Chờ...

Top 30+ mẫu truyện ngắn về thầy cô cảm động, ý nghĩa khi đăng báo tường

VOH – Báo tường là một trong những hoạt động không thể thiếu trong ngày lễ 20/11. Để tờ báo tường trở nên sống động hơn thì nhất định không thể thiếu những mẩu truyện ngắn về thầy cô ý nghĩa.
Mục lục
  1. Những câu truyện 20/11 về thầy cô
    1. Người Thầy đặc biệt
    2. Xin Lỗi Thầy
    3. Bài học làm người từ cô giáo dạy Sử
    4. Nhớ về người thầy cũ
    5. Đứa học sinh không dạy nổi
    6. Chuyến về thăm trường xưa
    7. Kỷ niệm về thầy cô nhân dịp 20/11
  2. Bài học về lỗi lầm và sự bao dung
  3. Truyện ngắn về thầy cô ngắn nhất
    1. Truyện ngắn về thầy cô giáo: Chuyện cũ
    2. Truyện ngắn về thầy cô 20/11: Nét chữ ngày xưa
    3. Truyện ngắn về thầy cô 100 chữ: Lời hứa
    4. Câu chuyện ngắn về thầy cô: Tôn sư trọng đạo
    5. Truyện ngắn: Học
    6. Truyện ngắn tri ân thầy cô 100 chữ: Ơn cô
    7. Câu chuyện ngắn về thầy cô - Ký ức
    8. Truyện ngắn 20/11: Công ơn của thầy
    9. Câu chuyện ngắn 20/11: Bài học từ cô giáo thể dục
    10. Truyện ngắn về thầy cô nhân ngày 20/11: Bài thơ hóa học
    11. Truyện ngắn về Người thầy thầm lặng
    12. Câu chuyện ngắn: Ơn cô
    13. Truyện ngắn ngày 20/11: Niềm tin của thầy
    14. Câu chuyện nói về thầy cô: Chiếc bút chì nhỏ
    15. Truyện về thầy cô nhân ngày 20/11: Bài học về lòng dũng cảm
    16. Truyện ngắn về 20/11: Sự kiên trì của thầy
  4. Truyện cười ngắn 20/11
    1. Truyện cười ngắn về thầy cô: Thầy giáo pro
    2. Truyện cười về thầy cô ngắn: Đến thầy cũng phải điên
    3. Truyện cười ngắn 20/11: Giáo viên đau đầu với bài văn dự đoán tương lai của học trò
    4. Truyện cười ngắn hay 20/11: Cách vào đề bá đạo của thầy giáo
    5. Truyện cười ngắn vui về thầy cô: Bài văn tủ
    6. Truyện cười ngắn về thầy cô dưới 100 chữ: Ngắm biển
    7. Truyện ngắn hài hước về 20/11: Dùng phao
    8. Truyện cười ngắn về 20/11: Tính chất của vàng
  5. Truyện ngắn về thầy cô viết báo tường
    1. Truyện ngắn báo tường 20/11
    2. Truyện ngắn về thầy cô báo tường: Có một người thầy dạy tôi như thế
    3. Truyện ngắn về thầy cô giáo: Người thầy và những tờ tiền cũ
    4. Truyện ngắn kể về thầy cô: Ông giáo và tách cafe
    5. Truyện ngắn 20/11: Dù thầy không phải là cha
    6. Truyện ngắn 20/11 ý nghĩa: Lời thầy dạy thuở ấy
    7. Truyện ngắn 20/11 viết báo tường: Người thầy năm xưa
    8. Truyện ngắn về thầy cô ngày 20/11: Người thầy, người cha thứ 2 của đời con!
    9. Truyện ngắn tri ân thầy cô viết báo tường: Câu chuyện về lòng biết ơn thầy cô
    10. Truyện ngắn về thầy cô ngày 20/11: Nhớ thầy
  6. Truyện ngắn về thầy cô bằng tiếng Anh
    1. Truyện ngắn: Idiotic Lawyer
    2. Truyện ngắn: A Careless Teacher
    3. Những mẫu truyện ngắn: English jokes about teachers and students
    4. Truyện về thầy cô ngắn hay ý nghĩa: Silent Encouragement (Lời động viên thầm lặng)
    5. Truyện ngắn: A Promise of Success (Lời hứa về thành công)
    6. Câu chuyện ngắn The Story of the Yellow Leaf (Câu chuyện chiếc lá vàng)
  7. Những truyện ngắn về thầy cô của học sinh tiểu học
    1. Truyện ngắn 20/11 của học sinh lớp 4
    2. Truyện ngắn tri ân thầy cô của học sinh lớp 5

Tháng 11 đã về, bên cạnh sự tất bật chuẩn bị cho những buổi thi giữa kỳ, các bạn học sinh, sinh viên còn vinh dự đón nhận một ngày lễ trọng đại của ngành giáo dục, đó là ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Thầy cô!” Hai tiếng thân quen mà thiêng liêng biết mấy. Bởi thầy cô chính là người đã dạy dỗ ta nên người, chuẩn bị cho ta hành trang vững chắc để bước vào đời. Cùng lắng đọng cảm xúc với những mẫu truyện ngắn dưới đây để càng yêu quý hơn những người đã góp công không nhỏ trong hành trình nâng bước chúng ta đến với thành công.

Những câu truyện 20/11 về thầy cô

Ai trong chúng ta cũng từng trải qua tuổi học trò với những tháng ngày “mài” đũng quần dưới ghế nhà trường cùng những người thầy người cô bên bục giảng. Những kỷ niệm ấy hẳn sẽ khó có thể phai nhạt trong tâm trí nhiều người. Có lẽ vì thế mà rất nhiều người dù đã rời khỏi mái trường thân yêu bao nhiêu năm vẫn luôn đong đầy cảm xúc và cho sáng tác nên những mẩu truyện ngắn về thầy cô nhân ngày 20/11 vô cùng cảm động. Cùng tham khảo một số mẩu truyện 20/11 về thầy cô hay và ý nghĩa nhất dưới đây.

Truyện ngắn về thầy cô 1

Người Thầy đặc biệt

10 tuổi, lần đầu tiên chúng tôi được học tiếng Anh, nhưng không phải học ở trường mà phải đạp xe hơn 3km sang nhà thầy giáo ở làng bên để học. Trong căn nhà cấp 4 nhỏ bên bờ đê lộng gió, một thầy giáo và 4 học trò ríu rít với những bài học tiếng anh vỡ lòng. Mỗi buổi học thêm tiếng Anh khi đó chỉ có 500 đồng, cách đây 12 năm về trước. Khi đó bốn đứa chúng tôi chỉ biết học, không quan tâm 500 đồng là đắt hay rẻ cho một buổi học tiếng Anh vỡ lòng. Thầy là một người thầy đặc biệt cùng lớp học đặc biệt và một căn nhà cũng đặc biệt. Ngôi nhà chỉ có một gian thấp bé được xây hoàn toàn bằng xi măng. Đến những cái bàn và giường ngủ cũng được làm từ xi măng. Từ xa, ngôi nhà trông như một chuồng chim bồ câu bám trên bờ đập. Thầy viết trên một tấm bảng đen nhỏ treo trên tường, trò ngồi bàn xếp, khoanh chân trên tấm phản xây bằng xi măng. Những câu hello, goodbye… thầy vừa dạy viết vừa dạy đọc. Thầy đứng xoay ngang khuôn mặt, miệng mở rộng, lưỡi chuyển động thật chậm để chúng tôi tập đọc theo cho đúng.

Tôi nhớ còn nhớ câu chuyện thầy kể về một nước Nga xa xôi, nơi mà thầy đã từng theo học, nơi có một người con gái thầy đã yêu và đã rời xa. Thầy kể cho chúng tôi nghe về một thời trai trẻ nhiều ước mơ nơi xứ tuyết… Trong câu chuyện đó có cái gì đó đã đổ vỡ, đã chia lìa và giờ thầy ở đây, trước mặt chúng tôi…Thầy sống lầm lũi và hơi lập dị trong mắt người làng. Đuôi mắt nhiều nếp nhăn của thầy hay nheo lại, nhìn về nơi nào đó xa thẳm. Thầy có nụ cười thật lạ, trước mặt chúng tôi thì vô cùng ấm áp, quay đi là ngay lập tức nhếch lên khó hiểu khiến tôi thấy hay hay và chỉ thích nhìn thầy cười.

Cũng như bao người nông dân khác, thầy cũng trồng lúa, đặt rớ tôm (vó tôm) để có tiền trang trải cho cuộc sống. Triền đập thoai thoải thầy đặt bao nhiêu là rớ. Tép cất được, thầy vừa ăn, vừa bán, con nào nhỉnh hơn thầy bỏ vào cái bể cũng được xây bằng xi măng để nuôi cho lớn.Mỗi ngày tới học, chúng tôi hay vào bể tôm của thầy chơi, té nước khiến cho những con tôm nhảy lên loạn xạ. Lúc đó thầy liền rối rít la chúng tôi. Nhưng cái rối rít của thầy trông rất hiền từ nên không làm chúng tôi sợ và như thế ngày nào trò nghịch dại đó cũng được lặp lại.

Thầy nói, có chúng tôi tới học thầy cảm thấy rất vui. Thầy say sưa nói với chúng tôi thứ ngoại ngữ mà một thời thầy say mê. Có chúng tôi, thầy bận rộn hơn vì phải lo ngăn những trò nghịch dại, lo cho chúng tôi học sao cho giỏi.Khi không còn học thầy nữa, tôi vẫn thường đạp xe qua nhà thầy, vẫn cái dáng cao gầy ấy, đặt những rớ tép dọc triền đập, bước đi liêu xiêu. Hai ba lần tôi đi qua, vẫn yên tâm khi cái dáng liêu xiêu ấy đi dọc bờ sóng ì ập vỗ. Rồi kí ức cũng như những con sóng, va đập kiểu gì mà tôi không còn nhớ từ lúc nào, tôi không còn thấy dáng người thầy ấy nữa. Hôm nay, như bao đứa học trò vô tâm khác của thầy, tôi lại ngồi kể về những kỉ niệm ngày xa xăm ấy. Tôi nhớ bóng thầy khi thả những con tép nhỉnh hơn vào trong cái bể xi măng và mong chúng lớn, khi đó trông thầy như cô Tấm đang nuôi con cá bống để chờ phép màu. Tôi luôn mong thầy đã đi khỏi căn nhà ấy, ngôi làng ấy, đi đến xứ sở của riêng thầy. Nơi có nhiều ước mơ hơn, biết đâu phép màu tôm, cá sẽ cho thầy gặp lại người con gái thầy đã yêu. Tôi luôn mong điều đó vì tôi biết gương mặt ấy, nụ cười ấy, dường như không thuộc về nơi này, không nên ở lại nơi này.

Xin Lỗi Thầy

Cuối thu, tiết trời lạnh dần. Những chiếc lá cuối cùng cũng trôi theo gió. Bầu trời cao, xanh thẳm, chốc chốc lại gợn lên những làn sóng trắng. Cảnh vật tĩnh lặng lắm! Màn sương tàn nhẫn nhỏ thêm vài giọt trắng xóa, mờ ảo lên sự cô đơn đang nảy nở trong lòng tôi.

Người ta thường bảo nhau là mưa buồn. Nhưng tôi lại nghĩ, khoảnh khắc này còn hơn thế nữa! Mỗi lúc như vậy, đôi mắt tôi lại vô thức mà nhìn theo bao kỉ niệm thời thơ ấu, bao kỉ niệm thời cắp sách đến trường! Trong số đó, có một câu chuyện mà tôi nhớ nhất. Đó là một lần, tôi đã khiến cho người mà tôi kính trọng, thất vọng!... Hồi đó, có lẽ là vào lớp 5. Khi ấy, tôi học toán giỏi lắm! Kỳ kiểm tra nào, con 10 luôn bị tay tôi cầm chắc.Thầy toán cưng tôi nhất. Tôi cũng thích toán! Chẳng biết có liên quan gì về yếu tố di truyền không, hay là tôi chỉ đơn thuần thích cái số điểm tròn xoe kia!

Dù sao, tất cả đều chỉ là những suy nghĩ ban đầu! Tôi dần mất đi cái cảm giác yêu thích. Bài tập ngày càng làm tôi chán nản. Ngoài thời gian ở trường, bố mẹ tôi vẫn ngốn cho tôi hàng tấn thứ! Nhiều đến nỗi, đôi lúc, tôi nghĩ là đầu mình sắp sửa nổ tung, như một quả bom hẹn giờ! Rồi tới một đêm, hôm ấy là chủ nhật. Khi bao đứa trẻ khác đang tận hưởng cái niềm vui ngày nghỉ, thì tôi lại đang làm cái công việc thường ngày: cả núi bài tập. Hàng giờ đồng hồ, tôi cứ suy nghĩ, cứ viết, lặp lại theo một trình tự, và hoạt động như một cỗ máy! Xong bài tập của bố mẹ cho, não tôi đã mệt lả, chỉ còn bài tập ở trường. Giở cuốn sách giáo khoa ra, chẳng hiểu nổi, tôi nhìn thì cứ nhìn, nhưng suy nghĩ thì không! Suy nghĩ của tôi như vừa mới phá vỡ cái xiềng xích của nó, chạy lung tung, rồi nấp đi đâu mất! Tôi mệt lắm rồi! Bỗng nhiên, trong đầu tôi lại nảy ra một ý, mà trước giờ chưa từng xuất hiện: "Nhất thiết phải làm sao? Chắc gì thầy đã kiểm tra!". Rồi như một phản xạ, ngay lập tức, một ý nghĩ khác chống đối lại: "Nhỡ đâu thầy kiểm thì sao?", "Lớp nhiều người như thế, chẳng nhẽ lại trúng mình?", "Sao lại không"....Tất cả cứ rối tung lên! Tôi bực tức hét lên một tiếng, trong khi thậm chí tôi cũng không biết mình vừa làm gì! Tôi có đủ thông minh để biết bên nào là đúng. Thế là tôi lại làm bài tiếp. Nhưng cũng chỉ được một lát, sự mệt mỏi lại thống trị cơ thể tôi! Tay tôi bắt đầu viết nguệch ngoạc một cách thiếu tự chủ! Tôi mạnh tay quẳng cây viết đi. Ngã người ra sau, tôi nhìn lên đồng hồ, đã khuya rồi. Mắt tôi như bị rút hết sức lực, đổ sụp xuống. "Muốn ra sao thì ra!"

Cuối cùng thì tôi cũng đã đầu hàng! Tôi nhanh chóng gấp tập vở lại, rồi cuộn tròn trong chăn. Giữa sự ấm áp và cái mê hoặc của giấc ngủ, tôi bất giác lo lắng. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc, tất cả đã bị vùi lấp... Sáng hôm sau, tôi dậy trễ. Tôi nhanh chóng nhét vài miếng bánh lót dạ rồi đi học. Tới lớp, tôi run người! Tay và trán tôi đẫm mồ hôi. Cái cảm giác lo lắng lại quay trở lại! Tôi thở từng nhịp một như cố gắng lắm. Có đứa bạn quay sang bảo tôi chỉ nó làm bài. Tôi bảo nó nên tự mình làm thì tốt hơn. Nếu như là mọi ngày thì tôi sẽ giúp nó, nhưng hôm nay, ngay cả cái đề tôi còn chưa đọc qua! Sau điểm danh, thầy bắt đầu sửa bài tập. Tim tôi đập thình thịch theo từng mi-li-mét mà ngón tay thầy dò trên danh sách lớp. Nhưng bề ngoài, tôi cũng cười cười nói nói, tựa hồ như tự an tâm mình và che giấu đi cái nỗi sợ hãi, cùng tiếng tim đập! Rồi thầy dừng lại, ngẩng mặt lên và nhìn chằm chằm vào tôi. Thầy nở một nụ cười, và điều đó khiến tôi lạnh sống lưng: "Em lên làm bài đi!".

