Chờ...

Giá xăng dầu hôm nay 11/10: Xăng dầu trong nước căng thẳng trước giờ điều chỉnh giá

(VOH)-Giá xăng dầu ngày 11/10 tiếp đà giảm do giới đầu tư lo ngại các dữ liệu kinh tế ảm đạm, nhu cầu nhiên liệu yếu. Giá trong nước dự báo tăng hơn 2.000 đồng vào chiều nay.

Giá trong nước dự báo tăng mạnh vào 15h00 chiều nay

Hôm nay (11/10) sẽ là kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở kỳ điều hành này tăng cao so với kỳ tính giá trước đó (ngày 3/10).

Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) tại Singapore cập nhật đến ngày 6/10 là 92,93 USD/thùng, còn giá xăng RON 95 là 95,31 USD/thùng. Dầu diesel có giá 137,87 USD/thùng, dầu hỏa giá là 124,07 USD/thùng, dầu mazut là 400,83 USD/tấn.

Giá xăng dầu hôm nay 11/10/2022
Ảnh minh họa: internet

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu mấy ngày gần đây tăng mạnh sau quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Giá dầu thô Brent hiện tiến sát mốc 100 USD/thùng.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho hay, do giá xăng dầu thế giới và giá xăng nhập gần đây có xu hướng tăng cao nên tại kỳ điều hành giá xăng dầu vào chiều nay.

Nhưng mức tăng ra sao phụ thuộc vào việc cơ quan quản lý trích lập hay chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG). Nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ BOG thì giá xăng có thể tăng khoảng 300 đồng/lít, còn giá dầu diesel có khả năng tăng tới 2.000 đồng/lít. Nếu nhà chức trách chi Quỹ BOG thì giá xăng có thể giữ nguyên còn giá dầu sẽ tăng ít hơn.

Nếu đúng như dự báo, giá xăng có thể lên gần 22.000 đồng/lít còn giá dầu sẽ tăng lên khoảng 24.000 đồng/lít.

Liên quan đến thị trường xăng dầu, mấy ngày gần đây, hàng loạt cây xăng ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương liên tục thiếu nguồn cung, người dân phải chật vật xếp hàng chờ mua xăng.

Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, do thiếu nguồn xăng dẫn đến phát sinh tình trạng một số cửa hàng không còn xăng để bán. Tính đến chiều 10/10, tại TP.HCM, có 121/550 cửa hàng không còn xăng bởi các cửa hàng dù có đăng ký mua xăng nhưng đơn vị cung cấp cũng thiếu hoặc không còn hàng để cung cấp. Đến chiều 10/10, có 5 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm ngưng hoạt động.

TP.HCM cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan đơn vị liên quan quan tâm, hỗ trợ, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; cần xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (nhất là các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu) góp phần tạo nguồn, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Bộ Tài chính cũng đã tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 3.000 đồng/lít, về mức sàn tối thiểu.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao thì tiếp tục giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% thuế giá trị gia tăng.

Về phí định mức xăng dầu, Bộ Tài chính đã thông báo tăng chi phí định mức xăng dầu cho Bộ Công Thương, như xăng RON92 tăng thêm 350 đồng lên 1.320 đồng/lít, xăng RON95 là 1.340 đồng/lít.

Ở kỳ điều hành ngày 3/10, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Giá bán lẻ xăng dầu ngày 11/10/2022

Đơn vị: đồng

Giá xăng dầu hôm nay 11/10: Dầu Brent giảm gần 2%, giá trong nước tăng mạnh vào chiều nay 2

Giá xăng dầu thế giới giảm gần 2%

Giá xăng dầu ngày 11/10, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,4% xuống 90,77 USD/thùng vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam). Giá dầu thô Brent giao tháng 12 giảm tới 1,93% xuống 96,03 USD/thùng.

Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 6h30 ngày 11/10/2022

Giá xăng dầu hôm nay 11/10: Dầu Brent giảm gần 2%, giá trong nước tăng mạnh vào chiều nay 3

Chốt phiên giao dịch ngày 10/10, giá dầu thô Brent giảm 1,8% xuống 96,19 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,6% xuống 91,13 USD. Cả hai loại dầu đã tăng mạnh trong tuần trước nhờ triển vọng nguồn cung thắt chặt.

Giá dầu giảm trong bối cảnh các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bình luận về việc tăng lãi suất và ảnh hưởng của chúng đối với nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard cho biết nền kinh tế đang bắt đầu cảm thấy chính sách tiền tệ hạn chế hơn, nhưng gánh nặng từ việc nâng lãi suất của ngân hàng trung ương sẽ không thể hiện rõ ràng trong nhiều tháng.

Bình luận của bà Brainard được đưa ra sau nhận xét của Chủ tịch Fed tại Chicago Charles Evans rằng Fed đã có sự đồng thuận mạnh mẽ về việc nâng lãi suất mục tiêu lên khoảng 4,5% vào tháng 3/2023 và giữ nguyên ở mức đó.

Giá dầu cũng biến động khi đồng USD mạnh hơn với phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu thô đắt hơn đối với những người mua trên thị trường thế giới.

Triển vọng thắt chặt nguồn cung dầu của OPEC+ đã hạn chế đà giảm giá. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC+) và các đồng minh gồm cả Nga, hay còn gọi là OPEC+, đã quyết định giảm mục tiêu sản lượng 2 triệu thùng/ngày vào tuần trước.

Nhưng các dấu hiệu cho thấy Arab Saudi sẽ tiếp tục phục vụ đủ khách hàng ở châu Á đã làm giảm kỳ vọng về tác động của việc cắt cắt công, theo Reuters.

Một số nguồn thạo tin cho biết Saudi Aramco đã nói với ít nhất 7 khách hàng ở châu Á rằng họ sẽ nhận được đầy đủ khối lượng hợp đồng dầu thô vào tháng 11, trước mùa đông cao điểm.

Fitch Ratings cho biết quyết định của OPEC+ sẽ có tác động không tốt đến thị trường cung cấp dầu vì việc cắt giảm sản lượng thực tế sẽ ít hơn bởi nhìn chung tổ chức này đã sản xuất ở mức thấp hơn hạn ngạch.