Chờ...

Tin thế giới sáng 13/7: Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa | G7 cam kết an ninh dài hạn cho Ukraine

VOH - Một số thông tin khác: Wagner hoàn tất giao nộp hàng ngàn tấn vũ khí cho quân đội Nga; NASA triển khai robot bảo trì cơ sở dầu khí.

Triều Tiên xác nhận phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa 

Triều Tiên xác nhận nước này đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-18 sử dụng nhiên liệu rắn ra ngoài khơi bờ biển phía đông vào ngày 12/7. Vụ phóng nhằm xác nhận kỹ thuật và độ tin cậy hoạt động của hệ thống vũ khí này, theo KCNA.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp giám sát quá trình. Ông Kim cho biết vụ phóng tên lửa mới nhất là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm tăng cường khả năng tự vệ trước "thảm họa chiến tranh hạt nhân" và các động thái quân sự của Mỹ và Hàn Quốc.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết tên lửa phóng lần này đã bay trong 74 phút ở độ cao 6.000 km, đạt tầm bắn 1.000 km. Đây là thời gian bay dài nhất từ trước đến nay của một tên lửa Triều Tiên.

Động thái của Triều Tiên tiếp tục vấp phải sự phản đối từ nhiều bên, đặc biệt có Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Lãnh đạo 3 nước đã có cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO để lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phản đối mạnh mẽ vụ phóng và kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về cấm phát triển tên lửa đạn đạo, đồng thời nối lại đối thoại nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tin thế giới sáng 13/7: Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa | G7 cam kết an ninh dài hạn cho Ukraine
Tên lửa Hwasong-18 rời bệ phóng trong vụ thử ngày 12/7/2023 - Ảnh: KCNA

G7 công bố cam kết bảo đảm an ninh dài hạn với Ukraine

Ngày 12/7, nhóm các nước G7 đã ra tuyên bố chung, công bố cơ chế đa phương về an ninh lâu dài cho Ukraine, nhằm hỗ trợ quân sự, giúp đỡ người dân và giúp tái thiết nền kinh tế Ukraine, đồng thời ngăn chặn những xung đột tiềm tàng trong tương lai. 

Kế hoạch của G7 cung cấp cơ chế để từng quốc gia thiết lập thỏa thuận song phương với Kiev, nêu chi tiết các loại vũ khí họ sẽ cung cấp nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của nước này. Bên cạnh đó còn hoạt động huấn luyện cho các lực lượng Ukraine, chia sẻ thông tin tình báo và tiếp tục áp các lệnh trừng phạt lên Nga.

G7 cho biết họ cũng sẽ tìm cách củng cố sự ổn định kinh tế của Ukraine, thông qua các nỗ lực tái thiết và phục hồi, đặc biệt là thúc đẩy an ninh năng lượng.

Về phía Nga, nước này gọi các đảm bảo an ninh mà phương Tây dành cho Ukraine là sai lầm nghiêm trọng và "sẽ khiến châu Âu trở nên nguy hiểm hơn trong nhiều năm tới" - phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Tin thế giới sáng 13/7: Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa | G7 cam kết an ninh dài hạn cho Ukraine
Từ trái qua: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Vilnius, Lithuania, ngày 12/7/2023 Ảnh: AFP

Wagner hoàn tất giao nộp hàng ngàn tấn vũ khí cho quân đội Nga

Quân đội Nga đã hoàn tất quá trình tiếp nhận trang thiết bị và vũ khí từ tập đoàn quân sự tư nhân Wagner sau khi lực lượng nảy rút khỏi chiến trường Ukraine.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 12/7 thông báo Wagner đã chuyển khoảng 2.000 khí tài và hơn 2.500 tấn đạn dược cho quân đội chính quy. Trong số này có nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại và các hệ thống pháo binh, với hàng chục vũ khí chưa từng được sử dụng trong chiến đấu.

Số vũ khí, trang thiết bị tiếp nhận từ Wagner sẽ được chuyển đến các khu vực hậu cần, nơi các đơn vị bảo dưỡng, sửa chữa sẽ tiến hành khôi phục nếu cần thiết để phục vụ tác chiến.

Theo hãng tin Reuters, việc Wagner bàn giao vũ khí cho Bộ Quốc phòng Nga cho thấy lực lượng này đang rút khỏi các hoạt động chiến đấu ở Ukraine. Động thái này diễn ra gần 3 tuần sau khi lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin tổ chức cuộc nổi loạn hôm 24/6.

Tin thế giới sáng 13/7: Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa | G7 cam kết an ninh dài hạn cho Ukraine
Xe thiết giáp của Wagner bàn giao cho quân đội Nga - Ảnh: RT

NASA triển khai robot bảo trì cơ sở dầu khí

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa triển khai robot hình người mang tên Valkyrie nhận nhiệm vụ hỗ trợ việc bảo trì các cơ sở dầu khí ngoài khơi và các mỏ chưa được khai thác của Công ty Woodside Energy ở Australia. Công ty này sau đó sẽ kiểm tra phần mềm phản ánh hoạt động của Valkyrie và phản hồi cho NASA.

Valkyrie được thiết kế thành một robot hình người mạnh mẽ, chắc chắn và chạy hoàn toàn bằng điện, có thể hoạt động trong môi trường độc hại hoặc nguy hiểm. Nó nặng gần 140kg, cao khoảng 1,9m.

Tin thế giới sáng 13/7: Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa | G7 cam kết an ninh dài hạn cho Ukraine
Robot Valkyrie của NASA nhận nhiệm vụ mới ở Australia - Ảnh: NASA

NASA hy vọng lần triển khai này này sẽ giúp tăng độ an toàn cho cả nhân viên và môi trường trong các nhiệm vụ đặc thù và nhiều rủi ro, đồng thời là bước thử nghiệm thực tế quan trọng của Valkyrie.

NASA mong đợi trong tương lai, các robot di động được điều khiển từ Trái đất có thể tiến hành các hoạt động quan trọng khi các phi hành gia không có mặt thực tế trên các hành tinh như Mặt trăng hoặc sao Hỏa.