Những lời đó như giúp tôi phá vỡ đi cái nỗi sợ hãi bâng quơ cũ, nhưng đem lại một nỗi sợ thật sự. Tôi từ từ đứng dậy. Tôi thú nhận với thầy tất cả, trong tiếng nấc. Tôi đứng mà cứ cúi gằm mặt xuống, để cho mái tóc che đi đôi mắt cay xè của mình, tôi không dám nhìn mặt thầy! Hai tay tôi cứ bám chặt vào nhau. Tôi nhìn thấy một giọt nước rơi xuống quyển vở, rồi 2, rồi 3 và một bàn tay đã chai sạn, nhẹ nhàng nhấc quyển vở của tôi lên. Tôi lén lút ngẩng mặt nhìn, tôi thấy thầy! Thầy trông khác lắm! Khuôn mặt thầy không để lộ bất kì một xúc cảm nào cả. Nhưng tôi đọc được: thầy đang rất buồn! Rồi thầy đặt quyển vở xuống, trở lại bục giảng. Thầy lấy bút chì và viết gì đó. Tôi đoán chắc đó là con không đầu tiên của tôi! Suốt tiết, tôi vẫn cứ cúi mặt!...

Tiếng chuông reo lên, các bạn khác ùa ra khỏi lớp như đàn ong vỡ tổ. Riêng tôi, tôi vẫn cứ ngồi đấy, vẫn cứ lặng thinh. Tôi ân hận lắm! Tôi vừa khóc, vừa kéo quyển vở lại, hoàn thành nốt đống bài tập đáng ghét này. Giá như tôi đừng quá chây lười, giá như tôi đã làm bài tập thì tôi đã không khiến thầy thất vọng! Cái cảm giác khi làm cho người mà mình kính trọng, người đặt cả niềm tin vào mình, là cái cảm giác hết sức tồi tệ! Tôi ước cho Trái Đất ngừng quay, tôi ước cho thời gian ngừng chảy, tôi ước cho đôi mắt trở nên mù lòa, để tôi không phải nhìn thấy vẻ buồn trên khuôn mặt thầy nữa! Tôi ngửa mặt lên, để cho hai hàng nước mắt chảy xuống đôi bàn tay, để chúng xóa sạch cái tội lỗi... Bỗng, có một bàn tay đưa lên, lau nước mắt cho tôi, một bàn tay chai sạn! Tôi biết một người có bàn tay như thế, thầy! Thầy đã ngồi bên tôi từ lúc nào. Tôi nghẹn ngào mà nói lời xin lỗi, và tôi lại một lần nữa cúi mặt. Nhưng rồi, bàn tay thầy đã nâng khuôn mặt của tôi lên, để cho tôi nhìn vào đôi mắt thầy."Thế em đã làm xong bài tập chưa?", thầy hỏi. Tôi không trả lời, chỉ biết lẳng lặng gật đầu. Thầy nhoẻn miệng cười, một nụ cười khiến lòng tôi ấm áp, như một cách nói khác của từ "tốt lắm!". Thầy lấy một cây bút bi và cuốn sổ điểm ra. Tôi đã suýt nữa ngất xỉu vì hạnh phúc khi nhìn thấy một con mười viết bằng bút chì, ngay chỗ tên tôi. Thầy dùng bút bi đỏ lại con mười ấy, nắn nót. Ngay cả khi tôi khiến thầy thất vọng, thầy vẫn luôn đặt niềm tin vào tôi!...

Cũng đã là một khoảng thời gian lâu lắm rồi! Nhưng tất cả vẫn cứ theo tôi mãi. Đó là một bài học dành cho tôi, một bài học rất ý nghĩa. Tôi còn nhớ rõ bàn tay của thầy, nụ cười của thầy, và cả con mười bằng bút chì kia nữa! Hãy cố gắng đừng làm cho người khác thất vọng. Nếu không, thế giới chỉ là một nấm mồ!...

Bài học làm người từ cô giáo dạy Sử

Sau ba năm tôi mới có dịp trở lại trường cũ. Mọi thứ không thay đổi nhiều, sân trường vẫn rợp bóng cây, và những chiếc ghế đá vẫn ở đó, trầm mặc và nhẫn nhịn. Tiếng cô giảng đều đều trên lớp và ánh mắt ngây thơ của đám trẻ học trò khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm thời cắp sách. Tiếng trống trường đã điểm, giờ ra chơi đến.

Tôi nhớ lại bóng dáng của cô từ trong lớp, vẫn dáng hình ngày xưa khi gieo mầm con chữ cho chúng tôi. Cô vẫn tận tụy đến lớp, vẫn chèo lái những con thuyền mơ ước của những cậu học trò nhỏ chúng tôi đến bến bờ hạnh phúc. Giọng cô nhẹ nhàng phân tích cho học sinh chúng tôi những sự kiện lịch sử đáng nhớ, những chiến thắng vang dội của quân ta khắp các chiến trường. Chốc chốc cô ngừng giảng và nhìn đám học trò đang tròn mắt suy ngẫm. Chính cô cũng không thể nhận ra được những thế hệ học trò đó còn nhớ mãi công ơn của cô tự ngày nào.

Cô về trường tôi từ khi trường chỉ có mái lá đơn sơ. Ngày mưa cũng như ngày nắng cô vẫn đạp chiếc xe Thống Nhất đã bạc màu đến lớp. Có lần những hôm trời mưa bão rất to mà cô vẫn cố đạp hơn chục cây số đến lớp vì sợ học sinh phải chờ. Có khi nước ngập quá bánh xe mà cô vẫn bước tiếp, đến lớp thì cả thầy cả trò đều ướt hết.

Phòng học dột nát không thể theo học. Những khi mưa gió như vậy cô lại nhớ về vùng quê Bình Lục, nơi người ta vẫn "cưỡi trâu đi họp huyện" cô lại thấy xót thương. Cô thường kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về miền quê và gia đình cô. Miền quê chiêm trũng, ngập quanh năm nhưng có nghị lực phi thường.

Giờ đây khi mọi thứ đã được thay mới, cô vẫn ngày ngày đến lớp. Là một giáo viên dạy sử nên tính cô rất nghiêm khắc. Cô luôn dạy chúng tôi phải biết tự phấn đấu vươn lên. Cô thường bảo, lịch sử là cái gốc rễ của một quốc gia dân tộc, khi các em hiểu sử cũng hiểu truyền thống quý báu của ông cha ta, biết mà học hỏi, biết mà phát huy những truyền thống quý báu đó. Theo lời dạy đó, mỗi thế hệ học sinh chúng tôi đều cố gắng trở thành một học sinh ngoan trong mắt cô.

Đã 27 năm trôi qua với bao thế hệ học trò đến và đi khỏi ngôi trường này, nhưng hình bóng cô mỗi ngày lên lớp thì vẫn vậy. Những học trò đầu tiên của cô nay đã đầu hai thứ tóc cũng không sao quên được những lời dạy, những kiến thức mà cô đã truyền đạt. Cô luôn dạy cách làm sao để hiểu và nhớ về một sự kiện lịch sử lâu nhất. "Chỉ khi các em hiểu rõ nguyên nhân tại sao và giải thích được những sự kiện, những mối ràng buộc đó thì em mới có thể làm tốt một bài lịch sử".

Tôi còn nhớ kỷ niệm về cô khi còn đang học phổ thông. Là một học sinh chuyên văn nên tôi rất thích những môn xã hội, đặc biệt là tìm hiểu những kiến thức lịch sử. Khi còn học ở trung học cơ sở tôi đã được nghe những thông tin về cô với phương pháp dạy hay, là một giáo viên giỏi ở trường. Và khi theo học cô tôi thực sự bị thuyết phục bởi cách giảng dạy ân cần và chu đáo.

Trong những giờ giảng, cô nhấn mạnh đến những sự kiện then chốt nhất, có tính quyết định đến giai đoạn lịch sử đang nghiên cứu. Cô thường dặn chúng tôi: "muốn học được lịch sử thì cần phải biết hệ thống kiến thức, tóm gọn vấn đề lại rồi triển khai thật nhỏ ra. Như vậy vừa nhớ lâu lại không bị mất ý". Theo lời khuyên của cô, mỗi chúng tôi đều nhớ rất rõ những vấn đề lịch sử và không hề bỏ sót chút nào khi làm bài kiểm tra.

Nhớ về người thầy cũ 

Người ta nói mùa thu là mùa của tình yêu, là mùa tựu trường, là mùa mà các bạn trẻ bắt đầu viết tiếp nên những ước mơ trên con đường với những hành trang bước vào đời. Quả thực, có quá nhiều lý do để mỗi chúng ta đón chờ thu về. Đó là niềm vui khi đón cái se lạnh của đất trời, ngửi thấy mùi hương hoa sữa thoang thoảng phả vào trong gió. Ấy vậy mà tôi lại thích mùa hè hơn mùa thu. Tôi yêu cái nóng hè với những tiếng ve kêu râm ran, rồi yêu mùa hè khi nhìn những cánh hoa phượng nở đỏ tươi cả một góc sân trường, yêu mùa hè vì nó là quãng thời gian tươi đẹp cùng chúng bạn. Và hơn tất cả... mùa hè làm tôi nhớ đến thầy.

Thầy tôi khi ấy đã ngoài 50 nhưng trông thầy có vẻ đứng tuổi hơn với con số ấy. Cũng như những người thầy khác, thầy luôn ăn vận rất giản dị, chỉ là chiếc áo sơ mi màu xanh với chiếc quần đen đã theo thầy cùng năm tháng trên bục giảng. Mái tóc thầy đã điểm bạc, cái màu mà bọn học sinh chúng tôi rất thích. Lũ con gái từng nói với thầy rằng chúng thích màu tóc thầy vì màu tóc thầy giống với màu bụi phấn. Chỉ vậy thôi mà thầy cũng mỉm cười, đó cũng là nụ cười hạnh phúc, nụ cười đẹp nhất mà tôi từng thấy trong đời. Nhưng điều mà tôi nhớ mãi không quên chính là đôi mắt của thầy. Đôi mắt thầy sáng, nhìn vào đó, tôi cảm nhận được đó là một con người đã phải trải qua nhiều sương gió của của cuộc đời. Nhưng đôi mắt ấy lại luôn nhìn chúng tôi đầy trìu mến đầy yêu thương, cái nhìn ấm áp và luôn tạo nên một niềm tin lớn với người đối diện.

Buổi đầu bước chân vào lớp 1, ngày đầu tiên đến lớp mọi thứ vẫn còn quá xa lạ với một thằng bé như tôi khi ngày hôm qua vẫn còn mè nheo mẹ mua cho chiếc ô tô điều khiển chạy bin như mấy đứa trẻ trong xóm. Quả thật khi ta rời khỏi ngôi nhà thân yêu để bước ra cái thế giới xung quanh, ta mới cảm thấy mình thật nhỏ bé biết bao. Tôi còn nhớ như in cái lúc phải xa vòng tay mẹ để bước vào lớp học.

- Nam, vào lớp cùng các bạn đi con. Con nhìn các bạn kìa, có ai cứ bám lấy mẹ thế này không? - Mẹ nói.

- Không. Con không muốn đi học đâu. Mẹ cho con về! - Tôi hét lên như thể quên đi vị trí một người con lúc này với mẹ.Cứ thế, tôi mặc kệ những cái nhìn lạ lẫm khó hiểu của các bạn trong lớp và cái nhìn giận dữ từ mẹ, tôi cứ đinh ninh rằng cứ thế này mẹ sẽ bỏ cuộc và đưa tôi về nhà. Tôi cứ hét lên "Con muốn về", tay chân vùng vằng ngồi bệt xuống đất để làm mẹ khó xử. Và đúng lúc đó, một người đàn ông đã trạc tuổi bước đến, ngồi xuống cạnh tôi ôn tồn nói:

- Em là học sinh mới hả? Đứng lên rồi vào lớp với thầy 5 phút thôi. Sau đó nếu em không thích thì em có thể đi về với mẹ. Được không?Tôi nhìn trân trối một hồi xong lại ngước lên nhìn mẹ. Mẹ mỉm cười gật đầu đồng ý. Thầy đỡ tôi đứng dậy và đi vào lớp, cứ thế, tôi khép nép rụt rè đi sau lưng mẹ tiến vào lớp học. Vào lớp, thầy đưa cho tôi một quyển sách màu vàng rất đẹp, đó là quyển sách Tiếng Việt mà sau này tôi biết. Lật từng trang sách, tôi như bước vào một thế giới khác với cuộc sống nơi đây. Một thế giới tràn ngập sắc màu cổ tích đủ để làm cho tâm trí của một thằng nhóc 6 tuổi vui sướng lạ lùng. Thầy nói sau này tôi sẽ được học đến những điều hay như thế, được chiêm ngưỡng và cảm nhận những cái đẹp của thế giới xung quanh và sẽ được biết những điều kì diệu của cuộc đời. Rồi thầy đưa mắt nhìn ra xa, nhẹ nhàng nói:

- Em có nhìn thấy những cánh chim kia không? Những con chim ấy cũng được sinh ra từ những quả trứng, được chim mẹ ấp ủ chăm sóc ngày đêm, để rồi xa chim mẹ nên giờ đây mới có thể biến thành những cánh chim bay đến những vùng đất mới, những khoảng trời cao rộng. Em cũng vậy, chỉ khi em biết xa vòng tay của mẹ để bước chân ra thế giới, em mới có thể bay cao và xa như những cánh chim kia. Có thể em vẫn chưa hiểu hết những gì thầy vừa nói nhưng thầy tin thời gian sẽ trả lời tất cả, em ạ. Năm phút ngắn ngủi đã trôi qua. Thầy hỏi: "Thế nào, giờ Nam còn muốn về với mẹ không?". Tôi không trả lời, chỉ biết cúi gằm mặt xuống ngượng nghịu như thể mình vừa làm điều gì có lỗi với mẹ. Thầy mỉm cười, mẹ cũng vậy, có lẽ họ đã hiểu rằng tôi muốn ở lại đây, ở lại lớp học này biết chừng nào để được thầy mang đến cho tôi biết bao điều kì diệu kia, những điều mà ngôi nhà nhỏ bé của tôi không bao giờ có thể cho tôi biết. Đó là buổi đầu tiên đến lớp mà tôi không bao giờ quên hay chính xác hơn là tôi không thể nào quên được cái ngày ấy, cái ngày mà Thượng Đế đã mang đến cho tôi một người thầy, người cha đã dìu dắt cho tôi những bước đi đầu tiên khi bước vào đời.

Thời gian cứ thế trôi qua, đúng như những gì tôi mong đợi, thầy dạy tôi cho tôi biết bao điều mới lạ. Làm sao tôi có thể quên những buổi sinh hoạt thầy hát cho cả lớp nghe, giọng thầy ấm áp đầy ắp những yêu thương. Rồi khi thầy đứng ra phân giải mấy đứa trong lớp đánh nhau, lúc đó thầy khác hẳn, sự nghiêm nghị và dứt khoát của thầy làm cho những mâu thuẫn bỗng chốc trở thành bài học quý báu về đối nhân xử thế trong đời. Nhưng với tôi, thầy đẹp nhất khi giảng bài, với hình ảnh của một người chèo đò cần mẫn, thầy mang đến cho chúng tôi con thuyền chở đầy những tri thức mới lạ. Ôi! Cái dáng người cao cao, một tay cầm quyển sách, một tay cầm phấn viết từng chữ từng chữ ngay ngắn thẳng hàng trên bảng sao mà giản dị và thiêng liêng đến thế. Những tháng ngày tươi đẹp ấy cứ thế trôi đi trong đôi mắt trong veo của cậu học trò nhỏ.

