Tiêu điểm: Nhân Humanity

Kinh tế TPHCM giữ vững đà tăng trưởng

(VOH) - Tổng sản phẩm nội địa (GDP) 6 tháng đầu năm của thành phố ước đạt hơn 417.000 tỷ đồng, tăng gần 8,6% so với cùng kỳ...

Trong 6 tháng đầu năm 2015, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phục hồi với mức tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục phát triển, góp phần đáng kể vào mức tăng GDP của thành phố, duy trì đà tăng trưởng 4 năm liên tiếp.

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) 6 tháng đầu năm của thành phố ước đạt hơn 417.000 tỷ đồng, tăng gần 8,6% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm liên tiếp gần đây. Trong đó, 3 khu vực chính gồm dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp đều tăng từ 6% đến 9,8%, đã cho thấy kinh tế thành phố phát triển đúng định hướng.

Kinh tế TPHCM phát triển đúng định hướng. Ảnh minh họa: SGGP

Kết quả thu ngân sách tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tổng thu ngân sách ước thực hiện 6 tháng đầu năm đạt gần 135.000 tỷ đồng, đạt gần 51% dự toán, tăng trên 6% so với cùng kỳ. Chỉ số giá (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ tăng 0,65%.

“Chỉ số giá giảm trong khi chỉ số GDP tăng, phân tích như vậy để thấy tính chất bền vững của sự tăng trưởng kinh tế với chỉ số giá. Chúng ta đã nỗ lực tập trung giải quyết vấn đề ổn định thị trường. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, thể hiện sự tăng trưởng ổn định và phát triển”, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM Lê Hoàng Quân, nhận định.

Ngoài ra, các lĩnh vực thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, tín dụng ngân hàng cũng có mức tăng ấn tượng. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đến nay, tổng số tiền chương trình đã thực hiện cho gần 1.500 khách hàng là gần 66.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy dòng vốn được khai thông, đi vào sản xuất. Tình hình đầu tư của doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục có chuyển biến tốt. So với cùng kỳ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng và số doanh nghiệp giải thể giảm, tính đến ngày 20/6, đã có gần 3.700 doanh nghiệp đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Có được kết quả này là nhờ thành phố tập trung nhiều cho việc cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các doanh nghiệp nêu ý kiến.

“Các doanh nghiệp có thêm hy vọng là nền kinh tế trong năm 2015 sẽ tiếp tục phục hồi, có những dấu hiệu của sự khởi sắc. Chúng tôi mong những quý tiếp theo của năm 2015 sẽ mang lại triển vọng kinh tế sáng hơn".

"Chúng ta đã bắt mạch được những lý do cần phải làm gì, những doanh nghiệp Việt Nam cũng biết mình cần phải làm gì, bây giờ là đến giai đoạn cần phải thực hành, nếu chúng ta cứ ngồi suy nghĩ mà không thực hành thì sẽ không tiến tới được".

"Doanh nghiệp chúng tôi cũng đã vượt qua những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chúng tôi cũng nhận thấy là môi trường đầu tư cũng như sản xuất càng ngày càng tốt”.

Năm 2015, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015), trong những tháng còn lại của năm 2015, thành phố phải nỗ lực để các mục tiêu đề ra phải đạt kết quả cao nhất, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều nhóm giải pháp, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là những ngành phục vụ cho phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, nhấn mạnh: “Khả năng, thành phố sẽ đạt được mức tăng trưởng trên 9,5% trong năm 2015 như kế hoạch đề ra là rất cao. Bên cạnh những tín hiệu tích cực thì thành phố cần lưu ý, tuy chỉ số phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 7,1% so với cùng kỳ, nhưng xét tổng thể thì vẫn chưa thấy cấu trúc tăng bền vững, đủ tạo sức lan tỏa, đột phá cho ngành công nghiệp. Trong phần giải pháp thì cần tiếp tục nghiên cứu những cơ chế chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho 4 ngành trọng yếu”.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thành phố đang tập trung chỉ đạo tái cơ cấu Ban chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, thực hiện tăng cường thông tin cho doanh nghiệp về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác./.

Bình luận