Những ngày qua, cụm từ “đám giỗ bên cồn” đang xuất hiện rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Điều này khiến cho một bộ phận cộng đồng mạng bắt đầu quan tâm đến chiếc trend “đám giỗ bên cồn”, cũng như thắc mắc về ý nghĩa “bên cồn” là gì?
“Bên cồn” là gì?
“Bên cồn” là một từ địa phương đặc trưng của người dân miền Tây. Đây là một vùng đất nổi lên trong phạm vi lòng sông. Hiểu đơn giản, “cồn” chính là phần đất nằm giữa sông, có địa hình đất gò, hình thành tự nhiên, bao quanh là nước.
Cồn được hình do phù sa bồi đắp theo thời gian, nên hầu như những cồn đất này đều có đặc điểm chung là đất đai màu mỡ và tươi tốt, tạo thành những mảnh đất sinh sống, trồng trọt của người dân miền Tây.
Ngoài “cồn”, người dân miền Tây còn dùng cụm từ “cù lao” để nói đến những vùng đất nổi lên giữa lòng sông. Theo Wikipedia, cồn và cù lao là một, nhưng cồn được xem là có diện tích nhỏ hơn và có ít người dân sinh sống hơn cù lao.
“Đám giỗ bên cồn” là gì?
“Đám giỗ bên cồn” chính là cụm từ được sử dụng để chỉ ngày giỗ (một buổi lễ/bữa tiệc tưởng niệm ngày người đã mất) diễn ra ở trên cồn.
Cụm từ “đám giỗ bên cồn” trở thành xu hướng thông qua những video của anh chàng Tiktoker Lê Tuấn Khang (22 tuổi, quê Sóc Trăng). Anh được xem một hiện tượng mạng những tháng cuối năm 2024 thông qua việc đăng tải các nội dung sáng tạo mang phong cách gần gũi, mộc mạc, hài hước mang đậm chất miền Tây trên nền tảng TikTok.
Nguồn gốc chiếc trend “đám giỗ bên cồn” xuất phát từ một video được Lê Tuấn Khang đăng tải vào tháng 4/2022. Về sau, cụm từ “đám giỗ bên cồn” xuất hiện khá nhiều trong các video được nam Tiktoker này đăng tải với những câu nói như: “Mày chở tao qua cồn ăn đám giỗ được không?” hoặc “Ngày mai đi qua cồn ăn đám giỗ”…
Điểm nhấn hài hước từ những video của Lê Tuấn Khang nằm ở các tình huống bi hài xảy ra trên hành trình sang cồn “ăn đám giỗ”. Điều này khiến cho nhiều người thích thú và cảm thấy tò mò về cái đám giỗ trong truyền thuyết này.
Nhờ độ viral của trend “đám giỗ bên cồn” mà “chính chủ” của chiếc trend này đã chế hẳn thành một bài hát mang đậm nét hóm hỉnh, đặc trưng của vùng miền. Trong đó hai câu hát: “Bên cồn sao đám giỗ hoài vậy? Đám giỗ bình dân nhưng bên cồn thuê gánh hát…” cùng với cụm từ “đám giỗ bên cồn” là từ khóa làm nên thương hiệu Lê Tuấn Khang.
Vì sao “đám giỗ bên cồn” là viral trên mạng xã hội?
Sau khi cái tên Lê Tuấn Khang trở thành hiện tượng mạng, cụm từ “đám giỗ bên cồn” cũng trở thành xu hướng, hàng loạt Tiktoker khác nhanh chóng băt trend và sáng tạo thêm nhiều phiên bản mới.
Nhiều video với hashtag #damgiobencon sau khi đăng tải đã thu hút hàng triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận, cho thấy mức độ viral và độ phủ sóng của trend đám giỗ bên cồn là vô cùng lớn. Nó cũng cho thấy sự yêu thích và hưởng ứng nồng nhiệt của cộng đồng mạng dành cho chiếc trend này cũng như chủ nhân của nó.
Miền Tây có những cồn nào nổi tiếng?
Miền Tây đặc trưng vùng sông nước do có lượng phù sa lớn từ dòng sông Mê Kông bồi đắp. Một số cồn, cù lao nổi tiếng có thể kể đến như:
- Cồn Vượt, cồn Long, cồn Lân, cồn Thới Sơn, cồn Tân Phong (tỉnh Tiền Giang)
- Cồn Ấu, cồn Sơn (TP Cần Thơ)
- Cù lao Dung (tỉnh Sóc Trăng)
- Cồn Hô, còn Chim, cồn Én, (tỉnh Trà Vinh)
- Cù lao An Hóa, cồn Quy, cồn Phụng, cồn Bửng, cồn Nhàn (tỉnh Bến Tre)
Một số từ, cụm nghe xong liền biết là “dân miền Tây”
Ngoài cụm từ “bên cồn” nổi tiếng, miền Tây còn gây ấn tượng khó phai bởi nơi đây sở hữu rất nhiều từ, cụm từ thú vị, đặc trưng mà chỉ có ở vùng sông nước này.
Phổ cập ngay một số từ, cụm từ quen thuộc mà chỉ cần nghe thôi cũng biết đó là “đặc sản” của người miền Tây:
- Lòi tói = Dây xích
- Hàng ba = Hành lang phía trước nhà
- Hầm bà lằng = Lộn xộn, hỗn tạp
- Cà rề = Chậm chạp
- Nhóc = Rất nhiều
- Mài mại = Nhớ mang máng, không nhớ rõ lắm
- Xin tỳ = Đợi một chút
- Xạc = Chà rửa
- Chỏ = Xen vào
- Làm nư = Lì, khó bảo
- Hũ hèm = Người hay uống rượu bia
- Ba láp ba xàm = Nói chuyện không đâu vào đâu
- Trớt quớt = Sai
- Tuốt ở trỏng = Sâu trong kia
- Huốc rồi = Xa quá rồi
- Hết xí quách = Mệt, rất mệt
- Chàng hãng chê hê = Ngồi với điệu bộ banh chân rộng ra
- Cà rá = Chiếc nhẫn
- Cà chớn = Người hay trêu ghẹo, đùa dai
- Chằng gay = Ích kỷ
- Ghệ = Người yêu
- Phang = Chọi, ném
- Mát trời ông địa = Thoải mái dễ chịu
Như vậy, không chỉ là trend giải trí hài hước, “đám giỗ bên cồn” của Lê Tuấn Khang còn là một hiện tượng văn hóa thú vị, giúp cộng đồng mạng có cơ hội được tìm hiểu ý nghĩa cụm từ “bên cồn” là gì, cũng như hiểu thêm phần nào về cuộc sống làng quê của người dân miền Tây Nam bộ.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.