Chờ...

TP.HCM sẵn sàng những điều kiện thuận lợi đón làn sóng đầu tư

(VOH) - Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN sẽ chính thức hình thành, cùng với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận trong thời gian tới kỳ vọng sẽ tạo bệ phóng để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng tốc phát triển.

Công nhân Việt Nam làm việc tại Nhà máy Nidec ở Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: unilogistics

Mở rộng cửa

Đón đầu cơ hội này, cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng luôn chào đón, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh lâu dài và đạt hiệu quả. Hội nhập vừa là cơ hội, vừa là thách thức và cũng có không ít rủi ro. Song với sự vào cuộc của cả Chính phủ và các cơ quan ban ngành liên quan, cùng với tâm thế chủ động của doanh nghiệp, hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam và của từng doanh nghiệp.

TP.HCM được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, có nhiều thế mạnh về cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực và các trung tâm thương mại - dịch vụ được đánh giá là tốt nhất, có thể đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà đầu tư, nên thành phố luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Các nguồn vốn này đã trở thành nguồn lực bổ sung rất quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là cho khu vực công nghiệp và dịch vụ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thành phố chiếm khoảng 30% tổng số dự án FDI vào Việt Nam.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong hợp tác kinh doanh và đầu tư, thành phố đã triển khai nhiều chương trình như: Triển lãm liên minh các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ; Diễn đàn kết nối doanh nghiệp; các hội thảo chuyên đề, các buổi kết nối giao thương và các đoàn xúc tiến thương mại - đầu tư tại nhiều nước… nhằm kịp thời lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại thành phố. "ITPC đã đổi mới rất nhiều trong các hoạt động xúc tiến, tổ chức các hoạt động xúc tiến cả về tổng thể và chuyên ngành, cho từng thị trường, từng ngành hàng. Khi tổ chức các hội chợ thì quan tâm cung cấp thông tin, quan tâm cả về doanh nghiệp trước và trong quá trình diễn ra hội chợ. Đặc biệt là sẽ thực hiện chặt chẽ việc tổng kết sau khi kết thúc hội chợ, để xem kết quả những gì đạt được tốt để chúng ta làm tốt hơn, những gì hạn chế để chúng ta khắc phục", bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP (ITPC) chia sẻ.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Nikken (Nhật Bản) - Takashi Sakakibara đánh giá cao môi trường đầu tư ở Việt Nam, đặc biệt là nguồn nhân công, cộng thêm các chính sách đầu tư thông thoáng của thành phố sẽ là những điều kiện tiên quyết cho các nhà đầu tư người ngoài quyết định đầu tư, phát triển kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy doanh nghiệp mới đầu tư vào TPHCM với số vốn hạn chế, nhưng chắc chắn doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh, tăng vốn đầu tư trong năm tới và sẽ tập trung vào các lĩnh vực gia công cơ khí, lắp ráp chế tạo máy và sản xuất linh kiện xe hơi. "Ở Nhật, việc thu hút nhân lực trẻ có trình độ và tay nghề rất khó; ở Việt Nam thì có nhiều thuận lợi hơn, khi có được giấy phép đầu tư rồi thì việc thu hút nhân lực sẽ dễ dàng hơn nhờ vào dân số lao động trẻ đông, như thế thì doanh nghiệp có nhiều thuận lợi hơn trong việc phát triển kế hoạch kinh doanh chính nhờ vào những năng lực trẻ này", ông Takashi Sakakibara cho biết.

Cắt giảm thủ tục hành chính, chuẩn bị cơ sở hạ tầng

Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, lãnh đạo thành phố hy vọng tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp qua việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ODA và lựa chọn thành phố như một điểm đến ưu tiên đầu tư, đặc biệt đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp công nghệ cao.

Thành phố luôn chào đón, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư, kinh doanh lâu dài và có hiệu quả tại thành phố. Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP giải thích thêm: "Thời gian tới Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp phép qua mạng đối với một số thủ tục; Cục Thuế TP hiện nay thì 97% các doanh nghiệp thành phố cũng đã tiến hành kê khai thuế qua mạng điện tử, không cần phải đến trực tiếp, qua đó giảm thời gian cho nhà đầu tư thực hiện thủ tục hành chính rất nhiều".

TP.HCM hiện có 17 khu chế xuất và khu công nghiệp với diện tích trên 4.000 ha, trong đó có 2 khu công nghệ cao, cùng một khu nông nghiệp công nghệ cao. Dự kiến thành phố sẽ thành lập thêm 7 khu công nghiệp mới với diện tích hơn 2.000 ha. Bên cạnh khu đô thị mới Nam thành phố khoảng 7.000 ha là khu đô thị hiện đại gồm các khu phức hợp đa chức năng với khoảng 500.000 người đang sinh sống, thành phố đang tiếp tục phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị mới Tây Bắc – Củ Chi, khu đô thị cảng Hiệp Phước… Bà Nguyễn Thị Minh Thu, Ban quản lý Khu Công nghệ cao thành phố cho rằng khi doanh nghiệp đến với khu công nghiệp cao thì họ sẽ được hỗ trợ việc đào tạo cũng như tuyển dụng, và khu công nghệ cao áp dụng chính sách 1 cửa, nhà đầu tư đến với khu công nghệ cao không phải đi qua những cơ quan khác vì được ủy quyền từ thành phố và chính phủ trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư và nhà đầu tư sẽ được giảm thuế trong vòng 15 năm.

TP.HCM còn có nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội đang mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Với điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng được trang bị đầy đủ như thế, tin rằng thành phố sẽ chào đón làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn; đặc biệt là khi cánh cửa Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) sẽ mở rộng vào cuối năm nay./.