Theo thông tin dự báo thời tiết mới nhất, mưa lớn sẽ tiếp tục diễn ra vào các ngày 1, 2 và 3/7 tại các phụ lưu của sông Trường Giang, khiến nước đổ về đập Tam Hiệp gia tăng.
Trong những ngày qua, lũ lớn đã khiến mực nước ở đập Tam Hiệp dâng cao làm dấy lên nhiều quan ngại rằng đập thủy điện lớn nhất thế giới có nguy cơ bị vỡ. Trước tình thế cấp bách đó, chính quyền Trung Quốc đã buộc phải xả lũ để giảm tải cho đập, gây ra ngập lụt lớn ở vùng hạ lưu.
Ngày 29/6 vừa qua, sau nhiều thông tin đồn đoán, cuối cùng chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận việc thực hiện xả lũ lần đầu tiên trong năm nay tại đập Tam Hiệp.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin các con đập Tam Hiệp, Cát Châu Bá, Khê Lạc Độ và Hương Gia Bá đang nỗ lực để "sản xuất điện" hết công suất. Tân Hoa Xã cho biết 34 máy phát điện của đập Tam Hiệp đã hoạt động gần hết công suất.
Tuy nhiên, một số hãng tin lại cho rằng thực chất những đập thủy điện trên đang thực hiện một đợt xả lũ khẩn cấp để phòng ngừa nguy cơ vỡ đập. Nhật báo Kinh tế Hong Kong ngày 29/6 bình luận: "Mưa lớn ở miền nam không ngừng thử thách năng lực chống lũ của đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang".
Chiều ngày 28/6, lượng nước đổ vào hồ chứa Tam Hiệp đạt 40.000 m3/giây, gấp đôi ngày trước đó. Để đối phó với lượng nước ồ ạt tràn về, giới chức đã ra lệnh nâng ngưỡng xả của Hồ chứa Tam Hiệp lên 35.000 m3/giây.
Với tình trạng mưa lũ vẫn tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc, nhiều chuyên gia đặt nghi vấn liệu lũ lụt những ngày qua ở các địa phương nằm gần đập Tam Hiệp có liên quan tới việc con đập này xả lũ hay không. Đến hôm 29/6, khi Bắc Kinh thừa nhận "đợt xả lũ" đầu tiên trong năm thì một đợt lũ mới cũng đang tràn về lưu vực đập Tam Hiệp. Đây là khu vực có diện tích lên đến 1 triệu km2.
Việc thừa nhận xả lũ ở đập Tam Hiệp diễn ra sau khi các video xuất hiện trên mạng xã hội dấy lên lo ngại những địa phương gần đập Tam Hiệp đã phải “hy sinh” để cứu con đập khổng lồ này.
Mưa lớn ở nhiều khu vực trung lưu và hạ lưu Trường Giang từ ngày 20/6 đã dẫn tới nước lũ vượt mức cảnh báo trên 58 con sông ở 12 tỉnh thành. Các video được lan truyền vào cuối tuần qua cho thấy đường phố nhiều quận thuộc một thành phố ở hạ lưu con đập biến thành sông. Xe cộ bị ngập và người dân chật vật di chuyển trong dòng nước.
Đập thủy điện Tam Hiệp xả lũ vào năm 2018. Ảnh: AFP
Theo Taiwan News, chuyên gia thủy lợi Vương Duy Lạc, hiện sống ở Đức, đã đặt nghi vấn về sự an toàn của đập Tam Hiệp và cảnh báo con đập có thể vỡ bất kỳ lúc nào.
Ông Vương cảnh báo một khi đập vỡ, hậu quả sẽ rất khôn lường đối với người dân sinh sống ở vùng hạ lưu sông Trường Giang. Ông nhấn mạnh tính nghiêm trọng của những vết nứt và kết cấu bê tông không đạt tiêu chuẩn được phát hiện trong quá trình xây dựng. Đồng thời, chuyên gia này cũng cho rằng Bắc Kinh và truyền thông ở Trung Quốc đã không thừa nhận mối nguy tiềm tàng từ hồ chứa.
Tuy nhiên, hôm 22/6, chuyên gia Quách Tấn tại Viện Cơ học Kỹ thuật thuộc Cục Quản lý Động đất Trung Quốc đã bác bỏ những tin đồn và nghi vấn của truyền thông thế giới rằng đập Tam Hiệp có nguy cơ bị vỡ.
Bộ Quản lý Tình trạng Khẩn cấp của Trung Quốc cho biết trận lũ năm nay đã ảnh hưởng đến 26 tỉnh của Trung Quốc với gần 14 triệu người. Trong đó 78 người đã chết và mất tích. Ước tính 8.000 ngôi nhà đã bị phá hủy và 97.000 ngôi nhà bị hư hại ở 13 tỉnh, thiệt hại lên tới 25,7 tỷ nhân dân tệ (3,6 tỷ USD).
Đập Tam Hiệp là công trình đập thủy điện đồ sộ lớn nhất thế giới. Ảnh: CNN
Đập Tam Hiệp có quy mô rất lớn và là đập thủy điện lớn nhất thế giới. Hồ chứa mà đập tạo ra có diện tích bề mặt hơn 1.000km2. Công trình này thậm chí được cho là có thể làm chậm vòng quay của Trái đất vì khối lượng nước dự trữ trong hồ vô cùng lớn.
Khi triển khai thực hiện, chính phủ Trung Quốc nói rằng đập Tam Hiệp được xây dựng với mục đích chính là sản xuất điện, điều tiết lũ và hỗ trợ giao thông đường thủy.
Tuy nhiên, một số ý kiến trái chiều lại cho rằng nếu theo tình hình hiện tại thì những người phản đối xây đập trước kia lại có phần đúng đắn, vì “từ khi con đập này ra đời thì chưa thấy có đóng góp gì trong việc điều tiết lũ lụt hay hạn hán, như cách mà người ta nghĩ vào lúc đó".
Để thực hiện công trình này, 1,2 triệu người dân Trung Quốc đã buộc phải tái định cư hoặc tìm nơi ở mới. Hiện chính phủ Trung Quốc vẫn đang di dời người dân ra khỏi khu vực và dự kiến sẽ chuyển đi thêm hàng trăm nghìn người nữa trong những năm tới đây. Ước tính, tổng chi phí xây dựng đập vào khoảng 25 tỷ USD nhưng một số ý kiến cho rằng con số này phải lên đến 37 tỷ USD.