Giá thép thế giới tăng trở lại
Giá thép ngày 30/9 giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 40 đồng nhân dân tệ lên mức 3.560 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30, giờ Việt Nam.
Theo dự đoán, nhu cầu thép xây dựng của Trung Quốc, đặc biệt là thép cây, sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong suốt tháng 10 và tháng 11 năm nay.
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Giá thép kì hạn chốt mức cao hơn vào hôm thứ Ba (29/9) trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Hợp đồng thép thanh vằn xây dựng giao tháng 1/2021 tăng 5 nhân dân tệ (khoảng 73 US cent), chốt phiên tại mức 3.536 nhân dân tệ/tấn.
Biểu đồ quặng sắt tại sàn giao dịch Thượng Hải (Nguồn Shfe)
Nhu cầu của nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc đặc biệt đối với sản phẩm xây dựng cũng hỗ trợ giá quặng sắt.
Tuy nhiên, hỗ trợ như vậy có thể mất đi trong quý 4 do lo lắng về nguồn cung quặng sắt sang Trung Quốc đang lắng xuống, với dự trữ quặng sắt của quốc gia này tại các cảng đạt mức cao nhất trong 6 tháng, theo công ty tư vấn SteelHome.
Một nhà kinh tế tại ngân hàng OCBC, Singapore cho biết cả nguồn cung từ Australia và Brazil vẫn được dự kiến vượt 100 triệu tấn trong tháng này, có thể bổ sung thêm vào dự trữ ở cảng.
Hợp đồng tháng 1/2021 đối với thép cuộn cán nóng, chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực ô tô và thiết bị, cũng điều chỉnh tăng 8 nhân dân tệ, chốt ở mức 3.674 nhân dân tệ/tấn, theo Tân Hoa Xã.
Sau khi công ty khai thác Vale SA công bố tạm ngừng hoạt động tại một nhà máy tập trung ở Brazil, giá quặng sắt đã tăng lên mặc dù giao dịch trên thị trường đã giảm xuống trước kì nghỉ lễ Quốc Khánh của Trung Quốc.
Việc đình chỉ hoạt động tại nhà máy tập trung Viga của Vale theo lệnh của tòa án sẽ làm giảm sản lượng quặng sắt của công ty xuống 11.000 tấn mỗi ngày, Reuters đưa tin.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng hỗ trợ giá sắt thép bằng việc thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm xây dựng thông qua các biện pháp kích thích tập trung vào cơ sở hạ tầng của chính phủ.
Tại Nam Phi, các lò nung và mỏ hầm đã tạm thời ngừng hoạt động từ tháng 3 do lệnh cấm vận trên toàn quốc liên quan đến đại dịch COVID-19. Gần đây, chính phủ Nam Phi đã nới lỏng các hạn chế và cho phép mở cửa trở lại nhằm phục hồi nền kinh tế.
Nhà sản xuất thép ArcelorMittal tại Nam Phi cho biết, họ sẽ khởi động lại lò cao thứ hai tại công viên Vanderbijlpark vào tháng 1/2020 do nhu cầu thép đang ngày càng tăng cao.
Đà phục hồi rõ rệt của ngành thép
Tổng sản lượng tiêu thụ thép tại thị trường Việt Nam lũy kế 8 tháng đầu năm 2020 vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số từng tháng đã bắt đầu có sự cải thiện rõ ràng hơn.
Thống kê cho thấy các nhóm sản phẩm của ngành thép đều đi xuống về mặt sản lượng tiêu thụ trong 8 tháng đầu năm, ngoại trừ tôn mạ. Thép cuộn cán nóng đối mặt với đợt giảm mạnh, trong khi doanh số của mảng thép xây dựng giảm gần 6% lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tiêu thụ thép ống tiếp tục đi ngang trong khi sản lượng tôn mạ tăng nhẹ so với cùng kỳ. Nhìn chung, nguyên nhân chính cho mức tăng trưởng âm là ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thép xây dựng tương đối chật vật trong 7 tháng đầu năm, với sản lượng tiêu thụ tháng 1 và tháng 2 tăng trưởng âm so với cùng kỳ do nhu cầu xây dựng ở Việt Nam giảm. Tuy nhiên, doanh số tháng 8 đã tăng 15% so với cùng kỳ và tăng trưởng theo tháng tương đối đều đặn kể từ khi kết thúc giãn cách xã hội.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tăng mạnh dịp cuối năm
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, thị trường thép xây dựng tháng 9 và các tháng cuối năm sẽ có bước khởi sắc sau dịch do nhu cầu tăng.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sản xuất thép xây dựng trong 8 tháng qua đạt hơn 6,607 triệu tấn, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019. Bán hàng sản phẩm thép xây dựng đạt hơn 6.66 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu là 906.962 tấn, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Hiện tại, tồn kho của các doanh nghiệp thép là hơn 604.000 tấn. Đây là mức tồn kho trung bình để gối đầu bán hàng các tháng sau.
VSA nhận định, sản lượng thép xây dựng sản xuất, bán hàng và xuất khẩu trong 8 tháng của năm 2020 đều giảm do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, dự kiến từ tháng 9 đến cuối năm, thị trường thép xây dựng sẽ khởi sắc hơn.
Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch VSA dự báo, trong ngắn hạn thị trường nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn sau thời gian giãn cách do dịch bệnh Covid-19. Tình hình sản xuất và bán hàng thép xây dựng trong nước sẽ bớt khó khăn hơn và thị trường thép xây dựng từ tháng 9 sẽ tốt hơn.
Hiện nay, giá bán thép trong nước ở mức bình quân khoảng 11.000-11.050 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể. Theo VSA, các doanh nghiệp có sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị phần hay phát triển thêm thị phần, cạnh tranh trong cả lĩnh vực công trình và dân dụng. Do đó, giá thép xây dựng trong nước không điều chỉnh nhiều dù giá nguyên liệu tăng cao..