Nhưng tôi chỉ được học thầy đến hết lớp 3, sau đó, vì lý do gia đình nên gia đình tôi phải chuyển về một huyện nhỏ ở Hà Nội. Tôi buồn và nhớ lắm những giờ giảng của thầy, ánh mắt và lời khen khi tôi đạt được thành tích cao trong học tập. Giờ đây, tôi đã trở thành một sinh viên năm thứ nhất của trường Đại học sư phạm Hà Nội. Tôi lớn và trưởng thành hơn rất nhiều. Và hôm nay, tôi muốn quay trở về thăm lại trường cũ, trở về với cái nơi mà tôi bắt đầu những bước đi đầu tiên. Bắt xe về Thái Bình, tôi liền chạy thẳng tới ngôi trường cũ. Niềm vui sướng rộn ràng của đứa con trở về chưa thành thì tôi nhận được một cái tin như sét đánh ngang tai... thầy đã mất. Thầy mất đã được một tháng vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Trời đất như sụp đổ dưới chân, tôi khuỵu xuống. Những giọt nước mắt xót xa và ân hận từ từ lăn trên gò má. Tôi hận chính bản thân mình tại sao suốt ngần ấy năm không về thăm thầy lấy một lần, không viết cho thầy một lá thư để rồi giờ đây tất cả đã quá muộn màng, những kỉ niệm đẹp của tình thầy trò đã trôi vào dĩ vãng, thầy đã trở về với cát bụi. Con đã về rồi thầy ơi, ngôi trường xưa vẫn thế, vẫn lớp học kia, vẫn bộ bàn ghế ấy nhưng thầy đâu rồi? Bỗng một cơn gió thoảng qua, tôi nhớ lại lời thầy nói:

- Mỗi khi em cảm thấy buồn, hãy gửi lòng mình vào gió. Và gió sẽ mang những tâm sự của em đi xa.Tôi đứng dậy, nhìn thấy cơn gió làm xào xạc lá rụng khắp sân trường, làm tôi cứ ngờ thầy vẫn còn đây. Gió ơi, xin đừng phảng phất nơi này, hãy bay đi thật xa và nếu gió gặp thầy ở phương xa ấy thì hãy cho ta gửi lời ân tình: "Thầy ơi, con nhớ thầy nhiều lắm".

Đứa học sinh không dạy nổi

Tôi là một học sinh… không dạy nổi. Tất cả các thầy cô giáo đã dạy tôi đều nhận xét như vậy với ba mẹ tôi. Chưa có lớp học nào chịu thu nhận tôi quá một tháng. Mẹ tôi khóc. Bố thở dài: thằng này vậy là coi như xong...

Chuyển qua trường mới. Nhìn sơ qua học bạ, thầy hiệu trưởng đã muốn đuổi tôi đi nhưng nể tiếng ngoại tôi là giám đốc ty giáo dục cũ, thầy đành nhận. “Tôi sẽ xếp em vào lớp thầy Tiến”.

Thầy dạy lớp tập hợp toàn học sinh cá biệt của trường. Ngày đầu tiên vào lớp, bố đích thân dẫn tôi đến “trao tận tay thầy”. Tôi lén quan sát “đối thủ” của mình. Thầy gầy gò, mang cặp kính gọng đen nặng trịch, mắt nhướng lên nhìn sát mặt tôi “A, con trai, để xem thầy làm được gì cho con không, khá đây”. Thầy xếp tôi ngồi với một con nhóc tóc tém mặt mũi lanh lẹ. Nó khẽ hích vào vai tôi giành chỗ ngồi rộng hơn. Tôi đành chịu vậy, chưa bao giờ tôi đánh con gái cả. Thầy thắng tôi 1-0 rồi.

“Thầy biết tại sao em dây mực vào áo bạn”, thầy nói với tôi khi Tú còm mếu máo mách chuyện. Sao ông ấy lại biết nhỉ? Mình đã khai gì đâu. Trước đây, mỗi lần tôi dây mực vào hầu hết các trò trong lớp các cô đều hỏi tại sao, các thầy thì ngay lập tức thi hành hình phạt. Bao giờ tôi cũng bịa ra một chuyện mà mình là nạn nhân. Tôi mặc sức bịa dù chẳng ai tin. Tôi cũng chẳng quan tâm hình phạt là gì và có ai tin hay không. Vậy mà hôm nay thầy bảo là thầy biết. Ngạc nhiên hơn là thầy chẳng phạt tôi gì cả. Thầy chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi: “Lần sau em nhớ cẩn thận hơn”. Mấy hôm sau nữa tôi lại vẩy mực lên áo 3 nạn nhân nữa. Thầy vẫn bảo biết rồi và không phạt. Tôi đâm chán trò vẩy mực cũ rích chẳng ấn tượng này.

Thời ấy chúng tôi đứa nào cũng mang kè kè tấm bảng và mấy mẩu phấn. Ra chơi, tôi gom hết phấn ném vào lũ con gái nhảy dây trước sân. Hết buổi học tôi xô lũ bạn ngã dúi dụi, chạy ngay ra cổng trước. Đứa nào xấu số đi qua chỗ tôi đều bị tịch thu hết phấn thừa. Hôm sau thầy gọi tôi lên phòng họp. Thầy mở tủ ra, ấn vào tay tôi hộp phấn to đùng mà không nói gì. Tôi xấu hổ quay mặt đi tránh ánh nhìn của thầy. Tôi nhớ mình đã lì mặt ra như thế nào khi cô giáo cũ mắng tôi, hôm sau tôi càng lấy phấn nhiều hơn nữa. Vậy mà khi cầm hộp phấn thầy cho trong tay, tôi thấy xấu hổ quá chừng. Ôm hộp phấn lên trả cho thầy, tôi lí nhí: “Lần sau em không làm thế nữa”. Thầy mỉm cười bảo: “Em ngoan lắm!”.

Lần đầu tiên tôi được người lớn khen ngoan. Tôi nằm nghĩ cả đêm. Từ nay mình sẽ ngoan mãi, để không ai mắng mình nữa.

Nhưng ngoan chưa chắc đã giỏi. Quả thật tôi đúng với trường hợp ấy. Tôi có thể bắn bi, chơi bắn bàng cả ngày không chán. Nhưng hễ cứ ngồi vào bàn học là tôi chán ngay. Ba mẹ có đánh, có mắng thế nào cũng chịu. Môn toán còn đỡ, có tí gì dính đến văn chương là tôi mù tịt.

Vào học được một tháng, tôi thấy thầy đạp xe qua nhà. Chiếc xe của thầy chẳng biết trước đây sơn màu gì, giờ chỉ còn trơ ra màu gỉ sét xấu xí. Thầy vào nhà, ba mẹ tôi đều đi vắng cả. Ngó qua căn nhà tồi tàn của tôi, thầy hẹn ngày mai quay lại. Tôi lo hết cả một ngày. Chẳng biết mình làm gì sai. Hôm sau thầy đến. Thầy đứng luôn ngoài sân “bàn chuyện” với ba tôi.

Thầy bảo cần một người đọc và ghi chép lại tài liệu giúp thầy. Nhất thiết phải là chữ trẻ con. Thầy đang nghiên cứu gì đó. Ba mẹ tôi mừng rỡ vì không phải khản cổ quản tôi nửa ngày không đến trường. Tôi vùng vằng mãi mới chịu đến nhà thầy. Thầy ở một mình. Ngoài giá sách ra cũng chẳng có gì đáng giá. Mỗi ngày một buổi, tôi gò lưng ghi chép lại những gì đọc được.

Thầy bắt tôi viết những dòng cảm nhận ngắn sau mỗi tác phẩm. Sau đó tôi đọc to lên và thầy chỉnh sửa những điều tôi nghĩ lệch lạc, thêm vào một số ý. Thỉnh thoảng thầy bảo tôi dừng ghi, chuyển qua tính toán giúp thầy vài việc. Tôi về nhà cố luyện cách tính toán sao cho nhanh nhất để không bị mất mặt trước thầy. Dần dần, kiến thức “tự nhiên” đến với tôi lúc nào không biết. Lần đầu tiên cầm tờ giấy khen của tôi trên tay, mẹ tôi đã khóc, khóc to hơn lúc tôi bị đuổi học. Ba tôi thì chẳng nói gì, chỉ gật gù cười.

Năm học qua đi nhanh chóng. Tôi nghỉ hè vẫn không quên đọc và ghi chép lại một chồng sách cao ngất ngưởng thầy giao trước khi nghỉ học. Ngày khai trường, tôi tìm mãi vẫn không thấy thầy đâu. Linh tính điều không hay, tôi bỏ cả buổi lễ chạy đến nhà thầy. Căn nhà trống hoác. Bác hàng xóm nghe chó sủa ran chạy sang xem xét. “Cậu là Phong hử?”. “Dạ”. “Thầy Tiến gửi cái này cho cậu. Thầy ấy bảo chuyển vào Nam ở với con trai”. Tôi vội vàng mở ra, bức thư rất ngắn. “Thầy mong em cố gắng học thật tốt. Em luôn là học trò ngoan của thầy”.

Mười năm qua đi, tôi mới hiểu hết những gì thầy muốn nhắn. Có những điều không hay nhưng không thể thay đổi bằng sự giận dữ. Tình yêu thương và sự sáng tạo mới là thứ giúp bạn thay đổi mình, thay đổi mọi người.

Cảm ơn thầy với phương pháp dạy đặc biệt đã giúp em trưởng thành. Cám ơn Thầy của em!

Xem thêm:
25 bài thơ lục bát về thầy cô giáo và mái trường ngắn hay nhất
40 bài thơ về thầy cô giáo, chùm thơ hay nói về thầy cô mái trường
86 câu nói, châm ngôn, danh ngôn về giáo dục hay và ý nghĩa nhất

Chuyến về thăm trường xưa

Đúng là thời gian trôi qua chẳng chờ đợi ai bao giờ, mới ngày nào còn là một học sinh lớp 7 ngây ngô, bỡ ngỡ, hồn nhiên trong sáng, ấy vậy mà sau 20 năm đã trở thành một người trưởng thành tất bật với bao bộn bề của cuộc sống. Tôi tìm về mái trường xưa đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường, bao cảm xúc ùa về như một làn gió mát thổi qua tâm hồn tôi. 

Mái trường Minh Khai đã có nhiều đổi thay khác xưa so với ngôi trường cách đây 20 năm, mọi thứ được nâng cấp, sửa sang, mở rộng và kiến thiết đẹp hơn xưa rất nhiều. Đứng trước sân trường tôi nhìn cánh cổng to cao biển tên đẹp đẽ nhớ về cánh cổng bé hẹp mỗi giờ tan học chen nhau đi qua rồi chợt mỉm cười. Chỉ còn những bóng cây xà cừ đã trở thành cây cổ thụ bao bọc ôm trọn cả sân trường, ngày trước những gốc cây chỉ chưa bằng một vòng tay mà giờ phải hai người ôm mới hết. Các dãy nhà được sơn sửa khang trang, sạch đẹp như vừa mới xây, và có thêm cả phòng thí nghiệm, phòng thực hành, trình chiếu. Dịp kỉ niệm 50 năm thành lập trường được tổ chức rất hoành tráng, cờ hoa và bóng bay rực rỡ khắp trường, mọi học sinh đều tụ hội về như một lời tri ân với mái trường đã rèn giũa chính mình nên người. Gặp lại bạn bè tôi rất vui, ai cũng đều đã thành đạt, công việc ổn định, nhiều bạn đã lập gia đình và mang cả con đi trông rất hạnh phúc. Những thầy cô sau 20 năm gặp lại đã già đi trông thấy, đặc biệt cô giáo chủ nhiệm lớp 9 vẫn nhớ tôi, còn hỏi tình hình công việc hiện nay. 

Chuyến về thăm trường xưa đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, tôi như được sống lại những năm tháng học trò với những trang sách, bài thi. Thời gian có trôi đi nhưng những gì là kỉ niệm của tôi dưới mái trường này sẽ mãi mãi còn ở lại. 

Kỷ niệm về thầy cô nhân dịp 20/11

Dòng thời gian cứ thế trôi. Thấm thoắt đã hai mươi năm tôi tốt nghiệp cấp 3. Hôm nay, nhân dịp kỉ niệm 20 năm ngày ra trường, tôi có dịp về thăm ngôi trường cấp 2 xưa. Và đặc biệt vô cùng bởi nó diễn ra sau lễ tổ chức ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Tôi cũng có dịp chứng kiến những đổi thay của ngôi trường và đặc biệt được gặp gỡ thầy cô từng dìu dắt tôi khi xưa.

Ngôi trường ngày 20 tháng 11 thật náo nức và rộn rã với những tiếng nói tiếng cười. Tôi bước vào cổng trường mà cứ ngỡ mình đến một nơi nào xa lạ. Hai mươi năm rồi tôi chưa có dịp về thăm ngôi trường xưa. Ngôi trường đã thay đổi rất nhiều. Những căn nhà cũ nay được sơn lại khang trang rộng rãi. Bên cạnh đó, còn thêm nhiều tòa nhà được xây dựng phục vụ nhu cầu học tập của các bạn học sinh. Nhưng có một thứ vẫn còn mãi, đó là cái hồ nhỏ trước tòa hiệu bộ. Hồ nước trong veo với những hoa sen, hoa súng vô cùng đẹp mắt. Chúng làm tôi nhớ về những ngày tháng bạn bè nô đùa và không ít người chơi dại đẩy nhau xuống hồ  vì hồ khá nông. Không biết có cô cậu học trò nào nghịch ngợm như thế hệ chúng tôi.

Mải chìm trong dòng suy nghĩ, tôi thấy bóng một ai đó quen thật quen. Tôi bước nhanh xuống gọi cô cô ơi. Mái tóc bạc hay những nếp nhăn không khiến tôi quên cô. Cô là cô Dung dạy Sinh, người đã dìu dắt tôi ôn đội tuyển trong những năm cuối cấp và ít nhất cô đã giúp một đứa mờ nhạt như tôi có được chút thành tựu dưới mái trường. Ngỡ ngàng trong cảm xúc nên tôi chỉ mải nhìn cô. Dường như cô cũng đang đắm chìm trong suy nghĩ để xem đây là học trò nào của mình. Thầy cô của chúng ta đã dìu dắt bao thế hệ học trò và đôi khi thật khó để thầy cô phải ôm trọn vẹn kí ức. Còn với tôi, cô của tuổi U50 vẫn mãi trẻ trung như ngày nào. Háo hức vô cùng tôi nói: Em- Hoa đây cô, em khóa 2006 được cô ôn thi rồi bám rễ ở nhà cô suýt thì chuyển tới nhà cô ở đó! Dường như nhắc về điều đó, là nhắc đến kỉ niệm và gương mặt cô nở một nụ cười thật tươi.

Hai cô trò dẫn nhau về ghế đá ngồi. Thật tình cờ là đây cũng là vị trí mà xưa kia cô hay giảng bài cho tôi do sự đột xuất, bất thình lình khi câu hỏi của học sinh ùa đến. Hai mươi năm rồi chẳng còn bài vở gì cả, chỉ có những câu chuyện về thời gian, về công việc là không bao giờ chấm dứt. Cô hỏi tôi về công việc, cuộc sống, nhưng  cũng không thể ngăn được khả năng tán dóc quá độ của tôi dù bao nhiêu năm qua đi. Còn tôi thì được cô tỉ tê kể cho nghe đủ thứ chuyện về gia đình, về trường học, về những thầy cô năm xưa. Tôi làm cô chưa thể trở về nhà nghỉ ngơi mà chỉ bận mở trang kí ức. Hai mươi năm rồi vẫn là cô và tôi ngồi đây, nhưng bài học của bây giờ là bài học của tình cảm mà cô gửi đến tôi.

