Chờ...

Giá xăng dầu hôm nay 15/7: Biến động và neo dưới mốc 100 USD/thùng

(VOH) Giá xăng dầu ngày 15/7 biến động trái chiều vì các nhà đầu tư tập trung vào triển vọng về tăng lãi suất lớn vào cuối tháng này của Mỹ có thể ảnh hưởng tới nhu cầu dầu.

Giá xăng dầu thế giới trái chiều

Giá xăng dầu ngày 15/7, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,05% xuống 96,4 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 9 tăng 0,14% lên 99,71 USD/thùng.

Giá xăng dầu ngày 15/7/2022
Ảnh minh họa: internet

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm (14/7), giá dầu Brent giảm 0,5% xuống 99,1 USD/thùng, đây là mức đóng cửa dưới 100 USD/thùng lần thứ ba liên tiếp. Trong khi đó giá dầu WTI của Mỹ giảm 0,5% xuống 95,78 USD.

Cả hai loại dầu đều đạt mức thấp trong phiên 14/7, thấp hơn mức đóng cửa ngày 23/2, một ngày trước khi Nga tấn công Ukraine, với dầu thô Brent đạt mức thấp nhất kể từ ngày 21/2.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo là đang đẩy mạnh cuộc chiến với lạm phát cao trong 40 năm với việc tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm trong tháng này, sau khi báo cáo lạm phát cho thấy áp lực giá đang gia tăng. Cuộc họp chính sách của Fed dự kiến ​​diễn ra vào ngày 26-27/7.

Việc Fed nâng lãi suất dự kiến ​​sẽ diễn ra sau một động thái tương tự của Ngân hàng Trung ương Canada, điều này đã gây bất ngờ cho thị trường hôm 13/7.

Ông John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, cho biết các động thái của Fed sẽ có tác động lớn đến thị trường khi họ cố gắng tiêu hóa dữ liệu kinh tế mới về lạm phát.

Giá dầu đã giảm trong hai tuần qua do lo ngại suy thoái kinh tế bất chấp xuất khẩu sản phẩm thô và tinh chế từ Nga giảm, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây và gián đoạn nguồn cung ở Libya.

Các nhà đầu tư cũng đổ xô vào đồng USD, thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Chỉ số USD đạt mức cao nhất trong 20 năm hôm 13/7, khiến việc mua dầu trở nên đắt hơn đối với những người mua trên thị trường quốc tế, nhưng đã giảm nhẹ vào thứ Năm (14/7).

Tại châu Âu, các tín hiệu cũng cho thấy nhu cầu dầu giảm với việc Ủy ban châu Âu (EC) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và nâng tỷ lệ lạm phát dự kiến ​​lên 7,6%, theo Reuters.

Bộ Tài chính đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10% thay cho phương án gửi xin ý kiến trước đó là từ 20% xuống 12%.

Việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu MFN theo phương án này vẫn đảm bảo có được dư địa để đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới trong tương lai và đảm bảo không phát sinh nghĩa vụ của Việt Nam trong các cam kết quốc tế.

Việc điều chỉnh giảm thuế MFN có thể không tác động nhiều đến giá xăng trong nước do hiện nay xăng nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc.

Song sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông, Nam Mỹ, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.

Hiện nay, mức thuế nhập khẩu FTA đối với dầu trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA với các nước ASEAN và Hiệp định FTA với Hàn Quốc đã được giảm về 0% nên kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN là không đáng kể.