Chờ...

Giá thép xây dựng hôm nay 13/10/2020: Giảm nhẹ

(VOH) Giá thép ngày 13/10 điều chỉnh giảm trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá quặng sắt tăng do kỳ vọng nhu cầu quặng sắt tại nước sản xuất thép hàng đầu vẫn tăng mạnh, song lo ngại nguồn cung giảm

Giá thép hôm nay giảm nhẹ

Giá thép ngày 13/10 giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 1 nhân dân tệ xuống mốc 3.636 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30, giờ Việt Nam.

Giá thép xây dựng hôm nay 13/10/2020
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Nhu cầu sau khi kỳ nghỉ lễ tăng đã thúc đẩy giá quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc tăng lên 125 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 15/9/2020, công ty tư vấn SteelHome cho biết.

Vào cuối tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gây bất ngờ cho cộng đồng toàn cầu khi công bố một kế hoạch cực kì tham vọng nhằm biến đất nước này trở nên trung hòa với carbon vào năm 2060, Mysteel Global đưa tin.

Trong ba tuần sau đó, rất nhiều câu hỏi được các nhà sản xuất và kinh doanh thép đặt ra, rằng ngành thép Trung Quốc sẽ điều chỉnh theo kỉ nguyên carbon thấp như thế nào.

Trong thời kì hậu COVID-19, sản xuất thép thân thiện với môi trường là chìa khoá then chốt để phát triển chất lượng của ngành công nghiệp Trung Quốc.

Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 200 nhà máy thép ở 22 tỉnh đã bắt đầu cải tạo và nâng cấp phát thải carbon thấp. Quá trình này sẽ được tăng cường trong dài hạn chứ không chỉ là thành tựu một sớm một chiều.

Chính phủ Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng, họ đặt mục tiêu đạt đến đỉnh điểm phát thải carbon vào năm 2030 và sau đó thực hiện trung hòa carbon vào năm 2060.

Khi cả thế giới học cách sống chung với đại dịch COVID-19 thì nhiều nguồn thị trường thép, đặc biệt là ngoài Trung Quốc, đã bắt đầu nhìn về phía trước.

Trong thời gian còn lại của năm 2020, xuất khẩu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi trong khi nhập khẩu có xu hướng giảm.

Tổng sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2020 ước tính đạt 55 triệu tấn nhưng kéo theo đó là nhu cầu lớn về nguyên liệu thô từ nước ngoài và các tài nguyên khác.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã chiếm một tỉ trọng lớn trên thị trường thép thế giới, với tổng sản lượng thép thô chiếm 58%, gang chiếm 68% và nhập khẩu quặng sắt chiếm 71% thương mại toàn cầu.

Việt Nam kiện thép nhập khẩu 9 vụ, nước ngoài kiện thép Việt gấp 7 lần

Đến hết tháng 9-2020, Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra 9 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến các sản phẩm thép nhập khẩu, trong khi các nước kiện đến 62 vụ, gấp 7 lần kể từ năm 2004 cho đến nay.

Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết chỉ tính riêng tháng 9-2020, ngoài rà soát 3 vụ kiện liên quan đến một số sản phẩm thép, Bộ Công thương cũng đã tiến hành khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nguội từ Trung Quốc và thép hình chữ H xuất xứ từ Malaysia.

Trong khi đó, tính từ năm 2004 đến tháng 8-2020, nước ngoài kiện thép xuất khẩu của Việt Nam 62 vụ, gồm kiện chống bán phá giá (34 vụ), chống trợ cấp (3 vụ), chống bán phá giá và chống trợ cấp (6 vụ), điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (13 vụ).

Riêng EU khởi xướng một vụ từ tháng 8-2004 nhưng đến tháng 7-2005 chấm dứt do nguyên đơn rút đơn kiện.

Dữ liệu mới nhất về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thép đến hết tháng 8-2020 được VSA ghi nhận khoảng 5,95 triệu tấn, tương ứng 3,1 tỉ USD. Trong đó, thị trường ASEAN hiện chiếm đến 44,78% trong tổng sản lượng thép xuất khẩu với 1,43 tỉ USD, bỏ khá xa Trung Quốc ở mức gần 845 triệu USD, chiếm 34,8% tỉ trọng xuất khẩu.

Với ba thị trường xuất khẩu tiềm năng khác là EU, Mỹ và Hàn Quốc, đặc biệt hai thị trường EU và Mỹ, dù ngành thép Việt Nam bị kiện nhiều nhất, nhưng tỉ trọng xuất khẩu hiện vẫn rất khiêm tốn, chỉ 2,48% trong tổng sản lượng xuất khẩu đối với EU (giữ mức 119,4 triệu USD) và 2,19% (115,8 triệu USD) đối với thị trường Mỹ.