Chờ...

Vấn đề ở Syria khiến ông Trump có thể không tái đắc cử Tống thống Mỹ?

(VOH) - Các chính sách của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các vấn đề của Syria hiện nay là "thảm họa"; điều này hoàn toàn có thể khiến ông thất bại trong lần tranh cử tới vào năm 2020.

Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả Philip J. Crowley - cựu trợ lý của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Tương lai chắc hẳn cũng sẽ không có một bài viết nào mang tính chất "luận tội" Tổng thống Mỹ Donald Trump về các vấn đề liên quan đến Syria, tuy nhiên những gì đang diễn ra ở Syria là kết quả của chuỗi các chính sách mang tính chiến lược của ông Trump, có phần "chiều" theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và điều này có thể đánh dấu sự khởi đầu cho kết thúc của "thời đại" Donald Trump ở Mỹ.

Cuộc chiến dai dẳng ở Trung Đông, người Mỹ đã mệt mỏi rồi...

Mở rộng ra một chút, vào tháng trước, Hạ viện Mỹ đã mở cuộc điều tra luận tội ông Trump vào ngày 24/9 sau khi người tố giác đệ đơn hồi tháng 8, bày tỏ lo ngại về việc Trump thúc giục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra Joe Biden và con trai Hunter trong cuộc điện đàm ngày 25/7. Hunter từng làm việc tại công ty năng lượng Ukraine Burisma. Trump và các đồng minh nghi ngờ Joe Biden dùng quyền lực khi còn làm phó Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 để giúp Burisma không bị điều tra hình sự.

Cuộc điện đàm với Zelensky diễn ra sau khi ông Trump đóng băng gần 400 triệu USD viện trợ Mỹ cho Ukraine. Mặc dù Tổng thống Mỹ giải thích động thái này là nhằm thúc giục nước châu Âu hỗ trợ Kiev, nhiều người đánh giá ông có động cơ chính trị, muốn gây sức ép để Zelensky phải điều tra cha con Biden.

Nhiều ý kiến cho rằng nội bộ chính trị Ukraine giờ đây đã trở thành ví dụ cho phép thử tâm lý nổi tiếng Rorschach, và dù có gì xảy ra thì Trump vẫn vô can, người chịu trách nhiệm lớn nhất vẫn là Tổng thống của Ukraine hiện tại. Mặc dù vậy, nhiều người ủng hộ ông Trump thì vẫn nhìn nhận vấn đề ở Ukraine là "chẳng có gì tai hại".

Thế nhưng, Syria thì lại khác.

Vấn đề ở Syria không phải là điều để Tổng thống Trump có thể đổ lỗi cho người tiền nhiệm Barack Obama hay cho Hạ viện - do đảng Dân chủ kiểm soát. Mặc dù chính quyền Donald Trump đã tuyên bố những lệnh trừng phạt mới nhất dành cho Thổ Nhĩ Kỳ vì cuộc tấn công quân sự ở Syria, tuy nhiên về bản chất đây là một cuộc khủng hoảng phần lớn do Trump tạo ra.

Liên quân Mỹ và người Kurd tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2017. Ảnh: BBC

Đối với ông Trump, quyết định rút lực lượng quân sự Mỹ khỏi các khu vực tranh chấp dọc biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ phù hợp với quan điểm tranh cử của ông, đó là đưa Mỹ ra khỏi các cuộc xung đột phức tạp và tốn kém ở Trung Đông. Như ông đã đăng tải trên twitter của mình, rằng "đã đến lúc chúng ta phải thoát ra khỏi những cuộc chiến vô tận và vô lý này". Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ chỉ chiến đấu khi nào có lợi cho mình và chỉ chiến đấu để thắng."

...nhường lại cho Thổ Nhĩ Kỳ hành động

Mặc dù mọi người đều có khuynh hướng không quan tâm nhiều đến những tuyên bố và những dòng tweet bất chợt, thất thường và mâu thuẫn như xưa nay vốn vậy của Trump, tuy nhiên trong trường hợp này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là Erdogan đã "đọc thấu được Trump như một cuốn sách" và "lợi dụng" Trump một cách "tận tình".

Khi Erdogan nói với Tổng thống Trump trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại gần đây rằng ông dự định gửi lực lượng vào Syria để loại bỏ nguy cơ có một khu vực người Kurd tự trị dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, có lẽ ông ta đã dự đoán rằng Trump sẽ đưa ra phản đối "cho có lệ".

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào năm 2018. Ảnh: BBC

Cần nhớ lại, trong một cuộc trò chuyện khác vào cuối năm 2018, Trump đã bày tỏ mong muốn mạnh mẽ của mình là rút hết lực lượng quân sự Mỹ khỏi Syria. Trump thông báo với Erdogan: "Ok, tất cả là của ông. Phần chúng tôi đã xong." Kết quả của sự kiện này là lá đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, một trong những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm cuối cùng về an ninh quốc gia tại Nhà Trắng và là người hiếm hoi sẵn sàng kiềm chế các xung đột của Trump.

Mười tháng sau đó, tức là vào tháng 10/2019, Erdogan đã chính thức hành động, mở cuộc tấn công dồn dập vào Syria.

Chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng chính quyền Mỹ ở cả hai đảng thực sự đã quá mệt mỏi với các cuộc chiến ở Trung Đông và sẵn sàng phối hợp đưa quân đội nước mình về nước, tuy nhiên đương kim Tổng thống Trump lại đang làm điều đó theo một cách không thể tệ hơn.

