Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 15/9/2022, lúc 10h00, kỳ hạn tháng 9/2022, ghi nhận mức 226,8 JPY/kg, tăng mạnh 1,9 yên, tương đương 0,84%.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 220, ghi nhận mức 11.910 CNY/tấn, tương đương 1,88%.
Từ đầu tháng 9/2022 đến nay, giá cao su trên thị trường châu Á chịu áp lực giảm do lo ngại nhu cầu tại Trung Quốc chậm lại khi các biện pháp hạn chế để phòng chống COVID-19 tiếp tục được áp dụng.
Giá cao su giảm do thị trường lo ngại nhu cầu tại Trung Quốc chậm lại khi nước này đối mặt với khủng hoảng bất động sản và các đợt nắng nóng làm gián đoạn hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, các biện pháp hạn chế mới để phòng chống COVID-19 cũng đang làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp và tiêu thụ.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,18 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực cho xuất khẩu mủ cao su và cao su sơ chế của Việt Nam 5 tháng cuối năm 2022.
Giá cao su trong nước hôm nay
Giá cao su hôm nay 15/9 tại thị trường trong nước không có biến động mới, thị trường vẫn duy trì xu hướng giảm.
Từ ngày 12/9 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 265 - 275 đồng/TSC, giảm 10 đồng/TSC so với cuối tháng 8/2022.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 280 - 282 đồng/TSC, giảm 13 đồng/TSC so với cuối tháng 8/2022.
Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 260 - 270 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC so với cuối tháng 8/2022.
Lượng xuất khẩu cao su tháng 8 tăng gần 7%, mang về thêm 320 triệu USD
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 8 đạt khoảng 210 nghìn tấn, trị giá 320 triệu USD, tăng gần 7% về lượng và tăng nhẹ 0,3% về trị giá so với tháng 7, còn so với tháng 8/2021 tăng 11% về lượng và tăng 3% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân cao su trong tháng 8 đạt 1.523 USD/tấn, giảm 6,2% so với tháng trước đó và giảm 7,2% so với tháng 8/2021.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3…
Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 56% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với gần 550,5 nghìn tấn, trị giá 939,2 triệu USD, giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu đã tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: cao su tổng hợp, Latex, SVR 20, SVR 10, cao su hỗn hợp (HS 4005), RSS3, SVR 3L, cao su tái sinh...
Về giá xuất khẩu, trong 7 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su tăng so với cùng kỳ năm 2021.