Giá thép thế giới giảm
Giá thép hôm nay giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 36 đồng nhân dân tệ xuống 3.604 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00, ngày 16/9, giờ Việt Nam.
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Giá quặng sắt kì hạn giảm vào hôm thứ Ba (15/9) do biên lợi nhuận thép bị thu hẹp khiến các nhà máy thép của Trung Quốc đang chịu một áp lực lớn.
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc phiên vừa qua giảm do lợi nhuận của các doanh nghiệp thép giảm do giá quặng sắt liên tục tăng cao gần đây.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên đã tăng hơn 60% trong năm nay, trong khi giá trên sàn Singapore tăng khoảng 5%, do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, xuất phát từ các biện pháp kích thích kinh tế làm gia tăng các dự án hạ tầng cơ sở, khiến nhu cầu thép tăng.
Các nhà đầu tư đang đánh giá xem liệu giá sắt thép có thể tăng thêm hay không khi dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp và sản xuất thép của nước này đã tăng tốc trong tháng 8.
Hợp đồng quặng sắt tháng 1/2021 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên chốt phiên giảm 1,8% xuống còn 827,50 nhân dân tệ/tấn.
Hợp đồng nguyên liệu sản xuất thép giao tháng 10/2020 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 1,5% xuống còn 123,73 USD/tấn, bỏ xa mức cao kỉ lục gần 130 USD/tấn trước đó.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 8 tháng qua vào tháng 8, trong đó sản lượng thép thô đã đạt mức cao kỉ lục hàng tháng.
Điều đó cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế đáng kinh ngạc ở nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới này.
Sau khi thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế và nâng cao cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ thép và tăng cường sản lượng thép tại các nhà máy.
Nhờ đó, quặng sắt Đại Liên đã tăng hơn 60% trong năm nay và tiêu chuẩn của Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) cũng tăng khoảng 50%, theo Reuters.
Việc chi phí nguyên liệu thô đang ở mức cao tạo áp lực lên biên lợi nhuận của thép ở mức giá hiện tại, đặc biệt là khi giá thép cây không tăng nhanh như quặng sắt.
Hiện tại, giá thép cây xây dựng trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 1,9% và thép cuộn cán nóng giảm 1,5%. Trong khi đó, giá thép không gỉ lại đi ngược chiều tăng 0,4%.
Sản xuất và tiêu thụ thép trong nước có tháng tăng thứ hai
Tháng 8, sản xuất thép các loại đạt hơn 2,3 triệu tấn, tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, nếu tính chung 8 tháng, sản xuất và tiêu thụ thép vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, lần lượt giảm 5% và 6,9%.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tính riêng trong tháng 8, sản xuất thép các loại đạt hơn 2,3 triệu tấn, tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ 2019.
Bán hàng thép các loại cũng tăng 5,9% so với tháng 7, lên mức 2 triệu tấn. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng thép bán ra trong tháng cũng tăng 13,9%. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 462.138 tấn, tăng 8,81% so với tháng trước và tăng 29,9% so với tháng 8/2019.
Dù thế, tình hình sản xuất và bán thép, bao gồm cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa trong 8 tháng qua vẫn thấp so với năm ngoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở 6 tháng đầu năm. Ngành thép chỉ có dấu hiệu phục hồi từ tháng 7, khi sản xuất thép các loại trong nước đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 7,7% so với tháng 6 và ngang mức cùng kỳ 2019.
Như vậy, tính chung 8 tháng, sản xuất thép các loại đạt hơn 16 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ. Còn bán hàng thép các loại đạt 14,4 triệu tấn, giảm 6,9% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu thép các loại giảm 13,8% so với cùng kỳ 2019, xuống còn 2,7 triệu tấn.
Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho hay trong ngắn hạn, thị trường nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn sau thời gian giãn cách do dịch bệnh Covid-19. Tình hình sản xuất và bán hàng thép xây dựng trong nước sẽ bớt khó khăn hơn và thị trường thép xây dựng tháng 9 sẽ tốt hơn.
Theo báo cáo ngành thép và xi măng mới đây của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), nhu cầu thép nửa cuối năm kỳ vọng phục hồi và tăng 4-5% nhờ việc xóa bỏ giãn cách xã hội và sự thúc đẩy đầu tư công (dự báo nhu cầu quanh 15% tổng sản lượng thép).
Thêm vào đó, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ nhu cầu thép tại Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Theo Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc, tiêu dùng thép của quốc gia này kỳ vọng tăng thêm 40 triệu tấn, qua đó, nhu cầu thép Trung Quốc có thể tăng 8% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm và tính chung cả năm thì tăng 2%. Trong nửa đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung quốc 1,06 triệu tấn thép, gấp gần 15 lần cùng kỳ năm trước và chiếm 27% giá trị xuất khẩu thép.