Hội nghị thượng đỉnh G20 thông qua tuyên bố chung
Ngày 9/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20) lần thứ 18 tại New Delhi, bất chấp những lo ngại trước đó về chia rẽ lập trường giữa các nước.
Tuyên bố dày 37 trang tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện; đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và đã đưa ra kế hoạch hành động phù hợp.
Tuyên bố chung của các lãnh đạo G20 tái khẳng định lo ngại về chiến sự Ukraine, nhưng không chỉ trích trực tiếp Nga. Thay vào đó, văn bản này kêu gọi "mọi quốc gia hành xử phù hợp với mục tiêu và nguyên tắc trong toàn văn Hiến chương Liên Hợp Quốc", phản đối "đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, độc lập chính trị của nước khác".
Động đất ở Morocco mạnh ngang 25 bom nguyên tử, hơn 2.000 người thiệt mạng
Bộ Nội vụ Morocco cho biết tính đến cuối ngày 9/9, số người chết do động đất ở nước này đã lên 2.012 người. Số người bị thương cũng tăng lên hơn 2.000 người, trong đó khoảng 1.400 người trong tình trạng nặng.
Trận động đất mạnh 7,2 độ Richter xảy ra tại Ighil nằm trong khu vực dãy núi High Atlas ở Morocco vào khoảng 23 giờ ngày 8/9 (giờ địa phương, khoảng 5 giờ sáng 9/9 theo giờ Hà Nội). Đây là nơi tập trung nhiều làng mạc làm nông nghiệp, cách thành phố gần nhất là Marrakech khoảng 70 km. Marrakech cũng là thành phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Bộ Nội vụ Morocco cho biết các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng từ động đất gồm Al Haouz, Ouarzazate, Marrakech, Azilal, Chichaoua và Taroudant.
Giáo sư Iyd al-Taraz thuộc Khoa Địa chấn và Thảm họa tự nhiên tại Đại học Hashemite ở Jordan, nhận định trận động đất ở Morocco mạnh ngang 25 quả bom nguyên tử.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), thảm họa đêm 8/9 là trận động đất chết chóc nhất tại Morocco kể từ khi sự kiện tương tự xảy ra vào năm 1960 khiến ít nhất 12.000 người tử vong.
Người dân Israel tiếp tục biểu tình phản đối cải cách tư pháp
Tối 9/9 (giờ địa phương), hàng chục ngàn người dân Israel đã xuống đường tập trung tại các thành phố trên toàn quốc để biểu tình phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ. Đây là tuần thứ 36 liên tiếp người dân Israel biểu tình lớn để phản đối kê hoạch được cho là làm suy yếu quyền lực của Tòa án Tối cao và trao thêm quyền lực cho Chính phủ và Quốc hội.
Dự kiến vào ngày 12/9, Tòa án Công lý Tối cao sẽ họp để phán quyết có bãi bỏ hay không đối với đạo luật về "tính hợp lý" - vốn được thông qua hôm 24/7 vừa qua. Luật này cấm tòa án các cấp sử dụng tiêu chuẩn về “tính hợp lý” để bãi bỏ các quyết định của chính quyền và các cơ quan dân cử, và là một phần quan trọng trong kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi.
Về phần mình, Chính phủ Israel lên tiếng cảnh báo nếu Tòa án Công lý Tối cao bãi bỏ đạo luật trên thì điều này có thể đẩy quốc gia này rơi vào tình trạng hỗn loạn.
UNESCO: Nhiều địa điểm tôn giáo, văn hóa của Ukraine có nguy cơ bị phá hủy do xung đột
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa thông báo Nhà thờ Chánh tòa Thánh Sophia, các tu viện ở Kiev và trung tâm lịch sử của Lviv ở Ukraine dự kiến sẽ được liệt vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa do chiến sự giữa nước này với Nga.
Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới thuộc UNESCO Lazare Eloundou cho biết, những địa điểm nói trên đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy và không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Theo ông Eloundou, Ủy ban Di sản thế giới sẽ họp từ ngày 10 đến 25/9 tại Riyadh (Saudi Arabia) để đưa ra quyết định về đề xuất trên. Trước đó, trung tâm thành phố Odesa của Ukraine đã được đưa vào danh sách những di sản bị đe dọa sau khi nhiều tòa nhà tại thành phố cảng này bị phá hủy hồi cuối tháng 7 vừa qua. UNESCO đã ghi nhận thiệt hại đối với 270 địa điểm văn hóa ở Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022.