cơ quan thực thi pháp luật, gọi những cáo buộc chống lại ông là “đảo chính chính trị”.

XFXZWT4VQJMAPCTA5ELVE4PIDQ_jpg
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một cuộc họp báo ở Jerusalem, ngày 9/12/2024 - Ảnh: REUTERS

Các vấn đề pháp lý của ông Netanyahu không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân ông mà còn gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Israel. Những người ủng hộ ông coi đây là âm mưu chính trị, trong khi các đối thủ chỉ trích ông sử dụng quyền lực để né tránh trách nhiệm.

Năm 2022, nỗ lực của ông nhằm hạn chế quyền lực ngành tư pháp cũng đã khiến sự phân cực chính trị gia tăng ở đất nước này.

Ngày nay, trong bối cảnh chiến tranh tại Gaza, các cuộc tấn công từ Hezbollah và tình hình bất ổn tại Syria, phiên tòa càng làm nổi bật những thách thức mà ông Netanyahu đang đối mặt.

Tháng trước, tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ra lệnh bắt giữ ông Netanyahu và một số lãnh đạo khác vì cáo buộc tội ác chiến tranh trong xung đột tại Gaza.

Mặc dù lệnh bắt giữ này chưa được thực thi, nó làm tăng thêm áp lực đối với Thủ tướng Israel, đồng thời ảnh hưởng đến hình ảnh quốc tế của quốc gia này.

Phiên tòa xét xử ông Netanyahu dự kiến kéo dài trong nhiều tuần, với lịch trình 3 ngày/tuần. Đây không chỉ là thách thức pháp lý mà còn là "bài kiểm tra" quan trọng đối với sự nghiệp chính trị của ông Netanyahu trong việc duy trì vị thế lãnh đạo đất nước trong thời điểm đầy bất ổn như hiện nay.

Bình luận