Theo Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, trong các thế mạnh của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam thì có gia vị. Thực ra, chữ gia vị có vẻ như nó là phụ nhưng thử tưởng tượng mình mua một gói mì gói mà không có gia vị thì gói mì gói đó coi như bỏ đi.
Trong thời gian qua, có sự cạnh tranh khá quyết liệt giữa các doanh nghiệp gia vị của Việt Nam với các công ty đa quốc gia và đặc biệt với cả sản phẩm ngoại nhập. Đây là thị trường cạnh tranh có thể không dễ thấy ở bề mặt nhưng thực tế đầy quyết liệt và sống động: "Tuy nhiên sự căng thẳng trong cạnh tranh của thị trường cũng cho chúng ta một tín hiệu tốt là sản phẩm gia vị của Việt Nam ngày càng có vị thế trên thị trường trong nước cũng như trên thế giới.
Gia vị và hương liệu hiện nay là 2 ngành rất quan trọng. Sản phẩm thì đa dạng, công nghệ ngày càng mới thúc đẩy hiệu quả của cuộc cạnh tranh này. Thị trường ngày càng mở và những sản phẩm được chế biến có sức cộng thêm rất lớn của gia vị cũng ngày càng phong phú hơn".
Đầu bếp Nguyễn Huỳnh Đăng Tuyên cho hay, gia vị ngoài yếu tố giúp cân bằng về khẩu vị mặn, ngọt, chua, cay, các gia vị như sả, hành, ngò… đặc trưng của Việt Nam kích thích vị giác và muốn ăn hơn, thấy ăn ngon miệng hơn. Ngoài ra còn có yếu tố cân bằng âm dương, chưa kể nhiều loại gia vị còn có thể có tác dụng hỗ trợ cho sự tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh.
Chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng - Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp Quản trị Tổng thể – ISM cho rằng, gia vị là một thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại của người tiêu dùng hiện nay.
Con người ta hiện nay có hai khuynh hướng, một làthích ăn ngon hơn, ăn uống tinh tế hơn và yếu tố thứ hai là thích sự thuận tiện, dễ dàng hơn trong việc sử dụng chế biến bữa ăn: "Các loại gia vị đóng gói sẵn càng ngày càng phổ biến bởi người ta thích sự thuận tiện trong nấu nướng hoặc tăn uống.
Nhu cầu thị trường cho sản phẩm gia vị rất lớn. Không nên giới hạn gia vị chỉ là một hay một vài loại mà nghĩ rộng hơn, gia vị như là thành phẩm sẵn cho một món ăn thì tôi cho rằng đây là một thị trường rất rộng lớn.
Kinh nghiệm cho thấy, tất cả sản phẩm thành công được ra thế giới thì phải mạnh ở thị trường nội địa. Vấn đề là chúng ta khai thác đề làm sao đáp ứng được cái gu của người tiêu dùng hiện nay và đặc biệt là người tiêu dùng trẻ."
Còn theo bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại – Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát, từ khi xây dựng nhà máy, công ty đã xây dựng một đội ngũ kỹ sư hóa, nông lâm và đào tạo cho họ các kỹ năng cảm nhận bằng mắt, mũi, miệng… nên hồi Covid-19 vừa rồi công ty rất sợ chuyện mất vị giác. Các kỹ sư này không chỉ thành thạo về công nghệ mà còn được đến các nhà hàng, bếp ăn để ăn và cảm nhận.
Đối với việc cung cấp gia vị cho các công ty đa quốc gia thì đòi hỏi sản phẩm phải có chứng nhận chuẩn vị và đồng đều. Bà Vân Anh nhấn mạnh: "Trong kinh doanh thì không phải đối thủ là cạnh tranh, mà xem đối thủ có những cái tốt để học hỏi và luôn chọn cho mình một hướng đi không có đối thủ, có nghĩa là chọn hướng đi cân bằng.
Chẳng hạn như có khách hàng của Mỹ mang chai tương ớt về hỏi mình có làm được không và mình không có từ chối mà nói sẽ cố gắng làm, mình tin rằng với sản phẩm mà mình làm hết niềm đam mê, chất lượng như vậy thì khách hàng sẽ chấp nhận.
Đến nay cứ một tháng, đều xuất được một containertương ớt qua thị trường Mỹ. Sản phẩm đó không phải bán cho khách hàng Việt Nam ở Mỹ mà bán cho khách hàng Mỹ ở Mỹ."
Tuy vậy, không chỉ có gia vị mà hầu hết các sản phẩm khác của Việt Nam hiện chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới. Vì không có thương hiệu nên giá bán chưa thể tương xứng với giá trị.
Để thay đổi hiện trạng này thì phải mất nhiều thời gian và đòi hỏi từng doanh nghiệp và tất cả doanh nghiệp cùng ý thức xây dựng.
Đồng thời hy vọng nhà nước có thể dành ra một đội ngũ hùng hậu để nghiên cứu các loại gia vị và đưa ra một thứ tự ưu tiên đầu tư cho một số gia vị nào đó. Chẳng hạn, hỗ trợ cho công ty mì gói, đồ khô, thực phẩm ăn liền của Việt Nam, đây là một nguồn xuất khẩu rất lớn.