Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 9/10/2021, lúc 9h00, kỳ hạn tháng 2/2022, tăng lên mức 217,7 JPY/kg, tăng 7,0 yên, tăng tương đương 3,22%.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 300 CNY, lên mức 14.355 CNY/tấn, tương đương 2,1% sau kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất 3 tháng do thị trường chứng khoán Tokyo phục hồi sau 8 phiên giảm liên tiếp.
Dấu hiệu tiến triển về việc nới mức trần nợ của chính phủ Mỹ đã tạo ra chất xúc tác cho việc săn lùng món hời. Cùng với đó là kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế quy mô lớn của Chính phủ mới của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ thị cho các bộ trưởng phụ trách kinh tế và tài chính trong nội các soạn thảo gói kích thích kinh tế mà ông đã cam kết thực hiện để giúp nền kinh tế nước này vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19, theo Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki.
Phát biểu tại cuộc họp nội các, Thủ tướng Kishida cho biết ông dự định đệ trình lên Quốc hội dự thảo ngân sách bổ sung của tài khóa 2021 sau cuộc bầu cử Hạ viện vào ngày 31/10 tới. Đồng thời bày tỏ mong muốn dự thảo ngân sách bổ sung của tài khóa 2021 sẽ được Quốc hội thông qua trong năm nay.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn giao dịch SICOM của Singapore giao dịch ở 169,8 US cent/kg, tăng 0,2%.
22 nhà máy chế biến mủ cao su của Việt Nam đã được cấp chứng chỉ quốc tế
Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) tổ chức sự kiện chia sẻ một số kết quả, kinh nghiệm của doanh nghiệp và cao su tiểu điền đã đạt chứng chỉ quốc tế về quản lý bền vững rừng cao su và chuỗi hành trình sản phẩm, đồng thời xây dựng kết nối với thị trường, đã thu hút được gần 250 đại biểu từ nhiều quốc gia: Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, Indonedia, Pháp, Đức, Italia, Thuỵ Sỹ…
Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm và tham dự từ các công ty sản xuất ô tô, sản xuất lốp xe hơi lớn trong khu vực, thành viên các tổ chức quốc tế về phát triển cao su thiên nhiên bền vững và đại diện các tổ chức phi chính phủ về các vấn đề môi trường, xã hội.
Quản lý rừng bền vững và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm là những khái niệm mới đối với ngành sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cao su.
Thông qua các dự án thí điểm mà PEFC và các thành viên của các quốc gia thực hiện với các tổ chức, doanh nghiệp, nhóm hộ tiểu điền trong khu vực Đông Nam Á đã chứng minh việc thực hiện chứng chỉ này là hoàn toàn khả thi và cần thiết đối với ngành cao su.
Bên cạnh loại hình chứng nhận đơn cho các chủ rừng là các công ty, nhờ hợp tác với những cao su tiểu điền ở tất cả các quy mô, PEFC đã áp dụng thành công loại hình Chứng nhận theo nhóm, cho phép các tiểu điền phối hợp và triển khai các biện pháp quản lý bền vững cùng nhau.
Tại Việt Nam, Cơ quan thành viên quốc gia của PEFC-VFCS (Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam) được vận hành dưới sự quản lý của Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã kết nối và hướng dẫn VRG tạo điều kiện hỗ trợ cho các thành viên trong tập đoàn, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và đăng ký thực hiện chứng chỉ rừng.
PEFC đã thí điểm chứng nhận sản phẩm cao su thiên nhiên và gỗ cao su cho cả đại điền và tiểu điền ở Việt Nam.