Tôi chưa bao giờ thấy mình đã vô tâm như vậy, vô tâm vì trong những năm trước đó đã chỉ mải mê với cuộc sống bề bộn ngoài kia mà quên đi những yêu thương được trao bởi thầy cô. Giọng nói, ánh nhìn và cả những câu chuyện của cô, tất cả đều khiến tôi chìm mình trong cảm xúc.

Đến lúc phải chia tay cô, tôi đã ôm cô thật  chặt. Xưa là cô ôm tôi để động viên, còn tôi ôm cô để tạm biệt, để cảm ơn và gửi gắm yêu thương. Cũng thật đáng trách vì tôi đã quên một bó hoa đẹp để dành cho người thầy xinh đẹp của mình trong một ngày đặc biệt. Nhưng tôi hiểu, với thầy cô, bó hoa, món quà đẹp nhất là những thành tựu của học trò.

Ngày nhà giáo có lẽ không chỉ là ngày của riêng giáo viên. Khi tờ lịch chuyển đến 20/11, lòng tôi lại hiểu đây là ngày của yêu thương và của kí ức. Sẽ có bao dịp 20/11 rồi hai mươi năm như vậy để tôi thăm lại trường xưa? Để tôi được tiếp tục làm đứa trẻ bên thầy cô yêu thương?

Bài học về lỗi lầm và sự bao dung

“Đại dương lớn bởi dung nạp trăm sông, con người lớn bởi rộng lòng bao dung cả những điều lầm lỗi”. Đó là bài học đầu tiên tôi học được từ cô giáo của mình và cho đến tận bây giờ, những kỉ niệm yêu thương về cô giáo đầu tiên vẫn còn in đậm trong tâm trí của tôi!

Ngày ấy tôi mới vào học lớp 1. Cô giáo của tôi cao, gầy, mái tóc không mướt xanh mà lốm đốm nhiều sợi bạc, cô ăn mặc giản dị nhưng lịch thiệp, ấn tượng nhất ở cô là đôi mắt sáng,nghiêm nghị mà dịu dàng. Cái nhìn vừa yêu thương vừa như dò hỏi của cô cho đến bây giờ tôi vẫn chẳng thể nào quên…

Hôm ấy là ngày thứ 7. Mai có một chiếc bút máy mới màu trắng sọc vàng với hàng chữ “My pen” lấp lánh và những bông hoa nhỏ xíu tinh xảo ẩn nấp kín đáo mà duyên dáng ở cổ bút. Tôi nhìn cây bút một cách thèm thuồng, thầm ao ­ước được cầm nó trong tay…

Đến giờ ra chơi, tôi một mình coi lớp, không thể cưỡng lại ý thích của mình, tôi mở cặp của Mai, ngắm nghía cây bút, đặt vào chỗ cũ rồi chẳng hiểu vì sao tôi bỗng không muốn trả lại nữa. Tôi muốn được nhìn thấy nó hàng ngày, được tự mình sở hữu nó, được thấy nó trong cặp của chính mình…

Hết giờ ra chơi, các bạn chạy vào lớp, Mai lập tức mở cặp và khóc oà lên khi thấy chiếc bút đã không cánh mà bay! Cả lớp xôn xao, bạn thì lục tung sách vở, bạn lục ngăn bàn, có bạn bò cả xuống gầm bàn ngó nghiêng xem chiếc bút có bị rơi xuống đất không…Đúng lúc đó, cô giáo của chúng tôi vào lớp! Sau khi nghe bạn lớp trưởng báo cáo và nghe Mai kể chi tiết về chiếc bút: nào là nó màu gì, có chữ gì, có điểm gì đặc biệt, ai cho, để ở đâu, mất vào lúc nào…Cô yên lặng ngồi xuống ghế. Lớp trưởng nhanh nhảu đề nghị:

-Cô cho xét cặp lớp mình đi cô ạ!

Cô hình như không nghe thấy lời nó nói, chỉ chậm rãi hỏi:

-Ra chơi hôm nay ai ở lại coi lớp?

Cả lớp nhìn tôi, vài giọng nói đề nghị xét cặp của tôi, những cái nhìn dò hỏi, nghi ngờ, tôi thấy tay mình run bắn, mặt nóng ran như có trăm ngàn con kiến đang bò trên má. Cô giáo tôi nổi tiếng là nghiêm khắc nhất trường, chỉ một cái gật đầu của cô lúc này, cái cặp bé nhỏ của tôi sẽ được mở tung ra…Bạn bè sẽ thấy hết, sẽ chê cười, sẽ chẳng còn ai chơi cùng tôi nữa…Tôi sợ hãi, ân hận, xấu hổ, bẽ bàng…Tôi oà khóc, tôi muốn được xin lỗi cô và các bạn…Bỗng cô giáo của tôi yêu cầu cả lớp im lặng, cô hứa thứ hai sẽ giải quyết tiếp, giờ học lặng lẽ trôi qua...

Sáng thứ hai, sau giờ chào cờ, cô bước vào lớp,gật đầu ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Cô nhẹ nhàng đến bên Mai và bảo:

-Hôm thứ bảy bác bảo vệ có đưa cho cô cây bút và nói rằng bác nhặt được khi đi đóng khoá cửa lớp mình, có phải là cây bút của em không?

Mai cầm cây bút, nó sung sướng nhận là của mình, cô dặn dò cả lớp phải giữ gìn dụng cụ học tập cẩn thận, giờ học trôi qua êm ả, nhẹ nhàng…Ra chơi hôm ấy, các bạn lại ríu rít bên tôi như muốn bù lại sự lạnh nhạt hôm trước. Chỉ riêng tôi là biết rõ cây bút thật của Mai hiện ở nơi đâu…

Sau đó vài ngày cô có gặp riêng tôi, cô không trách móc cũng không giảng giải gì nhiều. Cô nhìn tôi bằng cái nhìn bao dung và thông cảm, cô biết lỗi lầm của tôi chỉ là sự dại dột nhất thời nên đã có cách ứng xử riêng để giúp tôi không bị bạn bè khinh thường,coi rẻ…

Năm tháng qua đi, bí mật về cây bút vẫn chỉ có mình tôi và cô biết. Nhưng hôm nay, nhân ngày 20/11, tôi tự thấy mình đã đủ can đảm kể lại câu chuyện của chính mình như là một cách thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với người đã dạy tôi bài học về sự bao dung và cách ứng xử tế nhị trong cuộc sống.

Giờ đây tôi đã lớn,đã biết cân nhắc đúng sai trước mỗi việc mình làm, tôi vẫn nhớ về bài học thuở thiếu thời mà cô đã dạy: Bài học về lỗi lầm và sự bao dung! Và có lẽ trong suốt cả cuộc đời mình,tôi sẽ chẳng lúc nào nguôi nỗi nhớ về cô như nhớ về MỘT CON NGƯỜI CÓ TẤM LÒNG CAO CẢ!

Truyện ngắn về thầy cô ngắn nhất

Trong những ngày của tháng 11 với nhiều cảm xúc dâng trào về một ngày lễ đặc biệt ý nghĩa dành cho tất cả những người thầy cô giáo. Một số câu chuyện ngắn 100 chữ về về cô 20/11 dưới đây sẽ giúp chúng ta càng yêu quý, kính trọng hơn những người lái đò đã đưa chúng ta cập bến bờ tri thức.

Truyện ngắn về thầy cô 2

Truyện ngắn về thầy cô giáo: Chuyện cũ

Tặng những ai còn trên bục giảng

Ngày 20. l l, tôi gặp tại một học trò cũ, em kể: Hồi học với cô, mẹ em bị bệnh nan y, em phải lo cho sáu em nhỏ, đêm đi học, ngày đi làm, chiều nào cũng chạy đến trường, có nhiều hôm phải mặc áo lót còn ướt, lạnh mà vẫn mong gió nhiều, muộn mà vẫn muốn đường dài, để đến lớp áo kịp khô... Nhớ những lúc bị tôi nêu tên trước lớp vì quá lười, em chỉ cúi đầu, nước mắt rơi lã chã xuống bàn... Lòng tôi tràn đầy hối hận. Tôi muốn hỏi: - “Sao ngày xưa em không nói?”. Nhưng tôi chợt nhớ: ngày xưa tôi chưa bao giờ hỏi.

(B.P.M)

Truyện ngắn về thầy cô 20/11: Nét chữ ngày xưa

Năm tôi lên 6 tuổi, ngoại cầm tay tôi tô những nét chữ đầu tiên, từ cỡ chữ 1 ly đến 4 ly, các kiểu chữ hoa…. Từ cái bút chì Gilbert được gọt nhọn, ruột chì vừa đen vừa mềm đến cái bút mực ngòi lá lúa, ngòi rộng nét thanh nét đậm được cắm chặt nơi đầu quản bút bằng giấy do chính tay ngoại xé rất chặt. Hơi thở của ngoại nhè nhẹ bên tai mỗi lần tôi tập viết.

Nhớ một lần đi học về, thấy vở tôi chữ viết không đều, ngoại bắt tôi viết lại ba lần sau khi đã ngửa bàn tay phải lãnh đủ 3 roi đũa cả.

Nghĩ đến lũ trẻ bây giờ mà buồn: bút đủ loại đắt tiền, toàn đồ ngoại. Vậy mà càng lớn, chữ càng xấu.

(Đoàn Ngọc Toại)

Truyện ngắn về thầy cô 100 chữ: Lời hứa

Tôi làm nghề dạy học. Dường như lúc nào tôi cũng bảo học trò của mình: Các em không được nói dối. Lúc nào cũng phải trung thực. Cô không thích ai thất hứa... . Một hôm cậu học trò nhỏ nhất đứng dậy hỏi:

- Cô đã bao giờ thất hứa chưa?

Tự nhiên nước mắt tôi chảy đầy hai má. Ngày xưa tôi từng hứa với mẹ Học xong con sẽ về quê... Vậy mà cuộc sống phố thị đã cuốn hút tôi ở lại. Lời hứa năm xưa tôi đã quên mất. Quê nhà mẹ vẫn mỏi mắt ngóng trông.

(Trần Thị Loát)

Câu chuyện ngắn về thầy cô: Tôn sư trọng đạo

Ông nội tôi là cụ đồ nho, quanh năm quần ta, guốc mộc. Tết nào học trò cũng đến. Ông mất, họ khóc suốt đêm.

Bố tôi là thầy giáo thời trước giải phóng; sau này, về làm ruộng, chân lấm tay bùn. Vài học trò cũ có dịp gặp, cúi đầu:

-Con chào thầy, lễ phép.

Tôi là giáo viên thời bao cấp, dép Lào, áo lính; một buổi lên lớp, một buổi bán kem cây. Học trò vẫn chào thầy kính cẩn. Gẫm lại ba đời thầy, tôi thấy phảng phất đâu đây lời tôn sư trọng đạo

(Phạm Quốc)

Truyện ngắn: Học

Năm hai mươi, tôi theo đàn anh lớn hơn mình năm hoặc mười tuổi, để học hỏi sự thông minh, hiểu biết...

Năm bốn mươi, tôi cũng theo đàn anh lớn hơn mình năm hoặc mười tuổi, để học hỏi kinh nghiệm, từng trải...

Năm sáu mươi, tôi quay ngược lại theo tuổi trẻ hai mươi, để học hỏi sự nhanh nhẹn, tháo vát... Học lại từ đầu.

(Lê Đức Quang)

Truyện ngắn tri ân thầy cô 100 chữ: Ơn cô

Ngày trước, tôi là người rất lười học và thường xuyên bỏ tiết. Một lần, vào giờ văn của cô giáo Thủy, tôi vẫn không thuộc bài như bao lần. Cô không đánh, không quát mà ân cần chỉ dạy và giảng lại bài cho tôi. Từ đó, tôi có niềm đam mê với con chữ và theo đuổi ước mơ nhà báo cho đến thời điểm hiện tại.

Top 20+ mẫu truyện ngắn hay tri ân thầy cô ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 5

Câu chuyện ngắn về thầy cô - Ký ức

Con còn nhớ rõ hình bóng thầy trên bục giảng năm ấy. Mái tóc pha hơi sương, chiếc cặp sách cũ, nụ cười hằn những vết chân chim đượm màu thời gian đã theo chúng con đi hết những năm tháng cuối của thuở học trò có lớn mà không có khôn.

Bụi phấn rơi rơi theo từng dòng thầy viết, rơi vào cả tâm hồn non nớt của chúng con những bài học về cuộc đời.

Thuở ấy, chúng con nào biết làm người phải có lấy một ước mơ, dù giản dị, nhỏ nhoi hay cao sang to lớn. Chiếc bảng đen, từng trang giấy trắng, những lời giảng dạy của thầy chính là đoạn đường dài dẫn chúng con với những ước mơ đầu tiên ấy!

Top 20+ mẫu truyện ngắn hay tri ân thầy cô ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 6

Truyện ngắn 20/11: Công ơn của thầy

Nó sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám có ý định cho con vào đại học. Bố mẹ nó cũng vậy, một phần vì quá nghèo và một phần vì nghĩ đến điều kiện của của con mình “làm sao mà có thể giỏi bằng con nhà người ta”… Lúc đó thầy là người duy nhất ủng hộ nó, tiếp thêm niềm tin cho nó rằng “mình có thể”.

Câu chuyện ngắn 20/11: Bài học từ cô giáo thể dục

Tôi từng rất sợ học môn thể dục vì sức khỏe kém hơn so với bạn bè. Tuy nhiên, cô giáo dạy thể dục đã động viên tôi rằng: "Không quan trọng em giỏi bao nhiêu, điều quan trọng là em đã cố gắng như thế nào".

Lời nói này của cô đã mang đến cho tôi thêm nhiều động lực và sức mạnh. Ngay trong buổi thi chạy hôm ấy, mặc dù không đạt kết quả cao nhưng tôi vẫn cảm thấy rất biết ơn vì mình đã hoàn thành bài thi mà không bỏ cuộc giữa chừng như thường lệ.

Truyện ngắn về thầy cô nhân ngày 20/11: Bài thơ hóa học

Thời còn đi học, hóa là môn tôi yếu nhất và thậm chí còn không thể nhớ nổi tên các chất. Sau nhiều lần bị điểm 0, cô giáo đã tặng cho tôi một bài thơ có lồng các tên hóa chất cực kỳ dễ nhớ. Nhờ đó mà bảng điểm môn hóa của tôi dần được cải thiện. Sau này, dù đã ra trường nhưng khoảnh khắc quý giá ấy vẫn luôn hiện diện trong trái tim tôi.

Truyện ngắn về Người thầy thầm lặng

Lớp của tôi có một bạn học yếu và thường tự ti vì điểm kém. Thầy chủ nhiệm thấy vậy nên đã lặng lẽ gọi bạn ở lại sau giờ học để chỉ cho bạn từng phép tính, câu hỏi chưa hiểu. Sau một thời gian, ánh mắt dè dặt ngày nào đã dần trở nên tự tin hơn với những con điểm tiến bộ từng ngày.

Câu chuyện ngắn: Ơn cô

Trước đây, tôi là một đứa rất ngỗ nghịch, lười học và thường xuyên trốn tiết. Trong một giờ văn của cô Thủy, tôi lại tiếp tục không thuộc bài như mọi lần.

Tuy nhiên, thay vì trách mắng thì cô lại nhẹ nhàng giảng dạy và tận tình chỉ bảo. Có lẽ, chính sự ân cần ấy đã khơi dậy trong tôi tình yêu mãnh liệt với con chữ và trở thành một nhà báo như hiện tại.

Truyện ngắn ngày 20/11: Niềm tin của thầy

Tôi sinh ra trong gia đình nghèo đông anh em tại một vùng quê còn nhiều khốn khó. Ở nơi đó, chuyện học đại học được xem là một điều xa xỉ.

