Tiêu điểm: Nhân Humanity

Người tiêu dùng trăn trở với thị trường thực phẩm sạch

(VOH) - Lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không ít người tiêu dùng có xu hướng tìm mua các loại thực phẩm sạch và an toàn cho gia đình.

Thị trường kinh doanh thực phẩm sạch và an toàn cũng nở rộ với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, những thực phẩm này có thực sự đảm bảo an toàn và sạch không thì có thể nói chỉ có người bán mới biết.

Tìm thực phẩm sạch “khó như lên trời”

Đó là trăn trở không chỉ của chị Nguyễn Bích Loan, ngụ tại phường 15, quận 10 TP.HCM mà của nhiều bà nội trợ.

Theo chị Loan, việc truyền thông hướng người tiêu dùng đi tìm thực phẩm sạch là đáng quý. Thách thức lớn nhất hiện nay đối với cá nhân chị là làm sao chuẩn bị được một bữa ăn ngon, sạch cho gia đình theo đúng nghĩa. 

Ảnh minh họa: NLD 

Trước đây, chỉ cần ra chợ mua thực phẩm là có cảm giác an toàn nhưng bây giờ thì không thể vì không rõ nguồn gốc. Thậm chí, có khi mua sản phẩm từ siêu thị có uy tín, chưa hẳn yên tâm ?

Chị Loan dẫn chứng mình đã rất bất ngờ khi mua một bó rau muống dù bọc kỹ, có chứng nhận sạch nhưng vì không dùng hết, chỗ còn thừa không héo mà còn nảy mầm rất dài. Bình thường nếu để ở nhiệt độ không tốt, rau rất dễ bị hư vì quá 2 ngày nhưng nay rau lại nảy mầm chứng tỏ dư lượng chất tăng trưởng lớn, khiến chị sợ hãi.

Làm sao kiểm chứng rau quả mua bán online?

Trước thông tin về thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng tự bảo vệ mình và gia đình bằng cách tìm đến cửa hàng treo bảng hiệu bán thực phẩm sạch và an toàn.

Một số bà nội trợ còn tìm mua hàng sạch nhà trồng ở quê qua bạn bè, người thân. Những cửa hàng bán thực phẩm sạch nở rộ trên mạng. Tuy nhiên các loại thực phẩm này liệu có an toàn như công bố hay không thì cũng chỉ có doanh nghiệp mới biết, còn các bà nội trợ chỉ yên tâm về tâm lý.

Chị Phạm Hồng Đào, sinh sống tại quận Gò Vấp quen mua sản phẩm của cửa hàng kinh doanh rau sạch thực phẩm hữu cơ trên đường Phan Văn Trị quận Gò Vấp giải thích: “Nhà tôi ở gần đây, thứ hai nữa là cũng là theo tiêu chuẩn của VietGap, chứ thực phẩm ở ngoài bây giờ sợ quá.

Tiêu chuẩn an toàn hay không thì phải có máy móc, chứ mình cũng chỉ tin tưởng Nhà nước chứ làm sao kiểm chứng được ?”.

Nhiều tiểu thương tại chợ dân sinh thông thường cho biết rất khó có rau sạch. Ảnh minh họa.  

Nhiều tiểu thương tại chợ thông thường cho biết rất khó có rau sạch. Trước đây, một số loại rau phải đến mùa mới có nhưng nay có quanh năm. Nếu không kích thích tăng trưởng thì người trồng sẽ không có rau bán cho các cơ sở kinh doanh.

Ngay cả những cơ sở đạt chất lượng, nếu rau không bóng đẹp thì cũng khó tiêu thụ. Do vậy, rau không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu trên thị trường rất hiếm.

Loạn chứng nhận “rau an toàn”

Cụ thể tại siêu thị Mega Market (quận 2), khu rau từ nông trại đến bàn ăn của đơn vị VietGap có hàng trăm loại nhưng chỉ một phần ba số lượng có ghi nhãn mác và nơi sản xuất. Còn tại Big C, Aeon Mall, Co.opmart ngoài những loại rau không đề cơ sở sản xuất thì rau mang nhãn mác VietGAP cũng khá hỗn loạn.

Một số loại rau ăn lá như cải bắp, rau dền, cải xanh trên bao bì có ghi nguồn gốc sản xuất, tiêu chuẩn chứng nhận, số đăng ký và hạn sử dụng. Một số loại khác thì không hề ghi các thông số trên mà chỉ in dòng chữ “sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP” nên rất khó phân biệt đâu là sản phẩm đạt chuẩn.

Thực phẩm sạch là vấn đề được người dân quan tâm hàng đầu. Ảnh minh họa. 

Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, sản phẩm được chứng nhận của nhiều cơ sở được in chung trên một bao bì nên rất dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Trong lúc chờ đợi cơ quan chức năng công bố những loại thực phẩm sạch, an toàn, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thì người tiêu dùng hiện nay cũng chỉ có thể “vái tứ phương” với thực phẩm sạch.

Bình luận