HAGL vs Yokohama F. Marinos: Khó khăn đầu tiên
Sau 17 năm, HAGL mới có dịp trở lại đấu trường số 1 châu Á cấp CLB - AFC Champions League. Thầy trò HLV Kiatisak Senamuang là đại diện duy nhất của bóng đá Việt Nam góp mặt ở sân chơi danh giá này.
Dẫu vậy, đội bóng phố Núi sẽ gặp thử thách cực lớn ngay ở lần tái xuất đáng nhớ này.
Theo đó, HAGL phải đối diện với "ông lớn" Nhật Bản Yokohama F. Marinos ngay ở trận ra quân bảng H. Yokohama F. Marinos là đội bóng hàng đầu của Nhật Bản khi 4 lần giành chức vô địch J-League.
Tại đấu trường châu Á (AFC Champions League), thành tích tốt nhất của đội bóng này là 2 lần giành vị trí á quân.
Phong độ hiện tại của Yokohama F. Marinos cũng là rất tốt khi họ xếp thứ hai BXH J-League 1 với 18 điểm sau 10 trận, ghi được 17 bàn và để thủng lưới 11 bàn. Không phải bàn cãi khi đội bóng Nhật Bản được đánh giá cao hơn rất nhiều HAGL.
Đại diện Việt Nam nhập cuộc V-League 2022 với tâm thế là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch sau một mùa giải chơi thăng hoa trước đó.
Nhưng màn trình diễn của Xuân Trường và các đồng đội lại khiến NHM thất vọng khi chỉ có được 3 điểm sau 4 vòng, với chuỗi 3 trận đầu tiên không thắng cũng không ghi được bàn nào.
Dẫu vậy, với sự hứng khởi trong lần góp mặt tại sân chơi danh giá, cùng việc được sử dụng thêm một ngoại binh ở đấu trường châu lục cũng là cơ hội để HAGL cải thiện thêm sức mạnh ở hàng công và hàng thủ.
Thầy trò HLV Kiatisak cũng sẽ nhận được sự cổ vũ lớn từ khán giả nhà, qua đó, hy vọng vào một kết quả khả quan ở trận mở màn AFC Champions League 2022.
Đội hình dự kiến
- Hoàng Anh Gia Lai: Tuấn Linh, Hồng Duy, Hữu Tuấn, Kim Dong Su, Mauricio, Văn Thanh, Công Phượng, Tuấn Anh, Jefferson, Brandao, Văn Toàn.
- Yokohama F.Marinos: Takaoka, Nagato, Tsunoda, Hatanaka, Koike, Iwata, Kida, Nakagawa, Nishimura, Mizunuma, Lopes.
HLV Kiatisuk và Tuấn Anh gặp sự cố trang phục
Sáng 15/4, buổi họp báo bảng H được tổ chức tại sân Thống Nhất (TP.HCM). Dự kiến, HAGL tham gia họp báo lúc 12h, sau CLB Jeonbuk và Sydney. Tuy nhiên, thầy trò HLV Kiatisuk vào muộn gần 20 phút vì sự cố trang phục. Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) không cho phép phía HAGL mặc áo có logo nhà tài trợ của đội.
HLV Kiatisuk và Tuấn Anh phải dùng băng keo để che lại logo trước sự giám sát của ban tổ chức. Sau đó, họ mới được vào họp báo.
Ngoài vấn đề về tài trợ, hình ảnh, ở giải đấu này, AFC có những quy định chặt chẽ ở các khâu khác. Các đội bóng đều phải sinh hoạt khép kín theo quy tắc bong bóng. Những phóng viên tác nghiệp tại giải cũng phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ.
Hôm 14/4, AFC cũng kiểm tra kỹ càng công tác tổ chức ở sân Thống Nhất. Mặt cỏ, hàng ghế khán giả... đều được kiểm tra trước các trận đấu chính thức. Ngày 16/4, HAGL sẽ có trận đấu đầu tiên ở AFC Champions League 2022. Đối thủ của thầy trò HLV Kiatisuk là Yokohama F. Marinos, đại diện từ Nhật Bản.
Công Phượng và Chanathip lọt top cầu thủ đáng xem tại AFC Champions League
Trước khi các trận đấu bắt đầu các trận đấu tại vòng bảng AFC Champions League, mới đây trang chủ của LĐBĐ châu Á (AFC) đã điểm mặt 6 cầu thủ đáng xem nhất ở giai đoạn vòng bảng của khu vực phía đông.
