Để hiểu rõ hơn về những biến chuyển thực chất của loại thị trường đặc biệt này so với thời điểm trước khi thực hiện Nghị định 24, phóng viên Đài đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh.
Sau gần 2 năm thực hiện, Nghị định 24 phát huy hiệu quả rõ rệt. Ảnh: baotintuc |
* Thưa ông, sau 2 năm thực hiện Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, ông có thể cho biết những kết quả cụ thể đạt được là như thế nào?
- Ông Nguyễn Hoàng Minh: Sau một thời gian triển khai thực hiện khuôn khổ pháp lý mới theo Nghị định 24 về quản lý vàng, đến nay đã đạt được 5 thành tựu cơ bản. Thứ nhất, đã loại bỏ toàn bộ các rủi ro liên quan đến vàng và cũng như chấm dứt tình trạng vàng hóa trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, đến ngày 25/11/2012, các ngân hàng đã chấm dứt việc huy động và cho vay vốn bằng vàng, đến 30/6/2013 thì các ngân hàng đã tất toán toàn bộ số dư huy động vố bằng vàng tương đương khoảng hơn 100 tấn vàng. Các ngân hàng cũng đã giảm dần số dư vốn huy động cho vay bằng vàng. Đến thời điểm hiện nay thì số dư vốn huy động cho vay bằng vàng chỉ còn khoảng 100.000 lượng vàng, tương đương khoảng gần 4 tấn.
Thành công lớn thứ hai trong hoạt động quản lý vàng là Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng. Từ đó, loại bỏ được tình trạng đầu cơ cũng như làm giá trong hoạt động mua bán kinh doanh vàng miếng trên thị trường.
Nội dung thứ ba mà Ngân hàng Nhà nước đã làm được là thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc đấu thầu vàng để tăng cung vàng miếng cho nền kinh tế, cho thị trường cũng như hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng tất toán trạng thái vàng. Tính đến thời điểm hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức trên 70 phiên đấu thầu với hơn 70 tấn vàng được đưa ra thị trường, trong đó có 30 tấn hỗ trợ cho các ngân hàng để tất toán trạng thái vàng.
Kết quả thứ tư là tổ chức sản xuất vàng miếng SJC cũng như chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hoạt động này được tiến hành từ tháng 8/2012, đến nay cũng đã thông suốt và hỗ trợ cho thị trường 1 nguồn cung vàng miếng SJC rất nhiều.
Cuối cùng là đã thiết lập được mạng lưới mua bán vàng miếng mới có tổ chức và có quản lý chặt chẽ. Hiện cả nước có hơn 2.500 điểm mua bán vàng miếng, riêng tại thành phố Hồ Chí Minh có 905 điểm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước thành phố cũng đã cấp phép cho khoảng 95 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ.
* Bên cạnh Nghị định 24 của Chính phủ thì Bộ Khoa học Công nghệ cũng đưa ra Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng. Theo ông, thông tư này có hỗ trợ như thế nào đối với Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý thị trường vàng?
- Ông Nguyễn Hoàng Minh: Thông tư 22 của Bộ Khoa học Công nghệ đưa ra và có hiệu lực từ ngày 1/6/2014 sẽ hỗ trợ rất lớn, đảm bảo cho người tiêu dùng không bị thiệt thòi, đặc biệt là đối với chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ. Ngân hàng Nhà nước cũng căn cứ vào những nội dung của thông tư này cùng với công tác quản lý nhà nước về quản lý thị trường vàng thì sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ của các doanh nghiệp được thuận lợi. Đồng thời tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước xem xét, đề nghị trung ương cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
* Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước không tổ chức phiên đấu thầu vàng nào, lý do là vì sao thưa ông?
- Ông Nguyễn Hoàng Minh: Theo tôi đánh giá thì do giá vàng hiện nay cũng theo xu hướng ổn định, thứ hai là nguồn cung vàng trên thị trường cũng tương đối đầy đủ và có thể đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân do đó cũng chưa cần thiết tăng cung cho thị trường trong thời điểm hiện nay. Ngân hàng Nhà nước hiện đang theo dõi rất sát diễn biến của thị trường, kể cả thị trường ngoại tệ và thị trường vàng, khi thấy quan hệ cung cầu có điều kiện thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu để tham gia can thiệp, bình ổn thị trường theo như mục tiêu đã đề ra.
* Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có chính sách huy động nguồn lực vàng cất trữ trong dân để đầu tư cho sản xuất kinh doanh, hiện tại thì Ngân hàng Nhà nước đã có đưa ra phương án nào để huy động nguồn lực vàng trong dân chưa?
- Ông Nguyễn Hoàng Minh: Hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước cũng đang đề ra các cách làm để từ đó thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng cho có hiệu quả. Nhưng, trước mắt thì có thể chưa thực hiện giải pháp này trong ngắn hạn. Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu để đưa ra những giải pháp thuận lợi hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
* Xin cám ơn ông!