Chờ...

Vì sao cúng ông Công ông Táo phải có cá chép?

VOH - Trong lễ cúng ngày 23 tháng Chạp, các gia đình đều chuẩn bị cá chép. Nhưng không phải ai cũng biết tại sao ông Công ông Táo chỉ cưỡi cá chép về chầu trời.

Từ lâu, nghi thức cúng và thả cá chép tiễn ông Công ông Táo đã in sâu vào tâm thức của người Việt. Để lý giải cho việc mâm cúng ngày 23 tháng Chạp của các gia đình không thể thiếu cá chép, mời bạn cùng VOH tìm hiểu qua bài viết sau.

Vì sao ông Công ông Táo chỉ cưỡi cá chép về chầu trời?

Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp các gia đình lại bận rộn làm mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Trong số các lễ vật, luôn có cá chép đỏ (cá chép thật hoặc cá chép giấy).

Sau khi cúng, cá chép sẽ được mang đi thả (hoặc hóa nếu là cá chép giấy). Dân gian quan niệm, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay lên trời để báo cáo với Ngọc Hoàng tình hình trong năm qua. Đến đêm giao thừa, các Táo mới trở lại trần gian tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.

Vì sao cúng ông Công ông Táo phải có cá chép? 1
Cá chép là lễ vật quan trọng trong lễ cúng tiễn ông Công ông Táo - Ảnh: @gasinguyen

Theo các nhà nghiên cứu, việc cúng, thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp liên quan đến sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng.

Trong tâm thức dân gian, cá chép sẽ hóa thành rồng bay được lên trời nên đây là “phương tiện” duy nhất giúp Táo quân về trời. Rồng có khả năng tạo mưa - yếu tố đóng vai trọng với nền nông nghiệp lúa nước.

Cá chép là một trong 3 thứ Tam sinh, tượng trưng cho phú quý. Nó còn đại diện cho khả năng phát triển và sinh sôi - tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa.

Đặc biệt, phóng sinh cá chép cũng mang ý nghĩa nhân văn. Tục cúng cá chép Tết ông Công ông Táo được cho là góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.

Đây là những lý do lễ cúng tiễn ông Công ông Táo không thể thiếu cá chép. Cũng là những ý nghĩa, mong ước tốt đẹp được người Việt gửi gắm trong phong tục này.

Xem thêm:
Cúng ông Táo gồm những gì? Gợi ý mâm cúng Táo quân chuẩn nhất
Sự tích ông Công ông Táo, lễ vật và bài văn khấn cúng ông Táo về Trời
Ở nhà thuê, nhà trọ, cửa hàng kinh doanh có cần cúng ông Táo không?

Truyền thuyết cá chép vượt vũ môn hóa rồng

Tương truyền ngày xưa nước, sông, biển và các sinh vật trong nước được ông Trời tạo ra đầu tiên. Đây cũng chính là khởi nguồn của mọi thứ.

Sau này ông Trời bận tạo ra con người và vạn vật nên không làm mưa nữa mà giao cho rồng (sinh vật ở cõi trời) phun nước xuống trần gian làm mưa. Tuy nhiên, số lượng rồng trên trời quá ít nên không thể làm mưa đều khắp mọi nơi.

Ông Trời liền tổ chức kỳ thi rồng để chọn những con vật có đủ tiêu chuẩn dưới trần gian làm rồng. Để trở thành rồng, phải vượt qua 3 kỳ thi, mỗi kỳ phải vượt qua một đợt sóng.

Vì sao cúng ông Công ông Táo phải có cá chép? 2
Tục cúng cá chép trong Tết ông Công ông Táo có liên quan truyền thuyết cá chép hóa rồng - Ảnh: Internet

Đến lượt một con cá chép vào dự thi, nó ngậm một viên ngọc trai quý ở miệng khiến thần Gió thấy lạ bay đến xem. Gió mây, sấm sét ào ạt kéo đến, sóng cao trỗi dậy. Cá chép nhờ những con sóng ấy mà vượt qua vũ môn và hóa rồng.

Cá chép hóa rồng trở thành biểu tượng của sự can đảm, kiên cường vượt khó, may mắn, chiến thắng, thành công. Hình ảnh này cũng tượng trưng cho sự an lành, sung túc, thịnh vượng trong cuộc sống; tài lộc trong kinh doanh và thành công, thành đạt trong học hành, sự nghiệp. 

Nên cúng ông Công ông Táo bằng cá chép thật hay cá chép giấy?

Với lễ cúng ông Công ông Táo, các gia đình dùng cá chép thật hay cá chép giấy đều được. Tuy nhiên lưu ý, nếu đã cúng cá chép sống thì thôi cá chép giấy và ngược lại.

Người dân miền Bắc thường mua và cúng cá chép sống thả trong chậu nước (ngụ ý cá chép hóa rồng) rồi phóng sinh. Còn đa phần người dân miền Nam đốt cá chép bằng giấy vàng mã.

Vì sao cúng ông Công ông Táo phải có cá chép? 3
Khi thả cá chép cúng ông Công ông Táo, nên chú ý thả trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp - Ảnh: Internet

Cách thả cá chép sau khi cúng ông Công ông Táo

Sau khi làm lễ cúng ông Công ông Táo, các gia đình dùng cá chép sống sẽ đem những con cá này đi phóng sinh ở ao, hồ, sông, suối… gần nhà. Vậy thả cá chép thế nào cho đúng?

  • Theo quan niệm dân gian, cá chép cúng tiễn ông Công ông Táo phải được thả trước giờ Ngọ, tức 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp thì mới kịp lên Thiên đình.
  • Nên chọn sông, suối, ao, hồ… nước sạch, không ô nhiễm và có không gian rộng để thả cá.
  • Thả cả gần chỗ mép nước, nghiêng túi/bát nhẹ nhàng để cá tự bơi vào dòng nước. Không đứng trên cao đổ, ném cá hay cả túi ni lông xuống nước.

Mâm lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp luôn có cá chép. Điều này có liên quan đến truyền thuyết cá chép hóa rồng cũng như ý nghĩa của cá chép, thể hiện mong ước về những điều tốt đẹp của nhân dân. 

Qua bài viết có VOH Thường thức, hy vọng bạn đã hiểu thêm về một phong tục của người Việt ta.