Một phần vì gia cảnh, phần còn lại vì bố mẹ cho rằng tôi không thể nào giỏi bằng "con nhà người ta". Tuy nhiên, chỉ có thầy là người duy nhất ủng hộ và khẳng định tôi hoàn toàn có thể.

Câu chuyện nói về thầy cô: Chiếc bút chì nhỏ

Khi mới bắt đầu học viết chữ, tôi thường hay viết sai và thường bị bạn bè trêu chọc. Lúc ấy, cô giáo đã tặng cho tôi một chiếc bút chì và nói: "Em biết không, bút chì có tẩy ở cuối để ai cũng có thể dễ dàng sửa lỗi của mình". Chính lời nói ấy đã giúp tôi thêm tự tin hơn, không còn sợ mắc lỗi và luôn cố gắng hoàn thiện mình.

Truyện về thầy cô nhân ngày 20/11: Bài học về lòng dũng cảm

Trong một tiết học, cô giáo hỏi cả lớp: "Ai sẽ xung phong lên bảng giải bài?". Ban đầu, ai trong lớp cũng ngại ngùng và không dám dơ tay. Tuy nhiên cô lại nói: "Dũng cảm là dám thử và không sợ sai". Nghe vậy, tôi và các bạn khác đã mạnh dạn lên bảng làm bài dù chưa chắc chắn. Nhưng tôi đã học được rằng dũng cảm chính là thứ đầu tiên mà bạn cần có để thành công.

Truyện ngắn về 20/11: Sự kiên trì của thầy

Thầy giáo dạy toán của chúng tôi là một người rất kiên nhẫn. Trong một lần, tôi gặp phải bài toán giải mãi không ra, thầy không hề trách mà chỉ mỉm cười: "Không sao, em hãy thử lại từng bước nhé". Chính sự kiên nhẫn của thầy giúp tôi hiểu rằng, chỉ cần cố gắng không bỏ cuộc thì bản thân mình sẽ làm được.

Truyện cười ngắn 20/11

Hòa cùng không khí của ngày lễ Nhà giáo Việt Nam sắp đến,  xin gửi đến bạn một số truyện cười ngắn về thầy cô nhân ngày 20/11, để thông qua những câu chuyện ấy chúng ta càng thêm trân quý những người lái đò thầm lặng đã dâng hết trí tuệ và sức lực cho thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước.

Truyện ngắn về thầy cô 3

Truyện cười ngắn về thầy cô: Thầy giáo pro

Thầy giáo bước vào lớp. Quần áo xộc xệch. Mặt hằm hằm. Cả lớp lo lắng. Vào cửa lớp, thầy rút chiếc dép phải ném bay vù xuống góc trái cuối lớp.

Cả lớp sợ. Thầy rút tiếp chiếc dép trái ra ném. Dép bay vèo xuống góc phải của lớp.

Cả lớp run. Tiến lại gần bảng, thầy hỏi:

- Thế nào? Các cô, các cậu có sợ không, hả?

- Cả lớp đồng thanh: Thưa thầy... sợ, sợ lắm ạ!

- Thế vẫn chưa sợ bằng đại chiến thế giới lần thứ hai. Các em lấy bút, vở ra học bài mới: “Đại chiến Thế Giới lần thứ 2”.

Truyện cười về thầy cô ngắn: Đến thầy cũng phải điên

Thầy giáo: Em hãy cho biết Mặt Trăng xa hơn hay Mặt Trời xa hơn?

Học sinh: Mặt Trời xa hơn ạ.

Thầy giáo: Vì sao?

Học sinh: Vì sao của Khởi My ạ

Thầy giáo: Không, tại sao?

Học sinh: Tại sao của Ưng Hoàng Phúc ạ!

Thầy giáo: Không, ý thầy là Why đó!

Học sinh: Why? À! Why của DBSK .

Thầy giáo: Trời ơi! Tôi phải làm thế nào?

Truyện cười ngắn 20/11: Giáo viên đau đầu với bài văn dự đoán tương lai của học trò

Trong một kỳ thi vượt cấp, cô giáo nói với học sinh:

- Đề bài văn của các em hôm nay là: “Em hãy tả hoặc viết về khả năng đặc biệt của em mà em cho là tuyệt nhất”.

Học sinh liền cắm cúi làm bài. Sau 5 phút, Tèo lên nộp bài với nội dung: “Em có khả năng là đoán trước được tương lai, em đoán là kỳ thi này em sẽ trượt”.

Cô giáo nhận được bài của Tèo xong liền hỏi:

- Tèo! Bài làm của em có vậy thôi sao?

- Tèo liền gật đầu: Vâng, thưa cô!

Sáng hôm sau, cô giáo liền lên văn phòng tìm gặp thầy hiệu trưởng, rồi cô hỏi:

- Thầy đã xem bài làm của học trò Tèo chưa ạ?

Thầy hiệu trưởng thở dài đáp:

- Rồi cô ạ! Nhưng tôi chả biết chấm điểm như thế nào cả. Nếu như cho Tèo trượt thì không được bởi bài văn của em ấy đúng, mà bài văn đúng thì phải cho em ấy đỗ. Mà cho em ấy đỗ thì bài văn của em ấy sai, một bài văn sai thì làm sao cho đỗ được. Thật là tiến thoái lưỡng nan. Giờ tôi chả biết làm như thế nào cả cô ạ! Tôi đau đầu hôm qua đến giờ vì việc này đây.

Cô giáo nghe xong cũng chóng mặt.

Truyện cười ngắn hay 20/11: Cách vào đề bá đạo của thầy giáo

Đầu giờ toán, thầy giáo ra một câu đố dành cho cả lớp.

Thầy giáo: Thầy hỏi các em: “Ăn cắp nhạc thì gọi là gì?”.

Học sinh: Thưa thầy là đạo nhạc ạ!

Thầy giáo: Thế ăn cắp ý tưởng là gì?

Học sinh: Là đạo ý tưởng ạ!

Thầy giáo: Ăn cắp thơ gọi là gì?

Học sinh: Là đạo thơ ạ!

Thầy giáo: Vậy còn ăn cắp răng là gì?

Học sinh ngơ ngác nhìn nhau...

Thầy giáo: Các em mở sách, hôm nay chúng ta sẽ học ... “đạo hàm”.

Truyện cười ngắn vui về thầy cô: Bài văn tủ

Cô giáo cho học sinh tả về con vật mình yêu thích nhất. Cu Bin 7 tuổi về bắt một con rận nghiên cứu và tả rất chi tiết, tất nhiên là cô giáo không hài lòng và bắt cậu làm lại bài văn là hãy tả con chó nhà em.

Cu Bin làm bài văn như sau: “Nhà em có một con chó, con chó có nhiều lông, đã nhiều lông thì ắt phải có rận, sau đây em xin tả con rận: ...”, rồi cậu lại bắt đầu tả con rận.

Cô giáo đọc bài văn, rất bực mình, liền bắt cu Bin làm lại lần nữa, lần này là tả con cá.

Hôm sau cu Bin nộp bài như sau: “Nhà em có một con cá, con cá sống dưới nước nên nó có nhiều vảy. Nếu nó sống trên cạn chắc hẳn nó sẽ có nhiều lông, đã nhiều lông thì phải có rận, sau đây em xin tả con rận:....”.

Truyện cười ngắn về thầy cô dưới 100 chữ: Ngắm biển

Trong giờ địa lý, thấy Tí ngồi không chú ý bài.

- Cô giáo: Tí! Hãy cho cô biết biển là gì?

- Tí (giật mình): Thưa cô! “Biển” là bài thơ của Xuân Diệu ạ!

- Cô giáo: “Nín lặng”

Truyện ngắn hài hước về 20/11: Dùng phao

Bị đứng phạt vì dùng "phao" trong giờ kiểm tra, Tú không kiềm được bức xúc mà hỏi cô giáo:

- Thưa cô, thầy cô là "người lái đò" đúng không ạ?

Khi đó, cô giáo liền quay sang và nhẹ nhàng đáp:

- Đúng rồi, sao em lại hỏi vậy?

Lúc này, Tú mới gãi đầu và bày vẻ oan ức:

- Thế có “người lái đò” thật nào lại cấm học sinh dùng "phao" vậy ạ?

Truyện cười ngắn về 20/11: Tính chất của vàng

Trong giờ thực hành môn hóa, thầy giáo đang giảng về các tính chất của vàng: "Vàng có vẻ ngoài sáng bóng, đồng thời có khả năng dẫn nhiệt và dẫn điện tốt. Vậy ai cho thầy biết còn tính chất nào mà thầy chưa nhắc đến không?".

Khi thấy Minh đang có vẻ ngủ gật, thầy liền bất ngờ gọi: "Minh, em nói cho thầy biết vàng còn tính chất nào nữa?". Trong cơn buồn ngủ, Minh ngơ ngác đáp:

- Dạ, vàng còn dễ bay hơi nữa ạ!

- Tại sao lại nói như vậy?

- Dạ chắc, nếu không tin thì thầy cứ lấy cục vàng bỏ ra ngoài đường xem, đảm bảo "bay" ngay lập tức.

Truyện ngắn về thầy cô viết báo tường

Để một tờ báo tường trở nên đặc sắc và ấn tượng hơn, chắc chắn không thể thiếu những mẫu truyện ngắn về thầy cô, mái trường, bè bạn… Vậy nếu bạn đang muốn tìm một truyện ngắn về thầy cô để làm báo tường thì tham khảo nhanh những mẩu truyện ý nghĩa dưới đây nhé!

Truyện ngắn về thầy cô 4

Truyện ngắn báo tường 20/11

Khi còn là một cậu học sinh, bố mẹ luôn muốn tôi phải theo các ngành khoa học mặc dù tôi muốn theo học ngành thương mại. Hóa học luôn là môn học tôi yếu nhất. Tôi không thể nhớ tên của các chất hóa học. Và rồi sau một vài bài kiểm tra trên lớp bị điểm 0, cô giáo gọi tôi lên văn phòng của cô và đưa cho tôi một bài thơ viết tên các chất hóa học trong bảng tuần hoàn. Giờ đây khi đã trưởng thành nhưng tôi vẫn nhớ mãi giây phút đó, sự thành công ngày hôm nay luôn có hình bóng của cô.

Truyện ngắn về thầy cô báo tường: Có một người thầy dạy tôi như thế

Trò yêu Thầy bởi những bài học mà Thầy đã truyền tải trong mỗi giờ học. Qua những áng văn, những vần thơ, thầy đã cho trò biết hiểu đời, hiểu người, hiểu chính mình và biết sống đẹp hơn. Giọng Thầy ấm áp, nồng đượm, cách giảng bài rất duyên của thầy đã khiến mỗi giờ văn bỗng trở nên thú vị hơn. Tất cả các trò dường như bị lôi cuốn, hút mình vào bể kiến thức vô tận của Thầy. Trò thực sự ngưỡng mộ Thầy và mong sao mình có thể lĩnh hội, tiếp nhận hết những gì mà Thầy đã truyền đạt.

Trò yêu Thầy bởi những tính cách rất đặc biệt của Thầy. Các bạn ai cũng bảo: “Thầy mình rất thích khoe”. Thầy khoe nhiều lắm, nhưng trò nhớ nhất là thầy hay khoe về những chị học trò cũ của Thầy vừa xinh, vừa giỏi, lại rất thành đạt. Ban đầu trò luôn khó chịu và thấy sao Thầy kiêu thế. Rồi trò chợt nhận ra, trong lời khoe đó ẩn chứa biết bao niềm vui, niềm tự hào về những thành quả mà Thầy đã vun đắp. Và trò biết rằng, Thầy muốn chính lời khoe đó sẽ trở thành nguồn động lực thôi thúc các trò cố gắng.

Trò yêu thầy bởi vóc dáng mang đầy chất nghệ sĩ của Thầy. Các chị khóa trước của thầy vẫn bảo Thầy rất có duyên, trò cũng thấy thế. Đến bây giờ trò vẫn không quên được ngày đầu tiên thầy bước vào lớp với mái tóc hơi dài, trên đầu đội một chiếc mũ nồi, trông thầy thật nghệ sĩ. Và cả cặp kính thầy vẫn thường mang theo nữa. Trò thích được nhìn Thầy đeo cặp kích đó ngồi đọc sách, ánh mắt của thầy xa xăm và đăm chiêu đến khó tả. Có lẽ hình ảnh ấy của Thầy sẽ mãi đậm in và tươi nguyên trong ký ức của trò.

Truyện ngắn về thầy cô giáo: Người thầy và những tờ tiền cũ

900.000 đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.

Cuối cùng nó cũng đậu đại học. Người đầu tiên nó muốn thông báo tin quan trọng ấy không phải là ba hay mẹ nó mà là người thầy kính yêu của nó…

Nhà nó nghèo, lại đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học. Ba mẹ nó cũng vậy, phần vì quá nghèo, phần là vì nghĩ đến điều kiện của con mình “làm sao mà chọi với người ta”!… Thầy là người duy nhất ủng hộ nó, cho nó niềm tin rằng “mình có thể”.

Vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy nó… Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó.

Rồi thầy đến mang cho nó một lô sách, vở mà nó đoán là những bài học “nhân-lễ-nghĩa” của thầy, dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là “bí kíp” rồi dặn chỉ lúc nào khó khăn nhất mới được mở ra. Nó đã không “cảnh giác” thừa. Gói “bí kíp” mà lúc nhận từ tay thầy nó đã ngờ ngợ là một xấp những tờ tiền 10.000đ bọc trong hai lớp nilon cũ kỹ, những tờ tiền được vuốt phẳng phiu phần nhiều đã nhàu nát mà nó tin rằng thầy đã để dành từ lâu lắm! 900.000 đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.

Đã hai năm kể từ cái ngày thầy lặn lội lên Sài Gòn thăm nó, dúi vào tay nó những đồng 10.000 nhọc nhằn rồi lại vội vã trở về. Sau đó thầy chuyển công tác. Hai năm, thỉnh thoảng nó vẫn nhận được những đồng 10.000 của thầy (lạ thay, lại vào những lúc tưởng chừng như nó bế tắc nhất!)… Hai năm, nó vẫn chưa một lần về thăm thầy.

Trưa, mới đi học về, mẹ điện lên báo: “Thầy H. mất rồi!”. Nó chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: “Sao thầy mất?”, rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: “Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã…”.

Nó bỏ hết mọi sự leo lên xe đò. Trong cái nóng ban trưa hầm hập với cơn say xe mệt mỏi, nó thấy thầy hiền hậu đến bên nó, dúi vào đôi tay nóng hổi của nó những tờ 10.000 đồng lấp lánh… Đến bây giờ nó mới để ý thấy thầy đã xanh xao lắm, bàn tay tài hoa khéo léo ngày xưa đã gân guốc lên nhiều lắm… Nó chợt tỉnh, nước mắt lại lăn dài trên má, trái tim nó gào lên nức nở: “Thầy ơi… sao không đợi con về…!?”.

Vì nó cứ đinh ninh: nếu đổi những đồng 10.000 kia thành thuốc, thầy sẽ sống cho đến khi nó kịp trở về.

Truyện ngắn kể về thầy cô: Ông giáo và tách cafe

Một nhóm sinh viên giờ đã thành đạt trong công việc cùng nhau về thăm thầy giáo cũ. Cuộc nói chuyện nhanh chóng được chuyển sang những vấn đề trong cuộc sống và công việc…

Muốn mời những học trò cũ uống cà phê, ông giáo vào bếp và quay lại với rất nhiều cà phê đựng trong những chiếc cốc khác nhau: cái bằng sứ, cái bằng nhựa, cái bằng thuỷ tinh, cái bằng pha lê, một số trông rất đơn giản, số khác lại có vẻ đắt tiền, vài cái được chế tác rất tinh xảo…

Khi tất cả mọi người đều đã cầm cốc cà phê trong tay, ông giáo nhẹ nhàng lên tiếng: “Không biết các trò có chú ý không, nhưng những chiếc cốc trông đẹp đẽ, đắt tiền luôn được lựa chọn trước, để lại những cái trông đơn giản và rẻ tiền.

