Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 23/1/2021, lúc 11h30, kỳ hạn tháng 6/2021, giảm 1,3 JPY, ghi nhận ở mức 238 JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 80 CNY xuống 14.370 CNY/tấn.
Giá cao su thế giới hôm nay giảm phiên thứ 2 liên tiếp trên sàn Osaka khi chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Nhật bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2010. Mức giảm này làm tăng thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt khi cố gắng giữ vững nền kinh tế trong đại dịch COVID-19.
Cao su sàn SHFE cũng giữ đà giảm, tâm lý các nhà đầu tư Thượng Hải bị chi phối ít nhiều từ tình hình dịch bệnh trong nước và hoạt động vận tải.
Nguồn cung cao su Đông Nam Á đang bị thời tiết xấu ảnh hưởng đến sản lượng mủ tự nhiên. Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn do dịch bệnh, các cảng biển hoạt động khó khăn khi tình trạng thiếu container khá trầm trọng.
Tại Ấn Độ, giá cao su tự nhiên giảm dần từ mức đỉnh trong 6 năm vào tháng 11/2020 và hiện đang duy trì đi ngang với giá cao su toàn cầu. Ở thời điểm hiện tại, thị trường cao su Ấn Độ đã ổn định về giá.
Giá cao su đầu năm 2021 khởi động đà tăng mới
Báo cáo mới nhất ngày 11/1 của Cục XUất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết từ đầu tháng 1/2021 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt có xu hướng tăng.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), ngày 8/1/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 3/2021 ở mức 253,3 Yên/kg (tương đương 2,44 USD/kg), tăng 9,2% so với cuối tháng 12/2020 và tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 8/1/2021 giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 3/2021 ở mức 14.775 NDT/tấn (tương đương 2,28 USD/kg), tăng 7,7% so với cuối tháng 12/2020 và tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Thái Lan, ngày 8/1, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 65,07 Baht/kg (tương đương 2,16 USD/kg), tăng 5,4% so với cuối tháng 12/2020 và tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Cục Xuất nhập khẩu giá cao su tăng trên các sàn giao dịch châu Á do hoạt động sản xuất tại châu Á có dấu hiệu phục hồi, tình hình sản xuất tại Trung Quốc ổn định, nhiều nhà máy sản xuất săm lốp hoạt động trở lại đẩy nhu cầu cao su tăng lên.
Đồng thời thị trường cũng kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ từ thị trường châu Âu và Mỹ sẽ được cải thiện. Trong khi đó nguồn cung cao su tại Thái Lan hạn chế khi thời tiết xấu làm giảm sản lượng mủ cao su.
Trung Quốc chi hơn 1,5 tỷ USD nhập khẩu cao su Việt Nam
Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,51 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2020 chiếm 15,52%, tăng so với mức 14,11% của 11 tháng năm 2019.
Về cơ cấu mặt hàng, trong 11 tháng năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS: 4001) đạt 2,63 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên chủ yếu từ các thị trường như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Bờ Biển Ngà.
Trong 11 tháng năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Trung Quốc với 204,51 triệu USD, giảm 32,2% so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 7,77% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 9,91% của 11 tháng năm 2019.
Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ 2 cho Trung Quốc trong 11 tháng năm 2020 với 1,3 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 29,98% trong tổng trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, giảm so với mức 31,18% của 11 tháng năm 2019.