Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi một đối tượng đốt kinh Koran bên ngoài đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển).
OIC gồm 57 nước thành viên đã tổ chức cuộc họp bất thường tại trụ sở ở thành phố Jeddah, Saudi Arabia nhằm phản ứng về vụ đốt kinh Koran ngày 28/6.
Theo tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, OIC hối thúc các nước thành viên áp dụng các biện pháp chung và thống nhất để ngăn các vụ “xúc phạm” kinh Koran tái diễn.
Tổng Thư ký OIC Hissein Brahim Taha nhấn mạnh cần gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng hành vi xúc phạm kinh Koran không chỉ là những vụ bài Hồi giáo thông thường, đồng thời cần liên tục nhắc nhở cộng đồng quốc tế về việc áp dụng luật pháp quốc tế, trong đó nghiêm cấm mọi chủ trương gây thù hận tôn giáo.
Các tín đồ Hồi giáo và chính phủ nhiều nước có cộng đồng người Hồi giáo đã phản ứng mạnh sau khi Salwan Momika - một người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển, đốt kinh Koran trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm ngày 28/6, đúng ngày đầu tiên diễn ra lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo.
Ngày 1/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án vụ một người tị nạn Iraq ở Thụy Điển đốt bản sao của kinh Koran, đồng thời nhấn mạnh phải có biện pháp ngăn chặn hiện tượng bài Hồi giáo.
Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) cho biết Liên minh châu Âu lên án hành vi đốt kinh Koran ở Thụy Điển và kêu gọi tránh làm leo thang tình hình.
EEAS khẳng định: “Cùng với Bộ Ngoại giao Thụy Điển, Liên minh châu Âu phản đối mạnh mẽ việc một cá nhân ở Thụy Điển đốt kinh Koran. Hành động này hoàn toàn không phản ánh quan điểm của Liên minh châu Âu. Giờ là lúc để sát cánh vì sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau và để ngăn chặn tình hình leo thang.”
Nhiều quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông cũng đã lên án hành động đốt Kinh Koran của người Hồi giáo ở thủ đô của Thụy Điển.