Tiêu điểm: Nhân Humanity

WHO: Pakistan có thể loại bỏ hoàn toàn bệnh bại liệt

(VOH) - BBC dẫn lời phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho hay bệnh bại liệt có thể được diệt tận gốc tại Pakistan trong vòng vài tháng tới nếu việc tiêm phòng được tổ chức đại trà.

Pakistan là 1 trong 2 nước duy nhất còn ghi nhận ca nhiễm mới bại liệt. Ảnh BBC.

WHO cho biết có rất ít số ca mắc bệnh bại liệt tại Pakistan và nước láng giềng Afghanistan trong năm nay.

Pakistan ghi nhận hơn 300 trường hợp bệnh bại liệt vào năm 2014, con số cao nhất kể từ năm 1999. Tuy nhiên, con số này giảm xuống còn 52 vào năm ngoái.

Trong năm 2015 không có trường hợp nhiễm bệnh mới được báo cáo ở châu Phi. Tháng 10 năm 2015, Nigeria đã bị xóa khỏi bản đồ về bại liệt của thế giới.

Afghanistan và Pakistan là 2 nước trên thế giới còn xuất hiện ca nhiễm mới bại liệt.

Dự kiến 12 triệu liều vắc xin ngừa bại liệt sẽ được chuyển tới Pakistan để tiêm phòng cho hàng triệu trẻ em Pakistan trong vòng 3 ngày tới. Đại diện WHO tại Pakistan, Tiến sĩ Michel Thieren nói, khoảng 70.000 nhân viên y tế đang có mặt tại Khyber Pakhtunkhwa, phía tây nam tỉnh Balochistan và các khu vực bộ lạc bán tự trị ở phía tây bắc Pakistan để hỗ trợ tiêm ngừa cho khoảng 10 triệu trẻ em.

Ông Thieren nói với BBC: ”Tương tự, ở Afghanistan chỉ có 11 ca bại liệt được ghi nhận trong năm nay, thấp nhất trong lịch sử. Vì vậy chúng tôi mong đợi sẽ loại trừ tận gốc bệnh bại liệt trong tháng tới”.

Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo các nhóm khủng bố (IS) có thể tấn công vào các đơn vị y tế đang làm nhiệm vụ vì thế  an ninh sẽ được thắt chặt để đảm bảo việc tiêm ngừa diễn ra theo dự kiến.

Các nhóm khủng bố đặc biệt là IS từng phản đối việc tiêm chủng và cho rằng đó là một âm mưu của phương Tây để tẩy não trẻ em Pakistan. Vào tháng 4, IS đã đánh bom một trung tâm tiêm vắc xin ở Quetta giết chết 15 người.

Năm 1988, bệnh bại liệt đã biến mất khỏi Mỹ, Anh, Úc và nhiều nước châu Âu nhưng vẫn phổ biến ở hơn 125 quốc gia. Ảnh BBC.

Năm 2015, bệnh bại liệt bị xóa sổ, trừ Pakistan và Afghanistan. Ảnh BBC.

Bình luận