Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết "muốn một trong những cuộc họp đầu tiên sẽ là với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin".
Ông nhấn mạnh phi hạt nhân hóa là một trong những mục tiêu lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, khẳng định việc chế tạo thêm vũ khí hạt nhân là không cần thiết và Mỹ, Nga, Trung Quốc nên cùng nhau giảm bớt kho vũ khí này.
Theo ông Trump, trước đây ông đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Nga Putin về vấn đề này và Trung Quốc cũng tỏ ra "cởi mở", nhưng kế hoạch đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Ông tin rằng đây là thời điểm để nối lại các cuộc thảo luận, đồng thời hy vọng sẽ có cuộc gặp ba bên trong tương lai không xa.
Ngoài vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân, Tổng thống Trump cũng bày tỏ mong muốn đưa Nga trở lại nhóm G7 sau hơn 10 năm bị đình chỉ do sáp nhập bán đảo Crimea. Ông cho rằng việc loại Nga khỏi G7 là một "sai lầm" và tin rằng Moscow nên được mời quay lại các cuộc họp của nhóm này.
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng đề cập đến xung đột Ukraine, khẳng định rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn ngừng bắn và tìm kiếm hòa bình.
Ông Trump tiết lộ đã điện đàm với cả ông Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tuyên bố quá trình đàm phán nhằm chấm dứt xung đột sẽ bắt đầu "ngay lập tức".
Lãnh đạo Nga và Mỹ đã nhất trí về khả năng tổ chức một cuộc gặp trong thời gian tới, với Arab Saudi có thể là địa điểm được lựa chọn. Tuy nhiên, phía Điện Kremlin cho biết vẫn còn quá sớm để xác định thời gian và địa điểm cụ thể.

Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyansky cho biết Moscow “chưa bao giờ né tránh” và sẵn sàng nối lại các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí hạt nhân nếu Washington thay đổi lập trường.
Quan chức Nga nhấn mạnh rằng việc khôi phục các hiệp ước kiểm soát vũ khí đã bị Mỹ phá vỡ trước đây là một thách thức lớn, nhưng Moscow sẵn sàng đàm phán nếu có sự hợp tác toàn diện.
"Kiểm soát vũ khí là một trong những vấn đề cấp bách nhất, do nhiều năm qua Mỹ đã phá bỏ các khuôn khổ pháp lý có liên quan. Việc khôi phục sẽ rất khó khăn, nhưng chúng tôi sẵn sàng làm như vậy, miễn là có các cuộc đàm phán rộng hơn để giải quyết thỏa đáng những lo ngại của chúng tôi”, ông Dmitry Polyansky nói.