Chờ...

Lễ tạ mộ cuối năm làm vào ngày nào? Văn khấn và cách sắm lễ

VOH – Theo phong tục truyền thống, vào dịp cuối năm các gia đình Việt sẽ làm lễ tạ mộ để tri ân, tưởng nhớ, bày tỏ sự hiếu kính với ông bà, tổ tiên.

Từ lâu, lễ tạ mộ hay lễ Chạp mộ đã trở thành một nét đẹp truyền thống không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. Vào những ngày cuối năm, dù có đi xa tới đâu, có bận rộn cỡ nào, con cháu cũng sẽ dành thời gian đi thăm viếng, dọn dẹp mộ phần tổ tiên, người thân đã khuất và mời gia tiên về ăn Tết.

Trong bài viết này, VOH sẽ cùng bạn tìm hiểu thời gian, đồ lễ, các nghi thức và văn khấn lễ tạ mộ chi tiết.

Ý nghĩa lễ tạ mộ cuối năm

Lễ tạ mộ hay còn gọi là lễ Chạp là nghi thức được thực hiện vào tháng 12 Âm lịch hàng năm.

Các gia đình sẽ tới nơi đặt mộ phần tổ tiên, người thân đã khuất; trước là làm lễ tạ ơn tôn thần cai quản khu mộ của gia đình; sau là dọn dẹp, sửa sang, tu bổ lại mộ phần và mời gia tiên về ăn Tết với con cháu.

le-ta-mo-voh-anh-minh-hoa
Mỗi dịp cuối năm, các gia đình Việt lại đi tạ mộ - Ảnh minh họa: congvienthienduc

Lễ tạ mộ cuối năm không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện lòng hiếu thảo, thành kính với người đã khuất, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, trọng đạo hiếu, tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, công ơn sinh thành của cha mẹ… Đây đều là những truyền thống lâu đời và có ý nghĩa của người Việt Nam.

Làm lễ tạ mộ cuối năm vào ngày nào?

Lễ tạ mộ thường được diễn ra vào cuối tháng Chạp hàng năm. Nhiều gia đình thường chọn làm lễ Chạp trong khoảng thời gian từ 20 tháng Chạp cho đến 30 Tết (hoặc 29 Tết).

Tùy vào tình hình thời tiết, điều kiện sức khỏe cũng như thời gian mà chúng ta có thể sắp xếp sao cho phù hợp. Song lưu ý, việc tạ mộ cuối năm cần xong xuôi trước khi làm mâm cơm đón Tất niên.

Sắm lễ tạ mộ cuối năm như thế nào?

Đồ lễ tạ mộ có thể được chuẩn bị tùy theo điều kiện của từng gia đình hay phong tục của từng địa phương. Dưới đây là một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo.

le-ta-mo-chuan-bi-anh-minh-hoa
Các gia đình chuẩn bị lễ vật tạ mộ theo điều kiện và phong tục địa phương (nếu có) - Ảnh minh họa: Internet

Cúng thần cai quản nghĩa trang: chuẩn bị hương hoa, quả, vàng thuyền (nếu có)… Lưu ý không nên đặt tiền âm phủ lên ban thờ Địa Tạng Vương và ban thờ Sơn Thần Thổ Địa, nếu đặt lễ thì đặt tiền thật.

Mâm cúng ở phần mộ gia tiên: hương hoa, trầu cau, vàng mã, lễ mặn hoặc ngọt tùy theo gia chủ. Có thể chuẩn bị những đồ lễ gồm:

  • 1 con gà hoặc một khoanh giò
  • 1 đĩa xôi hoặc bánh chưng
  • 1 đĩa gạo muối
  • 1 bát nước
  • Rượu trắng
  • Thuốc, chè
  • Vàng mã
  • 4 cái oản đỏ
  • 5 lá trầu và 5 quả cau
  • 9 bông hồng đỏ
  • Đĩa hoa quả (5 quả tròn).

