Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đơn vị bầu cử số 6 - Quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận: Nguyễn Phú Bình

(VOH) - Ứng cử viên Đại biểu Quốc hội Khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) - Quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận: Nguyễn Phú Bình.

Đơn vị bầu cử số 6 - Quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận: Nguyễn Phú Bình 1

* TÓM TẮT TIỂU SỬ:

- Ứng cử viên (ĐBQH): Nguyễn Phú Bình

- Sinh ngày: 3/6/1948

- Quê quán: xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

- Hiện cư ngụ tại Căn hộ 03, tầng 20, tòa nhà L1, khu đô thị Nam Thăng Long, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

- Đại sứ; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam.

- Đại học ngữ văn, Cao cấp Lý luận chính trị.

* TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

- Từ tháng 11 năm 1970 đến tháng 3 năm 1992: Ông công tác tại Bộ Ngoại giao Việt Nam, giữ các chức vụ cán bộ Vụ Châu Á I; Vụ Chính sách đối ngoại; Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại; Phó Chánh Văn phòng, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao (từ tháng 3 năm 1990). Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 10 tháng 10 năm 1979.

- Từ tháng 01 năm 1992 đến tháng 7 năm 1992: Ông học tiếng Anh tại New Zealand.

- Từ tháng 7 năm 1992 đến tháng 01 năm 1997: Ông được bổ nhiệm và đi làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam đầu tiên tại Hàn Quốc, Bí thư Đảng ủy Đảng Bộ tại Hàn Quốc.

- Từ tháng 01 năm 1997 đến tháng 01 năm 2008: Ông công tác tại Bộ Ngoại giao Việt Nam, giữ các chức vụ: Vụ trưởng Bộ Ngoại giao; Cục trưởng Cục Lãnh sự; Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài; Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài; Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao; Phó Bí thư Đảng ủy khối Đối ngoại Trung ương; Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng ngoài nước; Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về sự tiến bộ của Phụ nữ; Thành viên Ban Chỉ đạo Tây nguyên, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và một số ủy ban Chính phủ hoặc liên ngành khác.

- Từ tháng 01 năm 2008 đến tháng 12 năm 2011: Ông là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Nhật Bản, Bí thư Đảng bộ tại Nhật Bản.

- Từ tháng 12 năm 2011 đến tháng 4 năm 2012: Ông là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

- Từ tháng 4 năm 2012 đến nay: Ông là Cố vấn Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao; Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Khóa 7 và 8); Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại và Kiều bào (Khóa 8); Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

- Ông đã được tặng thưởng: Hàm Đại sứ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (năm 2000); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2003 và năm 2011); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2005) và Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2012).

* CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

I. Thật là niềm vui và tự hào lớn lao đối với tôi khi được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội, được giới thiệu tiếp về ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 6 Thành phố Hồ Chí Minh.

Cá nhân tôi, hơn 40 năm công tác trong ngành ngoại giao, trong đó có nhiều năm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, 2 nhiệm kỳ làm Đại sứ tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Tôi cũng có nhiều năm làm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, phụ trách làm công tác vận động kiều bào ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, trong đó có việc chuẩn bị nội dung Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Bộ Ngoại giao, tôi rất vinh dự tiếp tục được đóng góp cho lĩnh vực đối ngoại nhân dân và vận động kiều bào, cũng như trong lĩnh vực truyền thông, với trách nhiệm Phó Tổng Biên tập Thời báo kinh tế Việt Nam. Tôi mong muốn được mang những kinh nghiệm và sở trường của mình trong các cương vị công tác nói trên để đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp của đất nước nói chung, đặc biệt cho thành phố Hồ Chí Minh, nếu được tín nhiệm, bầu làm Đại biểu Quốc hội.

II. Tôi đã xác định những nhiệm vụ lớn của mình, nếu được trúng cử như sau:

1/ Về xây dựng pháp luật:

- Sẽ ưu tiên nghiên cứu và góp phần xây dựng những dự án pháp luật mà thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi, bức xúc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng lớn mạnh, kinh tế phát triển bền vững, quốc phòng – an ninh được bảo đảm.

- Hàng loạt các thỏa thuận kinh tế đa phương và song phương thế hệ mới, mở ra những cơ hội lớn cho đất nước đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Ngoài ý kiến tham mưu của các cơ quan tham mưu và chuyên gia trong nước, tôi sẽ tranh thủ ý kiến của các chuyên gia kiều bào, chuyên gia các nước và quốc tế trong quá trình xây dựng luật.

- Đóng góp tích cực vào việc soạn thảo và xây dựng các nội dung pháp luật theo hướng tạo cơ hội bình đẳng cho kiều bào ta với đồng bào trong nước, tạo điều kiện sinh hoạt và hoạt động ngày càng thông thoáng, cho công dân, doanh nghiệp nước ngoài.

2/ Về công tác giám sát, kết hợp với chức năng “Phản biện và giám sát” của Mặt trận Tổ quốc và trong điều kiện có mạng lưới MTTQ và Hội thành viên đến tận cơ sở, tôi sẽ chú ý đến những vấn đề bức xúc như:

- Vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường; vấn đề giao thông vận tải, xây dựng và quản lý đô thị, việc làm và trật tự xã hội; Môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp; Hoạt động chính quyền các cấp phục vụ cho an sinh xã hội, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp; Việc thực hiện luật pháp và các chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của kiều bào ta và thân nhân.

3/ Phát huy kinh nghiệm và mối quan hệ đối ngoại và kiều bào ta ở nước ngoài, góp phần giải quyết một số vấn đề bức xúc như: việc làm và đào tạo nghề, thu hút đầu tư nước ngoài và của kiều bào, nhất là về công nghệ cao; Trồng trọt, chế biến, tiêu thụ thực phẩm, rau quả sạch; xử lý rác và nước thải...

III. Xác định những nhiệm vụ chính trong chương trình hành động nói trên, nếu trúng cử Đại biểu Quốc hội, tôi xin cam kết:

1/ Tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

2/ Liên hệ chặt chẽ với cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; phản ánh trung thực với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà tôi thấy cần thiết trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân sẽ nghiên cứu, kịp thời chuyển đến nơi có thẩm quyền giải quyết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết và báo cáo lại cử tri.

3/ Khi cần thiết sẽ chất vấn lãnh đạo có thẩm quyền về những vấn đề mà cử tri và nhân dân bức xúc, yêu cầu, kiến nghị. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân, sẽ yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

Xin cám ơn Quý vị và mong muốn đông đảo cử tri bỏ phiếu cho tôi.

Bình luận