Mặc dù rất đơn giản và dễ hiểu khi các trò muốn điều tốt đẹp nhất cho bản thân nhưng đó cũng là nguồn gốc, nguyên nhân của mọi vấn đề căng thẳng của các trò.

Một điều chắc chắn rằng cái cốc không phải là thứ quyết định chất lượng của cà phê đựng bên trong. Một số trường hợp, nó chỉ đơn giản là cái vỏ đắt tiền hơn và một số khác thậm chí che giấu cái mà nó đang chứa đựng.

Điều các trò thực sự muốn là cà phê chứ không phải cái cốc, nhưng các trò vẫn có ý thức lựa chọn cái cốc tốt nhất. Sau đó các trò mới để mắt đến những cái cốc khác.

Cũng như vậy, cuộc sống của chúng ta là cà phê, công việc, tiền bạc và vị trí xã hội là những cái cốc. Chúng chẳng qua chỉ bao bọc lấy cuộc sống. Và loại cốc mà trò có không làm nên cũng như không thay đổi cuộc đời mà trò đang sống…”.

Đôi khi, chúng ta chỉ quan tâm đến cốc mà quên thưởng thức thứ cà phê ông trời đã ban tặng cho chúng ta. Người hạnh phúc nhất không phải là người có những thứ tốt nhất mà là người biết biến những thứ mình đang có thành thứ tốt nhất.

Xem thêm: 
70 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về thầy cô giáo hay nhất dạt dào ý nghĩa công ơn trồng người
15 bài thơ 20/11 tự sáng tác để tặng thầy cô đầy ý nghĩa
Bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng với thầy cô qua 20 lời chúc ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Truyện ngắn 20/11: Dù thầy không phải là cha

Hồi đó tôi chỉ là cậu bé 6 tuổi sống cùng cha mẹ ở Los Angeles. Cha tôi là thầy giáo, ông dạy môn văn tại một trường trung học.

Một buổi chiều cha trở về, mặt đầy phiền muộn. Ngồi vào bàn ăn ông chẳng nói lấy một câu, mẹ lựa lời hỏi: “Ở trường xảy ra chuyện à?”. Trầm ngâm một lúc, ông khẽ trả lời: “Cậu David ở lớp anh bị bắt vì mang cocain vào trường… Trước kia nó là một đứa ngoan, tại sao nay lại đổ đốn như vậy…”.  

Ghen tị vì bị người khác chia sẻ tình cảm nên tôi đã thốt ra một câu mà bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn hổ thẹn: “Anh ấy đâu phải là con của bố mà bố rầu rĩ thế?”. Ông quay sang nhìn tôi, ánh mắt thật nghiêm khắc: “Con không được nói như vậy… Bố thấy bất lực vì không làm tốt vai trò của mình, những điều tốt lành từ chữ nghĩa văn chương bố truyền thụ cho học sinh đã không có tác dụng…”.  

Rồi giọng ông trầm xuống như tự nói với bản thân: “David không còn mẹ, bố nó làm việc ở nước ngoài nên thỉnh thoảng mới ghé thăm con, nó thiếu tình thương… Năm nay là năm học cuối, không ai bảo lãnh, nó nguy mất…”. Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy ông đã đi rồi. Mẹ bảo: “Bố đến đồn cảnh sát”.

Năm năm sau cha bị tai nạn giao thông, ông ra đi không một lời trăn trối. Trong đám tang của ông có một người thanh niên lạ mặc bộ vest đen lịch sự. Anh nói lời chia buồn và tự giới thiệu với mẹ: “Em là David, học trò cũ của thầy George, em vừa từ New York bay về”. Tôi còn được biết David tốt nghiệp MIT hạng ưu và được tuyển dụng vào một công ty viễn thông lớn.

Truyện ngắn 20/11 ý nghĩa: Lời thầy dạy thuở ấy

Thầy dạy rằng trái tim không biết thứ tha là một trái tim đã chết, con người không biết tha thứ vẫn chỉ là gỗ đá mà thôi.

Gửi những người chèo đò mải miết giữa sông xưa.

Gửi thầy con, người mải miết chèo lái những dòng đời xuôi ngược…

Con còn nhớ rõ hình bóng thầy trên bục giảng năm ấy. Mái tóc pha hơi sương, chiếc cặp sách cũ, nụ cười hằn những vết chân chim đượm màu thời gian đã theo chúng con đi hết những năm tháng cuối của thuở học trò có lớn mà không có khôn…

Bụi phấn rơi rơi theo từng dòng thầy viết, rơi vào cả tâm hồn non nớt chúng con những bài học về cuộc đời. Thuở ấy, chúng con nào biết làm người phải có lấy một ước mơ, dù giản dị, nhỏ nhoi hay cao sang to lớn. Chiếc bảng đen, từng trang giấy trắng, những lời giảng dạy của Thầy chính là đoạn đường dài dẫn chúng con với những ước mơ đầu tiên ấy!

Top 20+ mẫu truyện ngắn hay tri ân thầy cô ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 2

Thuở ấy, chúng con nào biết cuộc đời chỉ có những bà tiên và ông bụt, rằng Lý Thông, mụ dì ghẻ, hay quỷ dữ chỉ có trong truyện mà thôi… Cuộc đời này vẫn luôn là bài một bài toán khó, mà đi hết cả quãng đường dài chúng ta mới nhận ra chẳng có lời giải nào tốt hơn ngoài hai từ “trải nghiệm”. Thầy dạy rằng bước vào đời chúng con cần có một đôi mắt sáng và một trái tim biết yêu thương, để đối tốt với những người ngay và tránh xa những toan tính, bon chen của những kẻ độc ác.

Thuở ấy, chúng con nào biết “tha thứ” là một động từ đẹp nhất chỉ sau “yêu”. Thầy dạy chúng con đừng quay lưng với những người đã nhận lỗi, đừng mang ngõ cụt đến cho những người đã biết mình sai, đừng nhẫn tâm với những người đã biết quay lại… Thầy dạy rằng trái tim không biết thứ tha là một trái tim đã chết, con người không biết tha thứ vẫn chỉ là gỗ đá mà thôi.

Thuở ấy, chúng con nào biết cậu bạn kia lấm lem bùn đất chỉ vì giúp ba cày thêm ruộng lúa, đâu biết cô bạn thỉnh thoảng ngủ gật trong lớp kia tối qua thức khuya trông em cho mẹ ốm, đâu biết cậu bạn bên cạnh mình có người thân bệnh nặng nên bỏ học thường xuyên…Chúng con vẫn chỉ là những đứa trẻ ngây thơ nhìn cuộc đời bằng một ánh nhìn như vốn dĩ, mà vô tình lãng quên đi đằng sau nó có thể là cả một câu chuyện dài. Thầy dạy chúng con hãy biết để ý và chăm sóc đến những người xung quanh, hãy biết trân trọng những điều tưởng như rất bình thường nhưng vô cùng quý giá. Bởi có một ngày, yêu thương cũng có thể là quá muộn… khi mà hợt hời và vô tâm đã bỏ xa khoảng cách giữa những con người.

Thuở ấy, chúng con nào biết cuộc đời luôn là những vòng quanh. Những khúc gập, những quanh co, những thác ghềnh luôn là một phần không thể thiếu. Đừng mơ tưởng về cuộc đời là một đường thẳng… Nếu cuộc đời con không có những khúc ngoặt, hiển nhiên nó đã vô nghĩa đi rất nhiều rồi. Thầy còn dạy chúng con phải biết ngẩng đầu trước thất bại, đừng dừng lại khi phía trước còn nhiều lắm những chông gai… Quá nửa cuộc đời con đã sống như lời thầy dạy, con lớn thêm một chút rồi, thầy ơi…

Dẫu đông dài, hạ trắng, nắng gắt hay mưa giông…
Những người chèo đò vẫn mải miết qua sông đưa khách…
Dẫu gió lạnh, đèn khuya, lưng áo mỏng…
Thầy tôi trăng hắt những đêm kia, vẫn mải miết chèo đời…

Truyện ngắn 20/11 viết báo tường: Người thầy năm xưa

Tôi sinh ra ở làng quê nhỏ. Ngôi trường tiểu học của tôi cũng là trường làng bé lắm. Ngôi trường ấy ngày ngày chào đón các em học sinh nghèo tay lấm chân trần. Vâng, trường tôi nghèo lắm. Nhưng ở nơi đó tôi đã tìm thấy nhiều niềm vui và những kỉ niệm về người thầy thân thương với lòng biết ơn sâu sắc.

Đã hơn 10 năm nhưng hình ảnh và lời nói của thầy vẫn luôn hằn sâu trong ký ức tôi. Đó là năm học lớp 5, tôi được chuyển sang học lớp mới. Ngày đầu đi học tôi đứng rụt rè ở cửa lớp vì e sợ thầy, bạn không quen. Thầy nhìn thấy tôi và hỏi han ân cần. Nhìn ánh mắt trìu mến và cầm bàn tay ấm áp của thầy, tôi bước vào lớp trong sự yên tâm lạ thường.

Từ lần đầu được gặp thầy rồi được thầy dạy dỗ, tôi càng hiểu và thấy yêu quý thầy nhiều hơn. Với thầy, tôi có thể diễn tả bằng hai từ “yêu thương” và “tận tụy”. Thầy tận tụy trong từng bài giảng, từng giờ đến lớp. Cả những ngày nóng bức hay những ngày mưa, thầy đều đến lớp để mang cho chúng tôi nhiều điều mới lạ.

Tôi nhớ đến mùa nước nổi, khắp đường xá, trường học đều đầy nước. Thế mà thầy trò chúng tôi vẫn đến lớp đều đặn, học bì bõm trong nước thế mà vui đến lạ. Những bài giảng của thầy dường như “đánh thắng” cả mùa nước lũ.

Khi không đến lớp, thầy lặn lội đến nhà các học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và tạo điều kiện tốt hơn để chúng tôi yên tâm ngày hai buổi đến trường. Thầy tôi là như thế, thầy tận tụy với nghề, yêu thương tất cả học sinh. Tôi đã từng được đến chơi nhà thầy – một ngôi nhà mái lá đơn sơ nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Căn nhà bé nhỏ ấy chứa đựng tấm lòng yêu thương bao la của thầy tôi.

Hơn cả 1 người thầy dạy chữ, thầy còn dạy chúng tôi biết bao điều trong cuộc sống. Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi cố gắng học tập, không khuất phục cái nghèo. Thầy vẫn tin rằng các học trò của thầy sẽ xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Niềm tin của thầy truyền sang niềm tin của chúng tôi – những đứa học trò nghèo chan chứa bao nhiêu là ước mơ và hoài bão. Những lời dạy dỗ của thầy đã theo tôi trong suốt những tháng năm dài.

Riêng với tôi, tôi vẫn nhớ mãi những lần được thầy đưa đến trường. Con đường đá đến trường đã thấm biết bao giọt mồ hôi của thầy tôi. Tôi không sao quên được hình ảnh thầy với chiếc xe đạp cũ kĩ cứ kêu “kót két” theo từng vòng quay. Thế mà chỉ cần ngồi sau lưng thầy, con đường dài dường như ngắn lại; cái nóng của buổi trưa nắng gắt dường như cũng mát dịu hẳn đi. Nhìn lưng thầy ướt đẫm mồi hôi mà miệng vẫn vui cười. Ôi! Sao mà nhớ thầy đến thế!

Top 20+ mẫu truyện ngắn hay tri ân thầy cô ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 3

Trên con đường dài với lắm gập ghềnh, thầy và tôi cùng nhau trò chuyện nhiều điều thú vị. Bất chợt tôi cảm thấy thầy thật gần gũi và thân thiết như một người bạn lớn. Có lần thầy hỏi tôi rằng: “Nếu chỉ được đi qua một lần trên con đường đầy hoa dại, con sẽ chọn một bông hoa nào con cho là đẹp nhất?!”.

Lúc bé thơ ấy tôi nào hiểu những gì thầy muốn nói, chỉ khẻ cười rồi im lặng. Rồi thầy bảo rằng “trên đường con đi sau này sẽ có nhiều “bông hoa” như thế. Con đừng đợi phải đi hết quãng đường, hãy nắm lấy cơ hội để con có thể tiến xa hơn”. Và khi đó tôi mới hiểu điều thầy muốn nói, lời nói của thầy đã cổ vũ tôi đủ can đảm bước xa làng quê bé nhỏ để lên thành phố học tốt hơn. Đúng là thầy tôi, lời khuyên nhủ thật nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và làm người ta yên lòng lắm.

Đến hôm nay, tôi bỗng nhớ lại những câu chuyện của người thầy năm xưa. Thầm cảm ơn thầy về những gì tốt đẹp thầy đã dành cho tôi. Đó là những lời dạy dỗ quý báu cổ vũ tôi trong những tháng năm dài. Gần 10 năm nay ít có dịp về thăm thầy cũ. Ngôi trường làng ngày xưa đã tàn phai ít nhiều. Mỗi lần về thăm lại thấy mái tóc thầy tôi bạc trắng nhiều hơn. Nhưng dù thời gian có trôi qua bao nhiêu, tấm lòng thầy vẫn như thế, vẫn tận tụy và đầy yêu thương.

Đối với tôi, “người thầy năm xưa” là biểu tượng của một nhà giáo Việt Nam ưu tú. Ở thầy tôi là sự hy sinh cao cả xuất phát từ lòng yêu nghề, yêu trẻ. Đến hôm nay, trong lòng tôi vẫn mãi mãi kính trọng và biết ơn “người thầy giáo năm xưa”.

Truyện ngắn về thầy cô ngày 20/11: Người thầy, người cha thứ 2 của đời con!

Dòng tâm sự chân thành này của con là lời tri ân sâu sắc đối với thầy, người đã đóng vai trò như một người cha thứ hai trong cuộc đời của con. Thầy là một giáo viên ở vùng sâu vùng xa của Đồng Nai nhưng lại có ảnh hưởng to lớn đối với con. Với tất cả tình cảm và lòng kính trọng, con muốn gửi những lời này cho thầy, dù có thể thầy sẽ không bao giờ đọc được chúng.

Cuộc đời con đã khởi đầu từ một gia đình nông dân nghèo, nơi nghèo khó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Con đã trải qua nhiều khó khăn và những thử thách từ nhỏ nhưng con luôn có niềm tin vào học tập để giúp vượt qua tất cả. Thầy đã xuất hiện như một người hướng dẫn và cung cấp kiến thức quý báu cho con trong suốt mười hai năm qua. Thầy đã giúp con nhận thức được giá trị của cuộc sống, giá trị của tiền bạc và sức lao động.

Khi con đến Sài Gòn để theo đuổi giấc mơ đại học, thế giới này hoàn toàn mới mẻ và khác biệt với cuộc sống quê hương nghèo của con. Con đã trải qua nhiều khó khăn và cảm thấy bị sống quá nhanh, quá áp lực. Nhưng thầy đã luôn đứng bên cạnh con, động viên và khuyến khích con từng bước. Thầy đã giúp con thấu hiểu rằng cuộc sống không chỉ là về tiền bạc, mà còn về sự kiên nhẫn, đam mê và nỗ lực.

Trong mười hai năm qua, con đã đạt được nhiều thành tựu trong học tập và con tự hào về điều đó. Thầy là người đã giúp con củng cố kiến thức và tự tin hơn để đối mặt với những thách thức của cuộc đời. Thậm chí khi con đã bước ra khỏi ngôi trường trung cấp nghề với một tấm bằng tốt nghiệp xếp loại không khá cao nhưng thầy vẫn ở bên cạnh con, định hướng con vào cuộc sống mới với tầm nhìn rõ ràng.