Những nghi lễ trong lễ tạ mộ cuối năm

  • Trước khi ra mộ làm lễ tạ mộ, mời gia tiên về ăn Tết, các gia đình nên dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa từ trong ra ngoài.
  • Khi đến nghĩa trang, nên đến nơi thờ Thổ địa hoặc nơi thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát để đặt lễ, thắp nhang trước. Sắp các lễ lên ban thờ, thắp 9 nén nhang, chắp tay lòng thành xá lễ 5 lễ rồi khấn. Chú ý hóa vàng thuyền dâng lên các vị, tránh để quên.
  • Đến phần mộ tổ tiên, con cháu dọn dẹp khu vực xung quanh, loại bỏ các loại cây cỏ mọc trùm lên mộ, chăm sóc các loại cây cảnh (nếu có)..
  • Sau khi phần mộ được dọn dẹp phong quang sạch sẽ, con cháu bày biện đồ lễ. Đặt lễ trên nơi thờ chung ở phần mộ hoặc đặt bàn lễ nhỏ dưới chân phần mộ nếu là mộ riêng.
  • Thắp 9 nén nhang lên bát hương trước mộ (không có bát hương thì cắm xuống đất phần chân mộ), sau đó quỳ lễ gia tiên và khấn (bài khấn bên dưới).
  • Hương cháy được một nửa thì có thể hóa tiền vàng, hạ lễ. Với các gia đình thực hiện nghi lễ cúng trước khi dọn dẹp mộ phần thì dọn xong nhớ đốt một nén nhang, cắm lên phần mộ rồi xin hạ lễ và đốt tiền vàng.
  • Sau khi hoàn thành lễ tạ mộ trở về nhà, các gia đình cần chuẩn một mâm cơm, lễ vật tiền vàng… để cung thỉnh gia tiên tại nhà. Sau khi sắp lễ lên bàn thờ gia tiên, thắp 9 nén nhang, chắp tay quỳ lễ 9 lễ và khấn (theo bài khấn bên dưới).
  • Với các gia đình không thể về Chạp mộ trực tiếp, có thể làm lễ rước gia tiên về đón năm mới như sau: bày cỗ lên bàn thờ, đèn, hương hoa dâng cúng vào trưa (giờ Ngọ) ngày 30 Tết (hoặc 29 Tết) rồi khấn tổ tiên về dự hưởng Tết với gia đình.

Bài văn khấn lễ tạ mộ cuối năm

Sau khi bày biện lễ vật xong xuôi, chúng ta sẽ tiến hành nghi thức tiếp theo là phần cúng. Dưới đây là một số mẫu văn khấn lễ tạ mộ cuối năm mà các gia đình có thể tham khảo.

Bài khấn lễ Chạp – bài số 1

Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam của NXB Văn Hóa – Thông Tin

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính lạy ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương quản cai nơi nghĩa trang.

Con kính lạy Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa Tôn thần.

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ Long Mạch Tôn thần, các ngài Tiền Chu tước, Hậu Huyền vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản trong nơi nghĩa trang này.

Con kính lạy hương linh cụ…

Hôm nay là ngày… tháng Chạp, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.

Tín chủ (chúng) con là… Ngụ tại…

Chúng con sắm sanh phẩm vật, hương hoa trà quả, kim ngân tài mã, dâng hiến trình cáo Tôn thần, kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là…  có phần mộ táng tại… được về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, Phủ thùy doãn hứa.

Âm dương cách trở

Bát nước nén hương

Thành tâm kính lễ

Cúi xin chứng giám

Phù hộ độ trì

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Văn khấn lễ tạ mộ cuối năm – bài số 2

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Kính lạy ngài Kim niên đương cai Lưu Vương hành khiển, Ngũ Ôn Chi Thần, Nguyễn Tào phán quan.

Kính lạy ngài bản cảnh Thành Hoàng Chính vị Đại Vương

Ngài bản xứ Thần Linh Thổ Địa Tôn Thần

Kính lạy các ngài ngũ phương, Ngũ Thổ Long Mạch Tôn Thần. Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản trong xứ này.

Kính lạy hương cụ…

Hôm nay là ngày… tháng… nhằm tiết cuối đông sắp sang năm mới.

Chúng con là…

Sắm sang vật phẩm, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình Tôn Thần, kính rước vong linh gia tiên của chúng con là (tên)…

Có phần mộ tại đây về với gia đình… để cháu con phụng sự trong tết, báo đáp, tỏ lòng hiếu kính.

Cúi xin Tôn Thần phù thùy doãn hứa. Âm dương cách trở, bát nước nén hương hiếu tâm, lòng cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo!

van-khan-ta-mo-voh
Bài văn khấn tạ mộ

Văn khấn thần cai quản nghĩa trang

Con kính lạy Thập Điện Diêm Vương.

Con kính lạy Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Con kính lạy Sơn thần, Long thần, Thổ địa cai quản nghĩa trang… (tên, địa chỉ của nghĩa trang)

Hôm nay là ngày… tháng… năm… chúng con là con cháu hậu duệ của dòng họ… có chút lễ vật lòng thành nhang đăng xin các ngài cho phép chúng con được đến làm lễ tạ trước phần mộ của gia tiên họ… nhân dịp Tết cổ truyền năm… Cầu xin các ngài cho phép chỉnh trang phần mộ, cho phép chúng con cung thỉnh gia tiên về đón Tết!

