Anh đạt thỏa thuận mang tính đột phá với EU hậu Brexit
Anh và Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận được kỳ vọng sẽ giải quyết căng thẳng xoay quanh vấn đề thương mại tại Bắc Ireland hậu Brexit.
Thỏa thuận này dự kiến giảm số lượng điểm kiểm soát trên thực địa đối với nguồn cung hàng hóa từ Anh vào Bắc Ireland. Chính quyền Bắc Ireland cũng có quyền quyết định sẽ tuân thủ những quy định nào của EU theo thỏa thuận Brexit trước đó giữa London và EU.
Thỏa thuận mang tính đột phá giữa Anh và EU cũng cho phép chính phủ Anh thiết lập một số quy tắc về thuế và trợ cấp chính phủ cho hàng hóa ở Bắc Ireland.
Trung Quốc phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ
Ngày 27/2, chính phủ Trung Quốc lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty nước này vì các cáo buộc liên quan đến Nga, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) bày tỏ lấy làm tiếc về các lệnh trừng phạt của Mỹ và nhấn mạnh đây là những biện pháp "đơn phương và trái với luật pháp quốc tế".
Bà Mao Ninh khẳng định lập trường của nước này là khách quan và công bằng, đồng thời cho biết Bắc Kinh đang tích cực thúc đẩy các cuộc hòa đàm và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho xung đột tại Ukraine. Bà khẳng định việc Mỹ tài trợ vũ khí cho Ukraine sẽ khiến cuộc xung đột kéo dài, cũng như khiến các bên khó đạt được giải pháp hòa bình.
NATO tập trận về tác chiến chống tàu ngầm
Ngày 27/2, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo 9 nước thành viên liên minh quân sự này đang tiến hành cuộc tập trận Dynamic Manta ở khu vực ngoài khơi bờ biển Sicilia thuộc Địa Trung Hải
Mục đích của cuộc tập trận Dynamic Manta là nhằm nâng cao khả năng tương tác và sự thành thạo trong các kỹ năng tác chiến chống tàu ngầm và tàu nổi.
Dynamic Manta là một trong số hàng chục cuộc tập trận hằng năm do bộ chỉ huy trung tâm của các lực lượng trên biển của NATO tổ chức, bên cạnh nhiều cuộc tập trận đa quốc gia được các nước thành viên của liên minh tiến hành riêng rẽ.
Canada cấm TikTok đối với các thiết bị của chính phủ
Ngày 27/2, Canada đã công bố lệnh cấm cài đặt ứng dụng TikTok của công ty ByteDance, Trung Quốc trên các thiết bị có liên quan đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc chính phủ Canada. Nước này cho rằng TikTok tiềm ẩn nguy cơ rủi ro ở mức "không thể chấp nhận" về quyền riêng tư và bảo mật.
Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 28/2. Theo đó, "ứng dụng TikTok sẽ bị xóa khỏi các thiết bị di động do chính phủ cấp. Việc tải ứng dụng trong tương lai của người sử dụng các thiết bị này cũng sẽ bị chặn".
Cách đây ít ngày Ủy ban châu Âu (EC) cũng ban hành lệnh cấm tương tự. Một người phát ngôn của TikTok bày tỏ thất vọng về quyết định mới nhất từ phía EC, đồng thời cho rằng "quyết định này là sai lầm và dựa trên những quan niệm sai lệch cơ bản."