Chờ...

Thượng viện thông qua thỏa thuận trần nợ công, Mỹ tránh được vỡ nợ

VOH - Ngày 2/6 (giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ thông qua dự luật lưỡng đảng về việc đình chỉ trần nợ 31,4 ngàn tỷ USD. Mỹ đã tránh được kịch bản vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

Theo kênh CNBC, sau khi được thông qua ở Hạ viện và Thượng viện, dự luật này sẽ được trình Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Mỹ dự kiến ký thành luật vào ngày 2/6 (giờ Mỹ), chỉ ba ngày trước khi Mỹ có nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

Dự luật về trần nợ công được thông qua tại Thượng viện Mỹ với 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống, trong bối cảnh các nhà lập pháp chạy đua với thời gian để ngăn chính phủ vỡ nợ sau nhiều tháng tranh cãi giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Thời hạn 5/6 do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa ra. Bà cho rằng chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ không thể đáp ứng nghĩa vụ trả nợ sau ngày này, trừ khi Quốc hội bỏ phiếu tăng giới hạn nợ.

Thượng viện thông qua thỏa thuận trần nợ công, Mỹ tránh được vỡ nợ 1
Ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ - Ảnh: Reuters

Trước đó, dự luật này được thông qua tại Hạ viện sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Tổng thống Biden nhất trí được một thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công vào ngày 27/5.

Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nâng trần nợ công vào tối 31/5 (giờ Mỹ) với tỷ lệ phiếu 314-117.

Tỷ lệ bỏ phiếu này đã gây ngạc nhiên cho lãnh đạo Hạ viện của cả hai bên khi số thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện đã bỏ phiếu cho dự luật nhiều hơn số thành viên của đảng Cộng hòa.

Ông Chuck Schumer và lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã thực hiện cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để đẩy nhanh phê chuẩn dự luật mà Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã thống nhất. "Nước Mỹ có thể thở phào nhẹ nhõm", Schumer phát biểu trước Thượng viện.

Bế tắc kéo dài trong đàm phán trần nợ giữa Hạ viện và Nhà Trắng đã khiến thị trường tài chính lao đao, gây áp lực lên thị trường chứng khoán và buộc Mỹ phải trả lãi suất cao kỷ lục cho một số đợt bán trái phiếu.

Các nhà kinh tế cho rằng vỡ nợ sẽ gây hậu quả nặng nề hơn nhiều, có khả năng đẩy quốc gia vào suy thoái kinh tế, làm rung chuyển nền kinh tế thế giới và tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến.