Thời gian qua, giá của các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã hạ nhiệt. Các siêu thị phân phối hiện đại cũng đưa ra mức giảm giá từ 10-50%, thậm chí có mặt hàng giảm đến 100% và mỗi siêu thị đều đưa ra các mức khuyến mại riêng để kích cầu tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng đã giám sát diễn biến thị trường để tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp dài hạn nhằm kiểm soát giá, bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm.
Thời gian gần đây, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhiều doanh nghiệp ở một số ngành nghề, trong đó có ngành thực phẩm có thời gian dài phải tự bù lỗ, gồng gánh chi phí tăng cao. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho hay: “Thời điểm này là sức ép đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên mặc dù chi phí đầu vào tăng cao làm giá thành tăng, nhưng sức mua thị trường giai đoạn này cũng đang giảm. Để tăng trưởng doanh số ở nhóm hàng khác thì buộc chúng tôi phải chạy những chương trình khuyến mãi để kích cầu lên”
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM cũng bày tỏ băn khoăn: “Nguồn nguyên vật liệu đều tăng từ 30-40%, do đó trong suốt giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4/2022, các doanh nghiệp bình ổn giá với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều có đề nghị là tăng giá, chứ không phải tăng giá là do mặt hàng xăng tăng lên. Sở Tài chính cũng đã cho phép tất cả các nhóm hàng tăng không quá 10-15% và đều ở dưới mức mà trong giá thành sản xuất và tất cả doanh nghiệp sản xuất này đều lấy lợi nhuận của mình ra để làm hàng và hòa vốn, và phải tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất”.
Trong khi đó, với doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nước đóng chai các loại, ông Nguyễn Đặng Hiến – Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương Mại Tân Quang Minh (Bidrico) nhìn nhận, vừa qua, giá xăng giảm là tín hiệu đáng mừng chung cho toàn xã hội, trong đó có doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giá xăng giảm còn chưa tác động được việc giảm giá các yếu tố cấu thành khác. "Giá xăng giảm cũng tác động đến giá vận chuyển, nhưng chưa đủ mạnh để chúng tôi giảm được giá bán ra. Giá nguyên liệu vẫn còn cao và chúng tôi vẫn sản xuất với giá thành cao nên chưa thể giảm giá. Chúng tôi rất mong giá xăng giảm ổn định để chúng tôi có thời gian ổn định lâu dài, thì khi đó mới bắt đầu giảm dần các yếu tố sản xuất, giá thành nguyên liệu giảm thì chúng tôi mới có cơ hội giảm giá trên thị trường”, ông Hiến cho biết.
Trong nỗ lực cầm cự giữ hoặc giảm giá nhằm chia sẻ với người dân, tại các hệ thống các siêu thị cũng thực hiện giảm giá đồng loạt hoặc thực hiện các chương trình khuyến mại để tăng sức mua. Như MM Megaket có một số chương trình giảm sâu bao gồm: Các loại thực phẩm khô giảm từ 25-32%; Hóa mỹ phẩm các loại giảm từ 29-30%; Sản phẩm trái cây tươi giảm giá 20%. Các sản phẩm thịt tươi sống như thịt bò, thịt heo, hải sản và sản phẩm nhập khẩu từ các nước như Brazil, Hàn Quốc, Mỹ giảm giá từ 10%. Đáng chú ý, các mặt hàng đồ gia dụng tại đây cũng giảm sâu đến 50%. Bà Ngô Thị Hồng Yến, đại diện MM Megaket cho hay: “Gần đây nhất, chúng tôi có gửi thư cho nhà cung cấp của Bộ Công thương về việc đưa giá hàng hóa về mức bình ổn. Thì chúng tôi vẫn đang làm việc với nhà cung cấp, đã gửi thư đi và đợi phản hồi từ nhà cung cấp. Khi có chính sách mới chúng tôi sẽ truyền thông rộng rãi về vấn đề này”.
