Chờ...

Giá cao su hôm nay 5/5/2021: Biến động trái chiều tại châu Á

(VOH) – Giá cao su ngày 5/5 tiếp tục giảm mạnh trên sàn Thượng Hải, còn tại các sàn giao dịch Nhật Bản duy trì sự ổn định tăng nhẹ.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 5/5/2021, lúc 12h00, kỳ hạn tháng 10/2021, tăng lên mức 5 JPY, tương đương 2,04% lên mức 244,9 JPY/kg. 

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)

Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 0,51%, ghi nhận mức giá 13.765 CNY/tấn.

Giá cao su hôm nay 5/5/2021: Biến động trái chiều tại châu Á 1

Theo The Phnom Penh Post, trong 4 tháng đầu năm 2021, Campuchia thu về 99,87 triệu USD từ xuất khẩu cao su tự nhiên, tăng 2,5% so với 97,43 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, số liệu của Bộ Nông Lâm Thủy sản Campuchia cho thấy, sản lượng xuất khẩu trong giai đoạn này lại giảm 15%, xuống 61.056 tấn từ mức 71.749 cùng kỳ năm ngoái.

Ông Men Sopheak, chủ sở hữu của Sopheak Nika Investment Agro-Industrial Plants Co Ltd cho biết, nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới, đã đẩy giá cao su ở Campuchia lên mức cao kể từ đầu niên vụ này.

Theo chia sẻ của ông, nguyên nhân khiến doanh thu từ xuất khẩu cao su của Campuchia tăng là do mức giá giao dịch cao hơn hồi đầu năm.

Tại Việt Nam, giá cao su tăng liên tiếp trong 9 tháng kể từ giữa năm 2020 đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành cao su hoạt động ổn định và báo lãi “khủng”.

Cụ thể, trong báo cáo tài chính quý I/2021, Công ty CP Cao su Tây Ninh cho biết, doanh thu và lợi nhuận tăng so với cùng kỳ. Doanh thu thuần của Công ty CP Cao su Tây Ninh trong kỳ đạt hơn 100 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận sau thuế ngay quý đầu năm 2021 đạt hơn 23 tỷ đồng, tăng trưởng 15%.

Quý I/2021, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty CP Đầu tư cao su Đăk Lăk đạt 124,5 tỷ đồng, tăng 137,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 21,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 8,3 tỷ đồng.

Giá cao su hôm nay 5/5/2021: Biến động trái chiều tại châu Á 2
Ảnh minh họa - Internet 

Trung Quốc mua gần hết loại nông sản này của Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam cảnh báo điều gì?

Giá cao su thường bị điều chỉnh bởi các yếu tố cung – cầu, giá dầu, tỷ suất hối đoái, các yếu tố địa chính trị và sức khỏe của nền kinh tế thế giới… Trong năm 2020, tình hình sản xuất cao su thiên nhiên thế giới gặp nhiều khó khăn do đại dịch bệnh Covid-19, tình trạng thiếu container làm chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng đến năng suất vườn cây tại các nước lớn trồng cao su. 

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá cao su thiên nhiên bình quân trên thế giới nhìn chung tăng đều mỗi tháng, chủ yếu do kinh tế Trung Quốc phục hồi khá nhanh, việc tăng tốc phủ sóng tiêm vaccine toàn cầu, tác động của gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ và các nước châu Âu trong bối cảnh nguồn cung cao su thiên nhiên hạn hẹp.

Ngoài ra, Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, thường gia tăng thu mua cao su thiên nhiên vào những tháng trước khi bắt đầu mùa nghỉ cạo (thường là sau Tết Nguyên đán kéo dài đến đầu tháng 4 hàng năm) để dự trữ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nhưng không thể thực hiện được do Covid-19. 

Việc các doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng thu mua dự trữ cao su đã tạo đà tăng cho giá cao su từ những tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên, so với lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc trong 2 tháng cuối năm 2020 ước đạt 351.452 tấn thì quý I/2021 có phần giảm đi nhiều.

Nguyên nhân chủ yếu có thể là từ việc tích trữ lượng lớn cao su của Trung Quốc trong những tháng cuối năm 2020, một phần là do cao su đang bắt đầu vào mùa rụng lá, theo xu hướng trong 5 năm qua theo từng tháng có thể thấy được điều đó.

Trung Quốc được biết đến là công xưởng của thế giới, nên không chỉ riêng Việt Nam mà gần như cả thế giới đều phụ thuộc vào thị trường này.

Trong những năm gần đây, ngành cao su Việt Nam đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến những thị trường "khó tính" hơn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đơn hàng từ các thị trường này trong năm 2020 và đầu năm 2021 rất hạn chế.

Trong khi đó, nhu cầu cao su thiên nhiên lại liên tục tăng cao tại Trung Quốc nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả từ rất sớm.