Sẽ "mạnh tay hơn" xử lý nghệ sĩ, KOL phát ngôn lệch chuẩn trên mạng?
Ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng, mức phạt hành chính hiện tại chưa đủ sức răn đe.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ TT&TT đang trình Chính phủ nghị định thay thế nghị định 72, trong đó có các quy định về hoạt động phát ngôn trên không gian mạng.
Bộ sẽ tham mưu tăng mức phạt tiền, cũng như thêm các hình phạt bổ sung cao hơn mức xử phạt hành chính, đối với các hành vi sai phạm trên không gian mạng.
Đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng… được cộng đồng quan tâm, chú ý, tạo ra ảnh hưởng, Bộ TT&TT vẫn đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế phối hợp hạn chế lên sóng (mạng xã hội sử dụng từ "phong sát") đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm.
Đây là nội dung mới, đang chờ chỉ thị của Đảng, trong thời gian sớm nhất hai bộ sẽ khởi động lại để ban hành quy chế. Ngoài xử phạt hành chính, khi bị hạn chế sóng cũng là cách để góp phần răn đe đối với các nghệ sĩ có phát ngôn sai lệch, thiếu chuẩn mực.
Đối với Bộ TT&TT, xử phạt không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Sập bẫy “bạn trai Online”, mất hơn 5 tỷ đồng
Đầu tháng 3-2024, Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp nhận đơn của chị T., trình báo bị chiếm đoạt 5,4 tỉ đồng.
Chị T. cho biết có tham gia ứng dụng hẹn hò Tinder và quen một người đàn ông giới thiệu là bác sĩ của một bệnh viện lớn tại Singapore.
Sau khi tạo niềm tin với chị T., người này mời chị tham gia chơi tiền ảo.
Sau một vài lần thắng lớn. Chị tiếp tục nạp 300 triệu đồng thì được thông báo "tài khoản thắng 10,1 tỉ đồng" nhưng không rút được tiền ra.
Hệ thống thông báo "phải nộp 20% lợi nhuận thuế thu nhập cá nhân". Chị T. đã nộp 1,7 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, 2 tỉ tiền xác minh tài khoản để rút được tiền về và 1,4 tỉ để tham gia kênh rút tiền nhanh.
Tuy nhiên chị vẫn không rút được tiền ra. Chỉ trong vòng 5 ngày, chị đã chuyển cho các đối tượng 5,4 tỉ đồng. Sau đó chị biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Tại sao Facebook sập mang giá trị tích cực?
Theo chuyên gia về an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự kiện Facebook bị 'sập' đêm 5/3, ở một góc nhìn khác, mang lại 'giá trị tích cực' cho người dùng Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí về việc "sập" Facebook có ảnh hưởng gì đến Việt Nam hay không, ông Trần Quang Hưng, phó cục trưởng Cục An toàn thông tin, cho rằng bên cạnh Facebook, Việt Nam có nền tảng được nhiều người sử dụng là Zalo.
Việc Facebook bị sập mạng còn là 'tín hiệu tốt', không phải do Việt Nam đã có mạng xã hội để chia sẻ thông tin mà quan trọng là sau sự cố, người dùng mạng xã hội 'giật mình' không biết mình có phải là nạn nhân của hacker hay không, đồng thời người dân có ý thức hơn trong việc đổi mật khẩu; tạo bảo mật hai bước để phòng.
Do đó việc Facebook sập mạng ở quy mô rộng như đêm 5/3, ở một góc nhìn khác, lại mang lại "giá trị tích cực" cho người dùng Việt Nam.
Từ vụ “4 tiếp viên”, phá đường dây ma túy gần 1 tỷ đô
Liên quan đến vụ bốn nữ tiếp viên hàng không xách tay hơn 11kg ma túy bị phát hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất, đến ngày 6/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã phối hợp với các cơ quan chức năng khởi tố 183 vụ án và 502 bị can về nhiều tội danh khác nhau liên quan đến ma túy; đồng thời xử lý hành chính 86 người liên quan.
Trong quá trình điều tra, các đối tượng bước đầu thừa nhận trước khi bị bắt đã mua bán trót lọt 138kg ma túy với tổng số tiền hơn 22.000 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã thu giữ trong đường dây này hơn 165kg ma túy, 10 khẩu súng và nhiều hung khí khác.
Vụ việc vẫn đang được mở rộng điều tra.