Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh trừng phạt Tòa Hình sự Quốc tế

VOH - Ngày 6/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Động thái này được đưa ra như phản ứng quyết liệt từ Washington sau khi ICC ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant.

Sắc lệnh nêu rõ ICC đang “tạo ra tiền lệ nguy hiểm” bằng cách điều tra các công dân Mỹ và đồng minh, đồng thời cáo buộc tòa án có trụ sở tại Hà Lan “lạm dụng quyền lực” khi ban hành lệnh bắt đối với các lãnh đạo Israel.

Tổng thống Trump chỉ trích các hành động của ICC là “bất hợp pháp và vô căn cứ”, đe dọa chủ quyền Mỹ và làm suy yếu chính sách đối ngoại của nước này cũng như các đồng minh.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản, cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với các quan chức và nhân viên ICC, cũng như gia đình họ và những cá nhân bị cáo buộc hỗ trợ các cuộc điều tra. Những hạn chế này có thể tác động nghiêm trọng đến khả năng hoạt động của ICC, bao gồm việc tiếp cận hệ thống ngân hàng, thanh toán và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Lệnh trừng phạt ICC được đưa ra chỉ vài tuần sau khi tòa án này phát lệnh bắt giữ ông Netanyahu và ông Gallant với cáo buộc “tội ác chiến tranh và tội chống lại loài người” liên quan đến chiến dịch quân sự ở Dải Gaza.

Cùng thời điểm, ICC cũng phát lệnh truy nã chỉ huy cánh quân sự Hamas Mohammed Deif.

Trước đó, ICC từng ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên quyền trẻ em Nga Maria Lvova-Belova với cáo buộc “trục xuất bất hợp pháp trẻ em Ukraine sang Nga”.

06trump-news-eo-icc-sanctions-chqz-videoSixteenByNineJumbo1600
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, ngày 4/2/2025 - Ảnh: The New York Times

Washington từ lâu đã có mâu thuẫn với ICC. Dưới thời chính quyền Trump, Mỹ từng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công tố viên ICC Fatou Bensouda vào năm 2020 sau khi bà mở cuộc điều tra về cáo buộc quân nhân Mỹ phạm tội ác chiến tranh tại Afghanistan.

Tuy nhiên, những biện pháp này đã bị Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ ngay khi nhậm chức vào năm 2021. Ông Biden cũng lên tiếng chỉ trích lệnh bắt giữ Thủ tướng Netanyahu hồi tháng 11/2024 là “vô lý”.

ICC được thành lập vào năm 2002 để truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh.

Tuy nhiên, thẩm quyền của cơ quan này vẫn gây tranh cãi khi một số cường quốc, bao gồm Mỹ, Nga và Israel, từ chối công nhận vai trò của ICC trong các vấn đề quốc tế. Israel đã bác bỏ quyền tài phán của ICC và phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến chiến dịch quân sự tại Gaza.

Dù vậy, theo Quy chế Rome, 124 quốc gia thành viên ICC có nghĩa vụ bắt giữ các cá nhân bị truy nã và giao họ cho tòa án tại La Hay.

Bình luận