Chờ...

Việt Nam - Nhật Bản (tứ kết Asian Cup 2019): Viết tiếp câu chuyện cổ tích?

(VOH) – Vào lúc 20 giờ 00 ngày 24/1/2019, Việt Nam sẽ gặp Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup 2019 trên sân Al-Maktoum (thành phố Dubai, UAE).

45 phút đầu tiên, ĐT Việt Nam có vài cơ hội ngon ăn để ghi bàn nhưng Công Phượng và Quang Hải không tận dụng được. Trong khi, ĐT Nhật Bản đã đưa được bóng vào lưới thủ môn Văn Lâm, song bàn thắng không được công nhận do cầu thủ Nhật Bản Maya Yoshida để bóng chạm tay trong pha dứt điểm sau khi trọng tài xem lại VAR.

Ritsu Doan sút thành công quả 11 mét sau khi trọng tài xem lại VAR với pha phạm lỗi của Tiến Dũng với Ritsu Doan trong vòng cấm.

Và 1-0 nghiêng về Nhật Bản là kết quả chung cuộc trận tứ kết đầu tiên tại Asian Cup 2019.

Một lần nữa Việt Nam tạo ra cú sốc ở đấu trường châu lục khi xuất sắc vượt qua Jordan ở vòng 1/8 để giành tấm vé vào tứ kết. Đó là trận đấu mà thầy trò HLV Park-Hang Seo đã chơi thực sự xuất sắc, đặc biệt là trong hiệp 2. Tất cả các chỉ số đều cho thấy, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng và nếu may mắn hơn, thậm chí đội bóng còn có thể giải quyết trận đấu ngay trong 90 phút thay vì phải kéo nhau vào loạt sút luân lưu.

Đội hình ra sân của Việt Nam và Nhật Bản trận tứ kết Asian Cup 2019.

Đội hình ra sân của Việt Nam và Nhật Bản trận tứ kết Asian Cup 2019. Ảnh chụp màn hình Livescore.com

Thách thức tiếp theo của ĐT Việt Nam là Nhật Bản, đội bóng giàu thành tích nhất lịch sử Asian Cup với 4 lần lên ngôi vô địch (vào các năm 1992, 2000, 2004, 2011).

Với dàn cầu thủ đa phần đang thi đấu ở châu Âu (11 cầu thủ ra sân thi đấu trong trận gặp Ả-Rập Xê-Út của Nhật Bản đều đá tại châu Âu), Nhật Bản được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch tại giải đấu năm nay.

Việt Nam vs Nhật Bản (Tứ kết Asian Cup 2019): Viết tiếp câu chuyện cổ tích?

Tuy nhiên những gì mà các cầu thủ Nhật Bản thể hiện tại giải đấu năm nay cho thấy sẽ không dễ để đội bóng này lên ngôi vô địch. 3 trận vòng bảng Nhật Bản toàn thắng, nhưng không tạo được thế áp đảo trước đối phương. Trận đấu với Ả-Rập Xê-Út ở vòng 1/8, đoàn quân của HLV Hajime Moriyasu thậm chí còn lép vế hoàn toàn, khi chỉ kiểm soát bóng... 24%.

Sự thực dụng đang là triết lý mà HLV Hajime Moriyasu áp dụng tại ĐT Nhật Bản. Điều này giúp ông có mạch 9 trận từ khi lên nắm quyền không thua, trong đó giành tới 8 chiến thắng. Ở trận đấu với Ả-Rập Xê-Út mới đây, họ chỉ tung ra 5 cú dứt điểm so với 15 của đối phương. Tuy nhiên, 1 trong 2 pha dứt điểm đi trúng khung thành đã mang về thắng lợi tối thiểu cùng tấm vé đi tiếp.

Bước vào trận tứ kết với ĐT Việt Nam, Nhật Bản chắc chắn sẽ không chọn lối chơi thực dụng như thế, khi mà chênh lệch đẳng cấp giữa 2 đội là rất lớn. Thế nhưng, việc không quá mạnh ở khả năng gây sức ép lên đối phương có thể khiến Nhật Bản gặp khó khăn trong việc áp đặt thế trận, nhất là khi đối thủ của họ là ĐT Việt Nam cũng rất mạnh ở khả năng phòng ngự chủ động.

Thông tin lực lượng Việt Nam - Nhật Bản:

- Việt Nam: HLV Park Hang-seo đang có một số lo lắng nhất định về thương tổn của Trọng Hoàng và Quang Hải. Dù vậy, cả hai được kỳ vọng sẽ kịp xuất hiện trong trận tứ kết giữa Việt Nam - Nhật Bản. Duy Mạnh, Tiến Dũng, Hùng Dũng, Duy Mạnh... đều đã thi đấu trọn vẹn 120 trước Jordan cũng như cả 3 trận tại vòng bảng. May mắn, tất cả đã đều không gặp phải chấn thương đáng tiếc nào.

- Nhật Bản: Hậu vệ Hiroki Sakai đã dính chấn thương và nhiều khả năng sẽ không thể thi đấu trận gặp Việt Nam. Sự thiếu vắng Hiroki Sakai được xem là tổn thất không nhỏ với ĐT Nhật Bản. Bên cạnh đó, tiền vệ Toshihiro Aoyama đã phải chia tay ĐTQG để trở về Nhật điều trị chấn thương. Còn chân sút chủ lực Yoshinori Muto (đang khoác áo Newcastle) không thể ra sân vì án treo giò sau khi đã nhận đủ hai thẻ vàng. Dù chỉ mất 90 phút để hạ Ả-Rập Xê-Út ở vòng 1/8 nhưng Nhật Bản có ít hơn 1 ngày nghỉ so với Việt Nam.

Đội hình dự kiến Việt Nam - Nhật Bản:

  • Việt Nam: Đặng Văn Lâm; Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Quế Ngọc Hải; Trọng Hoàng, Huy Hùng, Hùng Dũng, Văn Hậu; Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức.
  • Nhật Bản: Gonda, Osako, Tomiyasu, Sakai, Ritsu Doan, Yoshida, Nagatomo, Endo, Shibasaki, Haraguchi, Minamino.