Gần 4.000 người đã được sơ tán vào cuối tuần qua vì chính quyền lo ngại magma sẽ trào lên trên mặt đất và có khả năng tấn công một thị trấn ven biển và một nhà máy điện địa nhiệt.
Matthew James Roberts, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và dịch vụ tại Văn phòng Khí tượng Iceland cho biết: “Chúng ta có sự không chắc chắn liệu sẽ có một vụ phun trào núi lửa hay không và nếu có thì thiệt hại sẽ xảy ra như thế nào”.
Một quan chức cứu hộ cho biết, gần như toàn bộ 3.800 cư dân của thị trấn đã tìm được chỗ ở cùng gia đình hoặc bạn bè và chỉ có khoảng 50 - 70 người đang ở tại các trung tâm sơ tán.
Một số người sơ tán được phép quay lại thị trấn trong thời gian ngắn vào 12/11 để thu dọn đồ đạc như tài liệu, thuốc men hoặc vật nuôi, nhưng không được phép tự lái xe.
Ông Hans Vera (56 tuổi, gốc Bỉ sống ở Iceland từ năm 1999) - một người dân thị trấn Grindavik mô tả việc ông cùng mọi người phải rời khỏi nhà vào rạng sáng thứ 11/11 khi mặt đất rung chuyển, đường sá nứt nẻ và các tòa nhà bị hư hại về kết cấu.
Ông cho biết, ngôi nhà của gia đình ông thường xuyên rung chuyển: “Bạn sẽ không đứng vững được, nó luôn rung chuyển nên không thể nào mà ngủ được”.
Ông Vera hiện đang ở nhà chị dâu ở ngoại ô Reykjavik nói rằng: “Không chỉ người dân ở Grindavik bị sốc về tình huống này mà cả Iceland cũng bị sốc”.
“Bạn phải đỗ xe cách thị trấn 5 km và có 20 chiếc ô tô khổng lồ của đội cứu hộ, 20 cảnh sát, tất cả đều nhấp nháy đèn, nó thật hư ảo, giống như một vùng chiến sự hay gì đó, thật kỳ lạ” – ông kể.
Bán đảo Reykjanes là điểm nóng núi lửa và địa chấn. Vào tháng 3/2021, những dòng dung nham phun trào ngoạn mục từ một vết nứt trên lòng đất dài từ 500 - 750 mét trong hệ thống núi lửa Fagradalsfjall của khu vực.
Hoạt động núi lửa trong khu vực tiếp tục diễn ra trong 6 tháng trong năm đó, khiến hàng nghìn người Iceland và khách du lịch hiếu kì tìm đến tham quan.
Vào tháng 8/2022, một vụ phun trào kéo dài 3 tuần đã xảy ra ở cùng khu vực, tiếp theo là một vụ phun trào khác vào tháng 7 năm nay.