Hiện tại, con đã trưởng thành và có một công việc ổn định với thu nhập tốt hơn. Con biết ơn thầy vô cùng vì đã giúp con vượt qua những khó khăn và tạo nên cơ hội mới cho cuộc đời con. Thầy không chỉ là một người giáo viên mà còn là một người bạn và người hướng dẫn đáng kính trong cuộc đời con.

Ngoài ra, con cũng rất ấn tượng bởi sự đam mê và tài năng của thầy trong việc phát triển phần mềm dạy toán. Thầy đã tạo ra những phần mềm hữu ích và thiết thực cho cộng đồng mạng. Điều này chứng tỏ rằng tinh thần và niềm đam mê của thầy vẫn cháy bùng và thầy luôn là một tấm gương sáng của một người Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Con kết thúc lời viết ở đây với lòng biết ơn và lòng tôn kính sâu sắc đối với thầy. Thầy yên tâm, con sẽ luôn cố gắng và không bao giờ quên những bài học quý báu mà thầy đã truyền đạt.

Truyện ngắn tri ân thầy cô viết báo tường: Câu chuyện về lòng biết ơn thầy cô

Ba năm sau, tôi có cơ hội quay lại ngôi trường cũ. Mọi thứ vẫn giữ nguyên, sân trường xanh mướt dưới bóng cây và những chiếc ghế đá vẫn ở đó. Tiếng cười hòa quyện với tiếng cô giáo giảng bài trong lớp và ánh mắt tinh nghịch của học trò khiến tôi nhớ về những thời kỳ đã qua. Tiếng trống báo hiệu giờ nghỉ, mọi người tranh thủ ra ngoài chơi.

Tôi nhớ về cô giáo từ thời còn học. Cô giáo luôn xuất hiện với trang phục gọn gàng, mặt lúc nào cũng trầm mặc. Cô giáo đã trở lại trường từ khi nơi đây chỉ có mái lá đơn sơ. Dù ngày mưa hay ngày nắng, cô vẫn đạp chiếc xe Thống Nhất đã bạc màu đến trường. Có những ngày mưa gió mạnh, nhưng cô vẫn đến lớp để không làm học sinh phải chờ đợi. Thậm chí khi nước ngập, cô vẫn tiếp tục đạp xe, đến lớp cả thầy lẫn trò đều ướt đẫm. Phòng học bị hỏng hóc, không thể học.

Top 20+ mẫu truyện ngắn hay tri ân thầy cô ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 4

Trong những ngày mưa như vậy, cô thường nhớ đến quê hương Bình Lục, nơi mà người dân vẫn “cưỡi trâu đi họp huyện”. Cô cảm thấy thương cảm cho họ. Cô thường kể cho học sinh nghe về quê hương và gia đình của mình. Quê hương là một vùng chiêm trũng, ngập nước suốt năm, nhưng những người dân ở đó vẫn có tinh thần và sức mạnh phi thường. Trong những ngày mưa gió như vậy, cô nhớ về quê hương và gia đình mình.

Cô luôn giữ nguyên tinh thần của một giáo viên truyền thống. Cô dạy chúng tôi cách tự phấn đấu và không bao giờ từ bỏ. Cô thường nói lịch sử là nền móng của một quốc gia và nếu chúng ta hiểu về lịch sử thì chúng ta cũng hiểu về truyền thống và quá khứ của quốc gia đó. Giọng cô nhẹ nhàng giảng bài một cách dễ hiểu và đôi khi cô dừng lại để chúng tôi suy ngẫm. Cô không thể biết được rằng những thế hệ học sinh đó sẽ luôn nhớ công lao của cô suốt đời.

Đã 27 năm trôi qua và nhiều thế hệ học sinh đã tới và đi khỏi ngôi trường này. Nhưng hình bóng của cô giáo vẫn còn đọng mãi trong tâm hồn của chúng tôi. Cô giáo đã truyền đạt kiến thức và cả tri thức cuộc sống. Cô đã dạy chúng tôi cách tự phấn đấu và không bao giờ từ bỏ. Cô đã giúp chúng tôi hiểu về lịch sử và truyền thống của quê hương. Cô đã giúp chúng tôi trở thành những học sinh xuất sắc.

Truyện ngắn về thầy cô ngày 20/11: Nhớ thầy

Những buổi chiều mưa trong mùa hạ đưa theo mùi đất ẩm mốc nồng nàn mà không thể làm dịu đi cái nắng gay gắt của mùa hè. Những bông bằng lăng tím trước cửa bị ướt sũng, cành cây trở nên nặng nề và uốn cong đầu xuống.

Những buổi chiều mưa như thế, từ bên trong nhà, tôi nhìn ra ngoài thấy phố vắng vẻ. Những người đi đường đang vội vã tìm nơi trú ẩn hoặc che mình dưới một cái áo mưa tiện lợi mới mua. Trong lòng tôi, những ký ức về một mùa mưa nhiều năm trước trỗi dậy, những ký ức liên quan đến trường học, lớp học và những kỷ niệm về một buổi chiều mưa đột ngột trở về, như một đoạn phim chậm. Đó là một thời kỳ xa xăm và quý báu.

Tôi còn nhớ rằng năm đó, tôi mới bước vào lớp sáu và trường học là một thế giới mới đầy lạ lẫm và thách thức. Thầy giáo dạy Toán của tôi có tên là Thầy Hùng. Không giống như các thầy giáo khác, Thầy Hùng không cao lớn và uy nghiêm, mà thầy có dáng vẻ khiêm tốn, lưng vòm, đầu hơi hói và đôi mắt sáng lấp lánh với ánh nhìn ấm áp và trìu mến.

Thỉnh thoảng, tôi có thể thấy một chút nỗi buồn ẩn sau đôi mắt ấy, nằm sâu bên trong, chỉ hiện lên trong những khoảnh khắc thầy nhìn xa xăm vào khoảng không. Giọng điệu của thầy lúc nào cũng trầm ấm và truyền cảm, khiến cho bất kỳ ai nghe thầy giảng cũng nghĩ rằng đang ở trong một buổi học về Văn.

Thầy dễ thương và giản dị, luôn mặc chiếc quần đen kèm áo nâu đã sờn nhưng vẫn luôn gọn gàng và sạch sẽ. Dù nét chữ của thầy không đẹp, thậm chí có đứa trò chê rằng nét chữ của thầy trông tròn và cụt như quả trứng gà, nhưng chữ viết của thầy luôn thẳng hàng, ngay ngắn và đều đặn. Nhìn vào nét chữ đó, có thể cảm nhận được phẩm chất của con người thầy. Học sinh đều kính trọng thầy không chỉ vì tính hiền lành và đáng yêu mà còn vì tính giản dị và chân thành đến mức mộc mạc của thầy.

Thầy thường dùng chiếc xe máy cũ để đến trường, dù đó là một chiếc xe đã lỗi thời. Thỉnh thoảng, tôi thấy thầy đang chạy xe đến trường, thì bỗng nhiên xe chết máy thất thường và thầy phải dắt một quãng đường khá xa để đến tiệm sửa xe máy. Những lúc đó, chúng tôi đến hỏi thầy về tình trạng của chiếc xe và thầy luôn chỉ cười và nói: “Xe của thầy lại dở chứng ấy mà!”

Nghe nói nhà thầy ở rất xa tận ở ngoại ô thị trấn và vợ của thầy bán trái cây ở chợ huyện. Vì vậy, chúng tôi thỉnh thoảng có thể thấy thầy trên chiếc xe máy cà tàng đó, chở từng thùng trái cây để giao hàng cho vợ thầy. Có những đứa trò chào thầy, có đứa hét to để gọi thầy và thầy luôn cười hoặc vẫy tay chào trả lời.

Năm đó, vào những ngày gần đến kỳ thi cuối học kì, trời có mưa to và lũ lớn. Ba mẹ khuyên tôi nên ở nhà vì thời tiết xấu, nhưng tôi vẫn giữ vững quyết định của mình, đòi đi học. Cả lớp học của chúng tôi đã nghỉ học hơn một nửa, chỉ còn vài giáo viên đến lớp. Tôi vẫn rất mong thầy Hùng sẽ đến dạy, nhưng thật bất ngờ, thầy Hùng không xuất hiện.

Lúc đó, lớp phó chạy đến và bảo: “Các bạn ơi, thầy Hùng bị ốm nên không thể đến lớp được. Thầy ấy vào viện hôm qua, lý do là vì bị đột quỵ và đã mất.” Tai tôi cứ như đang nghe tiếng sét đánh, tôi la lên rằng tôi không tin là thầy đã ra đi, không tin rằng tôi sẽ không bao giờ gặp lại thầy nữa!

Chân tôi trở nên nặng nề và xung quanh, tiếng khóc của các bạn trong lớp tràn ngập không gian như hàng nghìn con ong vo ve trong đầu tôi.

Xem thêm:
Gợi ý 50 mẫu báo tường 20/11 đẹp cho ngày Nhà giáo Việt Nam
Top 20 lời ngỏ 20/11 viết báo tường, tập san hay, ý nghĩa nhất
16 bài xã luận 20/11 ý nghĩa

Truyện ngắn về thầy cô bằng tiếng Anh

Gợi ý thêm cho bạn một số mẩu truyện ngắn về thầy cô bằng tiếng Anh sau đây để giúp tờ báo tường của lớp mình trở nên sống động hơn.

Truyện ngắn về thầy cô 5

Truyện ngắn: Idiotic Lawyer

The laᴡуer’ѕ ѕon ᴡanted to folloᴡ in hiѕ father’ѕ footѕtepѕ, ѕo he ᴡent to laᴡ ѕchool and graduated ᴡith honorѕ. Then he ᴡent home to join hiѕ father’ѕ firm.

At the end of hiѕ firѕt daу at ᴡork, he ruѕhed into hiѕ father’ѕ office and ѕaid, “Father, father! In one daу I broke the Smith caѕe that уou’ᴠe been ᴡorking on for ѕo long!”

Hiѕ father уelled, “You idiot! We’ᴠe been liᴠing on the funding of that caѕe for ten уearѕ!”

Dịch: Luật sư ngu ngốc

Con trai một ᴠiên luật ѕư muốn kế thừa sự nghiệp của cha, ᴠì thế anh ta đi học trường luật ᴠà đã lấy được bằng cấp xuất sắc. Sau khi ra trường anh ta tham gia công tу của cha mình.

Vào cuối ngàу làm ᴠiệc đầu tiên, anh ta đổ хô ᴠào ᴠăn phòng cha ᴠà nói:”Cha, cha! Trong một ngàу con đã giải quуết хong ᴠụ kiện Smith mà cha đã ngâm quá lâu!”.

Người cha vội hét lên: “Đồ ngốc! Chúng ta sống dựa vào kinh phí cho vụ đó trong mười năm nay!”.

Truyện ngắn: A Careless Teacher

A hiѕtorу teacher ᴡaѕ talking to hiѕ claѕѕ about the ancient Romanѕ

“Theу ᴡere ᴠerу ѕtrong, braᴠe people and theу ᴡere good ѕoldierѕ”, he ѕaid. “Theу alᴡaуѕ ᴡanted to haᴠe ѕtrong bodieѕ, ѕo theу plaуed a lot of gameѕ”.

"Did they like swimming?", one of the girls asked. "That makes people's bodies strong". She was very good at swimming.

“Oh, уeѕ, ѕome of them ѕᴡam a lot”, the teacher anѕᴡered. Then he told them a ѕtorу about one famouѕ Roman.

“There ᴡaѕ a big, ᴡide riᴠer in the middle of Rome”, he ѕaid. “It ᴡaѕ the Tiber, and hiѕ man ѕᴡam acroѕѕ it three timeѕ eᴠerуdaу before breakfaѕt”.

The girl laughed ᴡhen ѕhe heard thiѕ

“Whу are уou laughing?”, the teacher aѕked her angrilу, “Haᴠe I ѕaid anуthing funnу?”

“Well, ѕir”, the girl anѕᴡered. ” Whу didn’t he ѕᴡim acroѕѕ the riᴠer four timeѕ, to get back to hiѕ clotheѕ again?”

Bản dịch: Thầу giáo ѕơ ý

Một thầу giáo dạу Sử lên lớp giảng ᴠề người cổ La Mã. “Họ rất khỏe, một dân tộc dũng cảm, những chiến binh tài ba”. Ông nói: “Họ luôn muốn có thân hình cường tráng, ᴠì ᴠậу họ chơi rất nhiều môn thể thao”.

Một học sinh nữ, rất giỏi bơi lội, hỏi: "Họ có bơi không ạ? Bơi giúp cơ thể khỏe mạnh hơn."

"Có chứ. Họ bơi nhiều lắm". Người thầy trả lời. Sau đó, người thầy kể cho họ nghe về một người La Mã nổi tiếng.

 “Ở giữa thành phố Rome có con ѕông dài”. Người thầy nói: “Nó tên là Tiber, mỗi ngàу, trước bữa điểm tâm, những người đàn ông thường tập luyện bằng cách bơi ngang qua ѕông ba lần”.

Cô học ѕinh cười ồ lên khi nghe thầу giáo nói ᴠậу.

“Tại ѕao em cười?”, thầу giáo bực mình khi hỏi cô gái “Thầу nói có gì mà đáng buồn cười?”

“Dạ, thưa thầу”, cô học ѕinh trả lời. “Thế tại ѕao ông ta lại không bơi qua ѕông bốn lần, để còn quaу lại lấу quần áo nữa chứ?”

Những mẫu truyện ngắn: English jokes about teachers and students

 1. When the teacher asked if Clyde had copied his brother's dog description.

Teacher: Clyde, your composition on "My Dog" is exactly the same as your brother’s. Did you copy his?

Clyde: No, sir. It’s the same dog.

Bản dịch:

Khi giáo viên hỏi liệu Clyde có sao chép bài mô tả con chó của anh trai mình không.

Giáo viên: Clyde, Bài viết "My Dog" của em giống hệt như của anh trai mình. Em đã sao chép của anh trai mình, đúng không?

Clyde: Không, thưa cô. Vì bọn em cùng viết về một con chó đó ạ.

2. Teacher: George Washington not only chopped down his father's cherry tree, but also admitted. Now, Louie, do you know why his father didn't punish him?

Louie: Because George still has the ax in his hand.

Bản dịch:

Giáo viên: George Washington không chỉ chặt cây anh đào của cha mình mà còn thừa nhận mình đã làm việc đó. Louie, Em có biết tại sao cha anh ta lại không trừng phạt anh ta?

Louie: Bởi vì George vẫn cầm rìu trong tay ạ.

3. Teacher: Now, Simon, tell me frankly, do you say prayers before eating?

Simon: No sir, I don't have to, my Mom is a good cook.

 Bản dịch:

Giáo viên: Simon, hãy nói thật với tôi, em có cầu nguyện trước khi ăn không?

Simon: Không ạ, Em không cần phải cầu nguyện, mẹ em nấu ăn ngon lắm ạ.

Người xưa có câu “Cơm cha áo mẹ chữ thầy/Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”, chính là muốn nhắc nhở những thế hệ tương lai trong cuộc đời có 3 thứ quan trọng nhất mà chúng ta nhất định phải nhớ và biết ơn chính là “công cha, nghĩa mẹ và ơn thầy”. Hy vọng với những mẩu truyện ngắn về thầy cô được chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình thầy trò, về những công lao to lớn của thầy cô trong sự nghiệp “trồng người”.