Lực lượng Mỹ cùng với các đồng minh Anh và Pháp đã từng đóng quân tại Syria để ngăn chặn sự hồi sinh của Nhà nước Hồi giáo (IS) và đóng vai trò là bộ đệm trong quá trình ngoại giao để vạch ra cách thức mà Syria sẽ được tái thiết và xây dựng chính quyền. Mặc dù vậy, trái ngược với những kinh nghiệm thương trường của mình khi còn là ông trùm kinh doanh, Donald Trump lại nhượng lại tất cả vai trò mà đúng ra phải do Mỹ thực hiện để định hình nên một đất nước Syria đổi mới cho các nước Nga, Iran, chính quyền đương thời tại Syria của ông Bashar al-Assad và thậm chí là cả IS.

Các lực lượng Syria và Nga đã lấp khoảng trống mà Mỹ để lại từ sau cuộc rút quân. Điều đáng nói là còn có cả một số lượng chưa xác định được các chiến binh IS thoát khỏi sự giam giữ của người Kurd khi lợi dụng sự hỗn loạn hiện nay tại Syria khi Thổ Nhĩ Kỳ dồn dập tấn công.

Vấn đề ở Syria có thể là sự khởi đầu cho kết thúc của Donald Trump

Sơ đồ phân vùng chiến sự tại Syria hiện nay. Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng đồng minh đang tấn công dữ dội vào người Kurd ở khu vực chạy dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: BBC

Mỹ - Lực lượng cảnh sát của thế giới?

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm và chính sách của Trump, ví dụ tại cuộc vận động tranh cử của Trump vừa qua diễn ra ở trung tâm thành phố Minneapolis, ta có thể ghi nhận nhiều ý kiến như:

"Tôi nghĩ thật tuyệt khi chúng ta ngừng đưa quân đội của chúng ta vào những vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Chúng ta không phải là bảo mẫu của họ", Alex Ledezma, 24 tuổi cho biết.

Hay như Melissa Erra, 52 tuổi, nói: "Chuyện ở đó đã xảy ra hàng trăm năm nay. Bao nhiêu người của chúng ta phải chết ở đó, vì một điều chẳng liên quan gì đến lý tưởng của chúng ta? Mọi việc vẫn sẽ tiếp tục thôi dù chúng ta có ở đó hay không."

Thế nhưng, cựu chiến binh Thủy quân lục chiến Eric Radziej lại có một nhận định khác. "Tôi nghĩ rằng rút quân khỏi Afghanistan quá nhanh là một sai lầm. Nhưng nếu tình hình trở nên tồi tệ, chúng ta chưa bao giờ nói rằng sẽ không quay trở lại. Ở Afghanistan, chúng ta đã chờ đợi quá lâu để có thể quay trở lại." Ông Radziej nói thêm: "Có những đối tác khác có thể tham gia. Chúng ta không thể lúc nào cũng gánh vác sức nặng của thế giới lên vai."

Vai trò của Mỹ trong việc ổn định tình hình an ninh thế giới

Sau tất cả, vấn đề quan trọng hơn nhiều đó là câu hỏi lớn về uy tín và độ tin cậy của Mỹ ở Trung Đông và nhiều nơi khác hiện nay ra sao?

Mạng lưới liên minh toàn cầu của Mỹ là nền tảng cho an ninh quốc gia Mỹ và cả sự ổn định quốc tế. Vậy nhưng Tổng thống Trump đang tích cực phá hoại nó. Bằng chứng của việc này ngày càng nhiều và càng rõ ràng.

Trong khi ông Trump không giấu giếm gì sự hoài nghi của mình đối với trách nhiệm lãnh đạo của Mỹ đối với thế giới, thì sự kiện Syria gần đây đã nhấn mạnh việc Trump đã hành động tệ như thế nào trong công việc chính của mình - đó là thúc đẩy lợi ích quốc gia của Mỹ và các nước đồng minh chủ chốt.

Có những cái giá bắt buộc phải trả cho ý muốn rút Mỹ vào đằng sau "bức tường tuyệt vời" do Trump tạo ra và để thế giới tự bảo vệ mình.

May mắn thay đây không phải là quan điểm mà hầu hết người Mỹ ủng hộ. Trong một cuộc thăm dò gần đây của Hội đồng thành phố Chicago về các vấn đề toàn cầu, phần lớn những người được hỏi đều ủng hộ vai trò tích cực hơn của Mỹ trên thế giới, ủng hộ thành lập các liên minh khu vực và  nhận thấy giá trị của thương mại toàn cầu.

Đây là quan điểm bác bỏ các nội dung chính trong chính sách đối ngoại của Trump. Vấn đề hiện nay tại Syria, cùng với "điểm mù" liên tục của Trump liên quan đến Nga, chứng tỏ rằng Trump cũng đang quản lý "kém cỏi" các mối quan hệ quốc tế. Ông đã bỏ rơi lợi ích quốc gia trong việc theo đuổi lợi ích chính trị cho riêng mình.

Tất cả những điều này cộng lại, hoàn toàn có thể dẫn đến việc Trump sẽ không tái đắc cử vào năm sau. Và từ đây đến tháng 11/2020, người dân Mỹ phải còn cả một khoảng thời gian dài để mong chờ vào một chính sách đối ngoại khác phù hợp hơn.