Chúng con xin đa tạ (3 lần).

Khấn xong thì chắp tay xá 5 lễ rồi đi lùi 3 bước mới được quay đầu.

Mẫu văn khấn lễ tạ mộ ở mộ phần gia tiên

Kính lạy cha mẹ, ông bà cùng gia tiên nội ngoại họ…

Hôm nay là ngày... tháng... năm....

Con xin được cẩn cáo với gia tiên rằng: Nhân dịp Tết Nguyên đán mừng đón xuân mới năm Canh Tý, chúng con thành kính sửa soạn lễ vật, tiền vàng, nhang đăng cung thỉnh kính mời cha mẹ, ông bà cùng gia tiên nội ngoại họ… về ngự trước án ở tổ đường nơi thờ tổ tiên, để con cháu chúng con được chiêm bái và báo hiếu tổ tiên trong những ngày đầu Xuân.

Chúng con thành kính chấp lễ cung thỉnh kính mời cha mẹ, ông bà cùng gia tiên nội ngoại sa giá.

Sau đây chúng con xin phép gia tiên nội ngoại cho phép chúng con được thực hiện nghi lễ tạ mộ và dọn dẹp sạch sẽ phần mộ của gia tiên.

Chúng con xin đa tạ (3 lần).

Chắp tay xá lạy 9 lạy.

Văn khấn cung thỉnh gia tiên tại nhà

Kính lạy cha mẹ, ông bà cùng gia tiên nội ngoại, hôm nay là ngày… tháng... năm… chúng con với tấm lòng lòng thành kính xin được kính rước cha mẹ, ông bà và gia tiên nội ngoại ngự giá tại nhà thờ gia tiên để chúng con được thỉnh lễ báo hiếu nhân dịp tết đón xuân năm mới…

Con cháu chúng con xin được sửa soạn lễ vật, tiền vàng cùng sơn hào hải vị, nhang đăng kính mời cha mẹ, ông bà cùng gia tiên nội ngoại thụ hưởng, cầu xin tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu đón xuân vui vẻ và bước sang năm mới với vận khí mới và niềm vui mới, luôn được mạnh khỏe, thành đạt, và hạnh phúc, cầu nguyện cho gia tộc họ… nhà ta vận khí luôn hanh thông, vạn sự được như ý.

Chúng con xin đa tạ (3 lần).

Làm lễ tạ mộ cuối năm cần chú ý gì?

Với lễ tạ mộ hay Chạp mộ vào dịp cuối năm, chúng ta cần lưu ý những điều sau:

  • Chuẩn bị lễ vật tạ mộ phù hợp với điều kiện, không cần phải quá cầu kỳ, linh đình, tấm lòng thành tâm tưởng nhớ đến người đã khuất mới là điều quan trọng nhất.
  • Không nên mua quá nhiều vàng mã và lạm dụng đốt vàng mã.
  • Khi đi Chạp mộ, chú ý ăn mặc gọn gàng, lịch sự, thuận tiện cho việc dọn dẹp, sửa sang phần mộ. Lưu ý lời nói, hành động, không nói tục, chửi bậy…
  • Không nên đi tạ mộ quá sớm (sương chưa tan hết) hoặc quá muộn (chiều muộn). Dân gian quan niệm nhưng thời điểm này không có lợi cho sức khỏe, nhất là việc tạ mộ diễn ra ở nghĩa trang.
  • Nghĩa trang thường có nơi thờ thần linh, Thổ địa riêng, cho nên cần sắp lễ vật ở miếu thần linh.
  • Chú ý đến phần mộ của tất cả người trong dòng họ. Ngoài ra, nên thắp hương cho những ngôi mộ vô chủ bên cạnh mộ người thân.
  • Không dẫm đạp lên phần mộ của các gia đình khác hoặc đá vào đồ cúng.
  • Đi tạ mộ về, nên hơ lửa hoặc tắm nước gừng để thanh lọc.
  • Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, người ốm yếu, phụ nữ mang thai nên hạn chế đi tạ mộ.
  • Ngoài ra, lễ tạ mộ của các gia đình có người mất trong năm nên được làm cẩn thận hơn những năm khác.

Lễ tạ mộ hay lễ Chạp mộ dịp cuối năm không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện truyền thống tốt đẹp của người Việt mà còn là “chiếc cầu” nối liền quá khứ với hiện tại, giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về tình thân, lòng biết ơn và sự an yên trong tâm hồn. Mong rằng, bài viết của VOH đã giúp bạn hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa được gìn giữ bao đời nay.

Theo dõi chuyên mục Thường thức để cập nhật thêm nhiều bài viết hay!

(*) Thông tin bài viết mang tính tham khảo.