Trong danh sách này, Công Phượng vinh dự được góp mặt. Bên cạnh Công Phượng còn có những cái tên cực kỳ nổi tiếng như Iniesta (Vissel Kobe), Chanathip Songkrasin (Kawasaki Frontale), Mathew Leckie (Melbourne City), Jun Amano (Ulsan Hyundai) và Dejan Damjanovic (Kitchee SC).
Trang chủ của AFC nhận xét về Công Phượng: "Mới chỉ 27 tuổi, tiền đạo Nguyễn Công Phượng của ĐT Việt Nam đã từng có thời gian thi đấu ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và Bỉ khi còn rất trẻ. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại anh mới sắp có trận đấu ra mắt tại AFC Champions League với CLB HAGL, đội bóng mà Công Phượng đã bắt đầu sự nghiệp khi mới chỉ 12 tuổi".
Sức mạnh các đội bóng tại bảng đấu HAGL góp mặt
3 CLB từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đều là những đại diện mạnh đến từ các quốc gia có nền bóng đá phát triển mạnh tại châu lục. Xét tương quan đẳng cấp, Jeonbuk Hyundai Motor, Hàn Quốc, được đánh giá cao nhất.
Đội bóng Hàn Quốc đã có 2 lần lên ngôi tại AFC Champions League vào các năm 2006 và 2016. Tiếp đó là Yokohama F.Marinos, CLB luôn nằm trong nhóm mạnh nhất tại J-League. Cuối cùng là Sydney FC, đội bóng nhiều lần vô địch Australia.
Chúng ta cùng điểm qua đôi nét về sức mạnh của 3 CLB chung bảng H với HAGL tại AFC Champions League:
Sức mạnh từ lối đá khoa học của Yokohama F.Marinos: Những đội bóng Nhật Bản nổi tiếng với lối đá khoa học trong cách triển khai bóng và Yokohama F.Marinos cũng không phải ngoại lệ. Chiến thuật 4-3-3 của HLV Kevin Muscat được học trò của ông vận hành như một cỗ máy được lập trình sẵn.
Tại Yokohama F.Marinos, ngoại binh Anderson Lopes là cầu thủ đáng chú ý. Dù chỉ mới gia nhập CLB vào tháng 2 vừa qua, chân sút người Brazil đã trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho Yokohama với 4 pha lập công. Được hỗ trợ bởi các vệ tinh xung quanh gồm Mizunuma, Nakagawa ở 2 cánh, cùng tiền vệ tấn công Nishimura trong sơ đồ 4-3-3, hoả lực của Yokohama rất đáng gờm.
Những chuyên gia bóng bổng mang tên Sydney FC: Đây là đội bóng sở hữu chiều cao trung bình 1m80 và các cầu thủ đều có sức mạnh thể chất rất tốt. Khả năng bật nhảy và căn thời gian chuẩn xác giúp các chân sút của đại diện nước Úc phối hợp tốt với các vệ tinh xung quanh mình.
Cái tên đáng chú ý nhất của đội bóng này đương nhiên là trung vệ kỳ cựu Alex Wilkinson. Chuẩn bị bước sang tuổi 38 vào tháng 8 tới đây, lão tướng này vẫn thi đấu tốt và cho thấy kinh nghiệm chiến đấu tuyệt vời. Wilkinson cũng là cầu thủ đầu tiên 5 lần giành danh hiệu VĐQG Australia (A-League).
Lối đá tấn công tổng lực đến từ Jeonbuk Hyundai Motors: Jeonbuk Hyundai Motors sở hữu những cầu thủ được coi là có sức bền tốt nhất giải đấu nhờ môi trường thi đấu đề cao thể lực của K-League. Họ thường xuyên triển khai những tình huống tấn công rất nhanh và dồn dập.
Đại diện Hàn Quốc luôn là ông lớn tại châu lục và từng 2 lần vô địch AFC Champions League, trong đó lần đầu tiên vào năm 2006 khi họ còn chưa vô địch giải quốc nội (đội bóng hiếm hoi vô địch châu lục trước giải quốc gia). Khó để chỉ ra cái tên nào xuất sắc của đội bóng đến từ xứ kim chi, vì họ mạnh đồng đều.