Theo thông tin được công bố hôm thứ Hai, trang trại tê giác lớn nhất thế giới ở Nam Phi sẽ được bán đấu giá vào tháng 4 bởi chủ sở hữu của nó, người đang phải chịu chi phí cao ngất ngưỡng cho dự án bảo vệ loài này khỏi sự đe dọa bởi nạn săn trộm.
Doanh nhân giàu có người Nam Phi, John Hume, 81 tuổi, đã thành lập trang trại này vào năm 2009 trên khu đất rộng 8.500 hecta ở phía tây bắc đất nước. Trang trại hiện có 2.000 con tê giác trắng và khoảng 100 nhân công.
Năm ngoái, doanh nhân này thông báo rằng ông dự định sẽ đưa khoảng 100 cá thể tê giác về tự nhiên mỗi năm.
"Nuôi tê giác là một sở thích tốn kém", ông nói với AFP hôm thứ Hai.
Nuôi tê giác "30 năm không thu được lợi nhuận", ông đặc biệt giải thích rằng việc chăm sóc 1 con tê giác cho đến khi nó 4 tuổi có thể tiêu tốn hơn 500.000 rand (26.000 euro).
Tổ chức quản lý dự án, Platinum Rhino, cho biết trong một tuyên bố rằng họ đang tìm kiếm "người mua có cùng lý tưởng, một người hoặc một tổ chức với niềm đam mê bảo tồn tê giác và tạo điều kiện để tiếp tục nhân giống chúng".
Nam Phi là nơi sinh sống của gần 80% quần thể tê giác trên thế giới. Đất nước này đã trở thành một điểm nóng về nạn săn trộm do nhu cầu của người châu Á, nơi mà sừng tê giác được sử dụng trong y học cổ truyền với tác dụng chữa bệnh hoặc tăng cường sinh lý.
Năm 2022, 448 con tê giác đã bị giết ở Nam Phi, giảm 3 con so với năm trước đó. Theo chính phủ, đây là kết quả của việc tăng cường các biện pháp chống săn trộm đã được thực hiện tại các công viên quốc gia.
Năm 2017, John Hume gây ra nhiều tranh cãi khi tổ chức một buổi mua bán sừng tê giác trực tuyến để gây quỹ tài trợ cho việc bảo tồn, và điều này cũng khiến các nhà bảo vệ môi trường phẫn nộ.
Những chiếc sừng được rao bán là có từ các hoạt động khử sừng nhằm tránh bị những kẻ săn trộm tấn công, các con tê giác được bác sĩ thú y gây mê và cắt sừng. Quy trình này không gây đau đớn và sừng sẽ mọc lại sau đó.
Trên thị trường chợ đen, chất keratin có trong sừng tê giác trị giá đến 60.000 USD/kg, cao hơn cả cocain.