Hiện hạt tiêu Việt Nam đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch sớm tại tỉnh Đắk Nông, với sản lượng năm 2019 được dự báo đạt khoảng 250.000 tấn.
Giá tiêu hôm nay dao động trong khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước giảm 1.000 đồng/kg còn 52.000 đồng/kg, mức giá cao nhất tại các tỉnh trồng tiêu nguyên liệu.
Song song đó, giá tiêu giảm 1.000 đồng/kg tại Đắk Lắk (Ea H'leo), Đắk Nông (Gia Nghĩa) còn 51.000 đồng/kg
Giá tiêu tại Đồng Nai vẫn ổn định ở mức 51.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại Gia Lai giảm 2.000 đồng/kg về mức 50.000 đồng/kg, mức giá thấp nhất trong các tỉnh trồng tiêu trọng điểm.
Ảnh minh họa: internet
Tờ The Star trích lời ông William SC Yii, Giám đốc công ty xuất khẩu gia vị hàng đầu Sarawak, Nguong Aik (Kuching) Sdn Bhd cho hay khi người nông dân Việt Nam bắt đầu thu hoạch vụ mùa mới trong một tháng nữa sẽ gây thêm áp lực cho giá tiêu toàn cầu.
“Việt Nam đã bắt đầu bán với giá chiết khấu cao, 2.300 USD/tấn đối với hạt tiêu đen chất lượng cao. Giá hiện khoảng 2.600 USD/tấn”, ông cho biết.
Ông dự báo giá tiêu Việt Nam sẽ giảm đáng kể trong quý đầu năm 2019.
Nhận xét về triển vọng của thị trường hồ tiêu năm 2019, ông Yii dự đoán giá duy trì ở mức thấp vì mặt hàng gia vị này vẫn bị ảnh hưởng bởi thị trường theo chiều giá xuống.
Theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của Bộ NN&PTNT mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha, như vậy diện tích trồng tiêu hiện nay “vỡ quy hoạch” đã gấp 3 lần so với quy hoạch ban đầu.
Dự kiến, năm 2018, sản lượng tiêu đạt 230.000 tấn, tăng so với mức ước tính 210.000 tấn năm 2017 (175.000 tấn năm 2016).
Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Intimex Group, cho biết cung vượt cầu vẫn là nguyên nhân khiến giá hồ tiêu không hồi phục. Có tới 95% sản lượng hạt tiêu của Việt Nam làm ra được dùng để xuất khẩu, vì vậy, chất lượng là con đường mà ngành hồ tiêu phải đi.
Hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng nhảy vào đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hồ tiêu. Ông Nam đánh giá điều này chứng tỏ ngành hồ tiêu Việt Nam được thế giới quan tâm, vẫn coi là nơi có hạt tiêu chất lượng nhất toàn cầu nên họ đầu tư.
Giá tiêu thế giới giảm
Hôm nay 2/1/2018 lúc 9h40 giờ Việt Nam, giá tiêu tại sàn Kochi (Ấn Độ) giao tháng 12 giảm 120 Rupi/tạ, tương đương 0,31% về mức 38.880 Rupi/tạ. Giá tiêu giao tháng 1/2019 , giảm 29 Rupi/tạ còn 38.412 Rupi/tạ. Giá hạt tiêu trên (sàn SMX - Singapore) tháng 9 vẫn ổn định ở mức 6.500 USD/tấn.
Trong ba năm trở lại đây, giá tiêu trên thị trường toàn cầu liên tiếp giảm. Với giá gần như thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay, thậm chí với sự hỗ trợ từ chính phủ, những người nông dân ở Sarawak, Malaysia vẫn đang phải vật lộn để kiếm sống.
“Có thể mất 2 hoặc 3 năm giá tiêu mới có thể phục hồi”, ông William SC Yii, Giám đốc công ty xuất khẩu gia vị hàng đầu Sarawak, Nguong Aik (Kuching) Sdn Bhd nhận định.
Giá tiêu đen và tiêu trắng giảm lần lượt 27% và 33% so với cùng kì năm ngoái.
Giá tiêu có xu hướng giảm từ nửa cuối năm 2016 sau khi giá tiêu trắng và đen chất lượng cao tăng vọt, lần lượt là 50.000 RM/tấn và 30.000 RM/tấn, mức giá cao nhất trong suốt 7 năm trở lại đây.
Ông Yii cho biết trong tháng 12, giá tiêu trắng chất lượng cao là 15.000 RM/tấn, trong khi giá hạt tiêu đen cao cấp hiện chỉ có giá khoảng 8.000 RM/tấn.
Tuy nhiên, giá địa phương đã được hỗ trợ rất nhiều bởi Hội đồng hồ tiêu Malaysia, nơi đang thu mua với mức giá cao hơn so với giá thị trường.
Tuần trước, giá ván của tiêu trắng là 19.360 RM /tấn trong khi giá của tiêu trắng chất lượng trung bình là 15.756 RM / tấn và 9.365 RM/tấn đối với tiêu đen xuất khẩu.
Ông Yii cho rằng nguyên nhân khiến giá hạt tiêu giảm là do tình trạng dư cung toàn cầu.
“Quy mô canh tác của ba nước sản xuất hồ tiêu hàng đầu thế giới - Việt Nam, Indonesia và Brazil khá lớn.” ông nhận định.
Là một nước xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới, Việt Nam đã tăng sản lượng từ 135.000 tấn năm 2011 lên 210.000 tấn vào năm ngoái.
Tổng khối lượng tiêu đen của Việt Nam chiếm khoảng 60% đến 65% thị trường thế giới và gần như chiếm một nửa sản lượng toàn cầu.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, ông Nguyễn Nam Hải, cho rằng giá hồ tiêu thế giới tăng mạnh trong giai đoạn 2013-2015 đã khiến người dân mở rộng diện tích canh tác không kiểm soát, từ 50.000 ha năm 2013 lên đến 150.000 ha trong năm 2018 hoặc có thể tăng gấp ba.
Trong báo cáo gần đây, ông Nguyễn cho biết Việt Nam đã lên kế hoạch cắt giảm diện tích trồng tiêu đen xuống còn 110.000 ha trong những năm tới để đối phó với sự sụt giá toàn cầu.