Trong khi đó, tại Saigon Co.op, đại diện đơn vị cho biết, hàng tuần các mặt hàng thực phẩm tươi sống bán tại các siêu thị Coopmart, Co.opXtra, Co.op Food đang luân phiên áp dụng giảm giá từ 10% đến 25% tuỳ nhóm hàng. Một số nhóm rau củ quả đang có nguồn cung dồi dào có thể sẽ áp dụng giảm giá đến 50%. Ngoài ra, chương trình giảm giá từ 15% đến 50% cho các mặt hàng nhu yếu như gia vị, hoá phẩm, thực phẩm công nghệ, các set thực phẩm sơ chế và các loại đồ dùng nhà bếp hàng tuần, đặc biệt là các ngày cuối tuần.
Cho đến thời điểm này, Saigon Co.op đã kịp thời phối hợp với các nhà cung cấp để có kế hoạch giảm giá liên tục trong ít nhất 3 tháng tới cho các nhóm hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá như các loại gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, một số mặt hàng sữa, các loại gia vị, cũng như các loại thực phẩm khô. Mức dự trữ cho 3 tháng của các nhóm hàng này dự kiến tăng trung bình 20% so với cùng kỳ năm trước và mức giảm giá dự kiến từ 10% đến 50%.
Tiếp theo đó, trung tuần tháng 9, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food cũng sẽ chốt lượng hàng hóa chuẩn bị cho 3 tháng trước trong và sau tết. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm thiết yếu, hàng bình ổn giá và các mặt hàng đặc trưng tết. Mức dự trữ cũng khoảng 100 tấn/siêu thị, mức giảm giá dự kiến cũng từ 10% đến 50%.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết: “Thực tế xuyên suốt trong thời gian vừa qua, 12 đợt điều chỉnh giá xăng dầu tăng thì Saigon Co.op chưa từng điều chỉnh tăng giá, do đó khi trao đổi với truyền thông, chúng tôi nói rằng từ nhiều đợt xăng tăng giá, chúng tôi vẫn cầm cự giữ mức giá để không tăng giá nhằm hỗ trợ người dân Thành phố, nay chúng tôi vẫn chưa điều chỉnh tăng. Đối với chương trình bình ổn giá, bình ổn thị trường, đây là chương trình rất có ý nghĩa và thực sự là Thành phố đi đầu trong việc bình ổn giá, bình ổn thị trường xuyên suốt. Bây giờ góc độ bình ổn cũng đã có sự khác biệt và thay đổi liên quan đến rổ hàng hóa…”
Từ nay đến giữa tháng 9/2022, AEON Việt Nam có nhiều chương trình tiêu dùng thịt cá, rau củ quả tươi đa dạng, giảm giá sâu từ 20%-50%. Sản phẩm Đồ gia dụng - điện máy giảm giá lên đến 50% từ các thương hiệu nổi tiếng… Vào ngày 2/10, tại TPHCM, chuỗi sự kiện cộng đồng AEON Ekiden 2022 cũng sẽ diễn ra chặng cuối tại AEON Tân Phú, bao gồm Giải chạy tiếp sức; Ngày hội văn hóa Việt Nhật và cuộc thi AEON Cosplay Expo… Đại diện các siêu thị cho biết, nếu các đơn vị cung ứng, nhà sản xuất sản phẩm đầu vào giảm giá thì phía siêu thị cũng hạ giá ngay trên kệ hàng…
Theo Sở Công thương, 7 tháng năm 2022, toàn Thành phố đã có gần 33.000 chương trình khuyến mại được đăng ký thực hiện; có gần 1.300 doanh nghiệp đồng loạt tổ chức gần 5.000 chương trình khuyến mại, giảm giá; 30 hệ thống phân phối lớn với hơn 2.000 địa điểm…
Ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công thương đánh giá: “Trong thời gian ngắn, Sở Công thương cũng thực hiện nhiều giải pháp phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí trung gian lưu thông hàng hóa, giúp giảm áp lực tăng giá; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trong gói tín dụng”.
Hiện các hệ thống siêu thị lớn cũng đang tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để điều chỉnh giá đối với những mặt hàng chịu tác động bởi giá xăng dầu, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong thời gian tới… Tính chung, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng qua của TPHCM chỉ tăng 2,12% trong khi cả nước tăng 2,54%. Với nguồn hàng đảm bảo cân đối cung cầu, chương trình đã và đang tích cực điều tiết thị trường, chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả, lưu thông hàng hóa thông suốt và không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, khan thiếu hàng hóa, thổi giá bất hợp lý, góp phần kềm chế lạm phát trên địa bàn Thành phố thời gian qua.