Truyện về thầy cô ngắn hay ý nghĩa: Silent Encouragement (Lời động viên thầm lặng)

I felt discouraged after failing a test. My teacher just said "Mistakes are part of learning". With her support, I worked harder and by the next test, I had improved.

Bản dịch:

Mỗi khi bị điểm kém, tôi thường cảm thấy rất thất vọng. Khi đó, cô giáo chỉ nói nhẹ nhàng: "Lỗi lầm là một phần của học hỏi”. Nhờ sự động viên ấy, tôi chăm chỉ hơn và tiến bộ một cách rõ rệt trong bài kiểm tra kế tiếp.

Truyện ngắn: A Promise of Success (Lời hứa về thành công)

After failing an exam, I told my teacher, "Maybe I’ll never be good at this". He gently replied, "As long as you don’t give up, I believe you’ll succeed". Those words sparked the motivation I needed to keep trying each day, no matter the challenges.

Bản dịch:

Sau khi thi trượt, tôi chán nản và nói với thầy: "Chắc em không bao giờ giỏi được". Khi đó, thầy chỉ nhẹ nhàng đáp: "Chỉ cần em không bỏ cuộc, thầy tin em sẽ thành công". Những lời nói ấy của thầy đã tiếp thêm cho tôi thêm nhiều sức mạnh để không ngừng cố gắng.

Câu chuyện ngắn The Story of the Yellow Leaf (Câu chuyện chiếc lá vàng)

During art class, I got frustrated because my yellow leaf drawing didn’t look right. My teacher saw it and gently said, "Every tree needs many leaves to shine". Her words taught me that even small efforts matter and contribute to something beautiful.

Bản dịch:

Trong giờ học vẽ, tôi hơi nản vì bức tranh lá vàng của mình không được đẹp. Khi đó, cô giáo nhìn tôi và nhẹ nhàng bảo: "Cây nào cũng cần nhiều lá để tỏa sáng". Câu nói đó đã giúp tôi hiểu rằng mọi nỗ lực nhỏ của mình đều xứng đáng.

Những truyện ngắn về thầy cô của học sinh tiểu học

Truyện ngắn 20/11 của học sinh lớp 4

  • Phạm Thảo Giang lớp 4/1

Sắp đến ngày 20/11 rồi ! Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày mà học sinh chúng em không bao giờ quên được. Những cảm xúc trào dâng với lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã dạy dỗ và dìu dắt chúng em nên người. Đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm của lớp em, một cô giáo em luôn xem cô như người mẹ thứ hai của mình.

Cô chính là người đã chỉnh sửa từng lời lẽ khi em còn tập đọc, cô đã uốn nắn từng nét chữ khi em còn tập viết. Khi gặp những bài toán khó, cô đã nhẹ nhàng và chỉ bảo từng bước để cho em có thể giải bài một cách dễ dàng. Cũng nhờ có cô mà em trưởng thành qua từng ngày. Bây giờ học sinh lớp bốn rồi, cô cũng là người truyền tải những kiến thức sâu sắc cho em , nhờ cô mà em giỏi và ngoan. Không chỉ là bài tập ở sách vở, cô còn chỉ bảo chúng em hiểu thêm về cách đối xử thầy cô, gia đình, xã hội và cách để bước vào đời. Cô còn dạy em về tình yêu con người và lòng nhân ái. Em luôn biết ơn và cảm thấy mình thật may mắn với sự chăm sóc dạy bảo của người mẹ hiền, người luôn quan tâm ân cần với sự tận tụy và tình yêu to lớn dành cho sự nghiệp trồng người. Để đền đáp công ơn to lớn của cô, chúng em hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt, sau này nhất định sẽ trở thành người có ích cho xã hội.

20/11 năm nay, chúng em không có gì hơn ngoài việc cố gắng dành thật nhiều những lời khen của cô để tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng của chúng em đối với cô. Thay mặt tập thể lớp 4/1, em chúc cô có luôn khỏe mạnh và tươi trẻ nhưng những bông hoa thắm sắc kia. Chúng em xin được khắc tên của cô vào tim, dù mai sau có đi đâu chúng em vẫn luôn nhớ bóng hình cô.

  • Đặng Xuân Bách lớp 4/2

Mới hôm nào, bỡ ngỡ trước một ngôi trường mới mẻ, em cứ nắm chặt tay mẹ. Vậy mà bây giờ em là cậu học sinh lớp 4 rồi, hằng ngày gắn bó với mái trường Trần Cao Vân, cùng bạn bè chia sẻ những kỉ niệm vui buồn, giận hờn, thông cảm, thương mến…

Những xích đu, cầu trượt, nhà banh… ở trường mầm non giờ được thay bằng những hàng cây xanh. Dọc theo các hành lang, trong lớp học cũng không còn màu sắc của đồ chơi, mà là những bàn ghế thơm mùi gỗ, xếp thành dãy ngăn nắp trước một chiếc bảng đen to và dài. Hình ảnh về người mẹ hiền duyên dáng trong tà áo dài với ánh mắt dịu hiền và lời nói ấm áp đã làm em quên dần nỗi lo sợ và bối rối của ngày đầu tiên đến lớp. Cô đã ân cần hướng dẫn chúng em làm quen với kỉ luật trong học tập, nề nếp trong sinh hoạt và giúp chúng em gắn kết tình bạn với nhau qua những bài học kiến thức xen kẽ với bài giảng đạo đức.

Những kí ức của năm học đầu tiên đầy dấu ấn khó phai trong lòng của em. Lời động viên của cô khuyến khích em trong việc rèn chữ đã mang lại cho em động lực phấn đấu và không lùi bước khi gặp khó khăn. Chính vì vậy những bài toán khó cũng không làm cho em nao núng. Có lẽ, mãi mãi em vẫn không quên, những lần các bạn nam trong lớp phá phách và nghịch ngợm, nhưng cô vẫn dịu dàng, ân cần chỉ bảo và giải thích.

Thời gian cứ trôi đi, biết bao thế hệ học trò đã được cô chèo lái con đò kiến thức đưa chúng em đến những bến bờ. Rồi mai đây, khi xa mái trường thân yêu này, em hứa sẽ cố gắng học thật giỏi và trở thành một người tốt cho xã hội để cô có thể tự hào về chúng em.

  • Đinh Nguyễn Thiên Hương – Lớp 4/2

Thầy cô là người dìu dắt em từ những năm đầu tiên của cuộc đời đi học. Thầy cô đã chắp cánh cho em những ước mơ về sự thành đạt, về công danh, sự nghiệp và cả niềm tin mãnh liệt của cuộc đời. Những điều hay lẽ phải, những nét đẹp trong tâm hồn của con người đều được khởi nguồn từ thầy cô. Thầy cô đã dành một phần cuộc đời mình để trau dồi, dẫn dắt học sinh từng bước đi trên con đường còn bao chông gai phía trước. Cho dù phải thức khuya, dậy sớm để soạn giáo án, những bài giảng hay nhưng thầy cô vẫn mỉm cười. Dù ngày qua ngày các thầy cô luôn luôn hết lòng tận tụy với học sinh bởi vì trong trái tim họ chỉ có duy nhất một khao khát uốn nắn dạy lớp trẻ hôm nay thành người. Nhớ lắm tà áo thướt tha của cô, dáng đi nghiêm trang của thầy. Một năm trôi qua chúng em phải chào tạm biệt những người thầy, người cô để bước tiếp sang lớp mới, học thêm những kiến thức mới.

Lòng chúng em lại bồi hồi, xúc động khi phải xa thầy cô, khi nhìn thấy bóng dáng của những cô mà xưa kia đã giảng dạy. Vì thế, mỗi năm cứ đến ngày 20/11, toàn thể học sinh trên đất nước Việt Nam lại nhiệt liệt chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

Riêng em, để đáp lại công ơn sâu nặng của thầy cô, em sẽ cố gắng học giỏi để thành người tốt trong xã hội.

  • Đặng Xuân Bách lớp 4/2

Mới hôm nào, bỡ ngỡ trước một ngôi trường mới mẻ, em cứ nắm chặt tay mẹ. Vậy mà bây giờ em là cậu học sinh lớp 4 rồi, hằng ngày gắn bó với mái trường Trần Cao Vân, cùng bạn bè chia sẻ những kỉ niệm vui buồn, giận hờn, thông cảm, thương mến…

Những xích đu, cầu trượt, nhà banh… ở trường mầm non giờ được thay bằng những hàng cây xanh. Dọc theo các hành lang, trong lớp học cũng không còn màu sắc của đồ chơi, mà là những bàn ghế thơm mùi gỗ, xếp thành dãy ngăn nắp trước một chiếc bảng đen to và dài. Hình ảnh về người mẹ hiền duyên dáng trong tà áo dài với ánh mắt dịu hiền và lời nói ấm áp đã làm em quên dần nỗi lo sợ và bối rối của ngày đầu tiên đến lớp. Cô đã ân cần hướng dẫn chúng em làm quen với kỉ luật trong học tập, nề nếp trong sinh hoạt và giúp chúng em gắn kết tình bạn với nhau qua những bài học kiến thức xen kẽ với bài giảng đạo đức.

Những kí ức của năm học đầu tiên đầy dấu ấn khó phai trong lòng của em. Lời động viên của cô khuyến khích em trong việc rèn chữ đã mang lại cho em động lực phấn đấu và không lùi bước khi gặp khó khăn. Chính vì vậy những bài toán khó cũng không làm cho em nao núng. Có lẽ, mãi mãi em vẫn không quên, những lần các bạn nam trong lớp phá phách và nghịch ngợm, nhưng cô vẫn dịu dàng, ân cần chỉ bảo và giải thích.

Thời gian cứ trôi đi, biết bao thế hệ học trò đã được cô chèo lái con đò kiến thức đưa chúng em đến những bến bờ. Rồi mai đây, khi xa mái trường thân yêu này, em hứa sẽ cố gắng học thật giỏi và trở thành một người tốt cho xã hội để cô có thể tự hào về chúng em.

Truyện ngắn tri ân thầy cô của học sinh lớp 5

  • Thảo Linh Lớp 5/1

“Cùng nhau cầm tay đi đến thăm các thầy các cô…” Mỗi khi giai điệu bài hát ấy vang lên, lòng em lại hiện lên cảm xúc tươi nguyên như lần đầu đi học với biết bao kỉ niệm buồn vui đáng nhớ của tuổi học trò, thế mà đã 4 năm thấm thoát trôi qua. Bây giờ, chúng em đã là học sinh lớp 5, là anh chị cả của trường, chúng em sắp phải rời xa mái trường, rời xa bạn bè. Nhưng đặc biệt hơn cả là phải rời xa thầy cô, người đã dìu dắt chúng em, mong chúng em lớn khôn từng ngày.

Bốn năm trôi qua cũng đủ là một chặng đường dài để chúng em gắn bó và tìm hiểu về thầy cô của mình.

Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến ngày 20/11, ngày để chúng em bày tỏ lòng biết ơn và sự chân thành đối với các thầy cô.

Rồi mai đây, chúng em sẽ trở thành những cô nữ sinh duyên dáng, những anh chàng cấp ba mạnh mẽ. Nhưng kí ức về thầy,cô mến yêu tại trường tiểu học Trần Cao Vân sẽ mãi mãi không bao giờ phai nhòa trong lòng em. Chúng em sẽ không bao giờ quên hình ảnh các thầy cô đã dìu dắt chúng em, luyện cho em từng nét chữ, dạy cho em từng con số.

Khi em lớn lên, em sẽ có mặt ở mọi nẻo đường trên khắp thế giới, sẽ được chứng kiến biết bao cảnh đẹp hùng vĩ, hiện đại. Nhưng có lẽ những kỉ niệm ở trường tiểu học Trần Cao Vân vẫn mãi lung linh và kì diệu trong kí ức tuổi thơ em.

  • Nguyễn Thị Minh Châu – Lớp 5/2

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã là một học sinh lớp Một bước vào trường tiểu học với đầy sự bỡ ngỡ và sợ sệt. Tôi cũng vậy! Ngày đầu tiên đi học, nắm tay mẹ bước vào trường, ôi chao sao mà mọi thứ đều lạ lẫm, xa lạ với tôi thế! Thế là sự bỡ ngỡ, lo sợ của tôi lại dâng lên. Tôi sợ rằng đến trường sẽ không có bố mẹ bên cạnh để che chở, thương yêu, sẽ không có ai chơi với tôi, sẽ bị cô mắng vì không làm được gì … Nhưng trái với sự lo lắng ấy, tôi lại đón nhận được biết bao sự yêu mến của bạn bè và sự chăm sóc tận tình của cô giáo.

Cô Út – người đã chăm sóc, chỉ bảo cho tôi từng nét chữ, từng con số và cả những chữ cái đầu tiên. Cô là người đã uốn nắn tôi nên người, là người đã truyền đạt cho tôi vô số kiến thức hay và bổ ích. Cô luôn mỉm cười mỗi khi tôi học tốt; luôn khuyến khích, động viên tôi mỗi khi tôi buồn hay tự làm một điều gì đó mới, cô luôn ôn tồn chỉ bảo khi tôi làm sai,… Trong mắt tôi, cô như một bà tiên giáng trần, chỉ đường cho tôi bước từng bước trên con đường học tập. Cô thật hiền dịu và nhân hậu.

Mỗi lần đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 tôi lại muốn gửi lời chúc và cảm ơn đến cô: “Em chúc cô luôn yêu nghề, tận tâm với nghề giáo, dạy dỗ nhiều lớp sau thêm giỏi và vui vẻ sống tốt bên gia đình. Em cảm ơn cô rất nhiều!”.

Tôi cảm thấy may mắn và thật sự tự hào được là học sinh của cô.

  • Đặng Ngọc Nhi, Lớp 5/4

Tháng mười một lại về, tháng mười một năm nay nhiều mưa. Tháng mười một là ngày hội của thầy, cô và của đám học trò chúng em.

Ngoài sân trường, trên cao lá bàng vẫn còn xanh, dưới đất nở rộ những đoá hoa. Em bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm.

Nhớ cô giáo mầm non dịu hiền, vỗ về thương yêu mỗi lần em khóc vì nhớ mẹ.

Nhớ cô giáo lớp một tóc xõa ngang vai, tận tụy uốn nắn cho em từng nét chữ, giọng cô trầm bổng, ngọt ngào. Và nhớ tất cả. Cô nào cũng yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ chúng em một cách tận tình, chu đáo. Ngoài kiến thức phải học, cô còn dạy chúng em kỹ năng sống, mong chúng em ngoan ngoãn, lễ phép, biết vâng lời. Những lời hay, ý đẹp được cô lồng vào bài giảng giúp chúng em tiến bộ từng ngày.

Năm nay, em đã học lớp năm. Không còn bao lâu nữa phải xa mái trường Trần Cao Vân thân yêu. Nhưng em tin rằng dù đi đâu, học ở trường nào, em vẫn luôn nhớ về mái trường thân yêu. Nơi này có thầy cô kính mến, có bạn bè yêu quý và có những kỷ niệm đáng yêu của thời thơ ấu của mình.

  • Quang Huy, lớp 5/6

Mỗi bài giảng, mỗi tiết học, mỗi ngày đến trường… với em là cả thế giới rực rỡ sắc màu.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, em chân thành chúc tất cả thầy cô luôn vui vẻ, tràn ngập niềm tin; ngày nào cũng may mắn và thành công…

Bây giờ em đã hiểu “Em được như ngày hôm nay là nhờ các thầy, các cô”….

Tình cảm chân thành, lời văn trong sáng, nhẹ nhàng đi vào lòng bao người đọc. Với những câu truyện ngắn về thầy cô của học sinh tiểu học truyền đến cho bạn, hy vọng bạn cũng có thể tự tay viết nên những dòng cảm xúc dạt dào, những lời tự sự từ tận đáy lòng về thầy cô giáo của bạn nhé!

Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet