Đăng nhập

Ý nghĩa câu nói “Nhân vô thập toàn” là gì?

VOH - Cổ nhân có câu: “Kim vô túc xích, nhân vô thập toàn” để răn dạy thế hệ sau những bài học triết lý nhân sinh sâu sắc. Vậy “Nhân vô thập toàn” nghĩa là gì?

Để răn dạy con cháu đời sau, người xưa đã có rất nhiều câu nói đúc kết những bài học nhân sinh quý giá, trong đó có câu nói “Nhân vô thập toàn”. Vậy “Nhân vô thập toàn” là gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

“Nhân vô thập toàn” là gì?

"Nhân vô thập toàn" là một câu nói khá quen thuộc trong đời sống hằng ngày xuất phát từ một quan niệm cổ xưa là "Kim vô túc xích, nhân vô thập toàn". Ta phân tích như sau:

  • Nhân /人/: nghĩa là người.
  • Vô /无 /: nghĩa là không.
  • Thập /十/: nghĩa là mười, hoàn hảo.
  • Toàn /全/: nghĩa là toàn vẹn, đầy đủ.

Như vậy, "Nhân vô thập toàn" có nghĩa là con người không ai là hoàn hảo, ai cũng có những khuyết điểm, những mặt hạn chế riêng. Bên cạnh đó, câu nói này còn mang một nét nghĩa khác chính là sống trên đời, để làm vừa lòng tất cả mọi người là điều không thể.

Các câu nói như "Nhân bất thập toàn" /人不十全/ hay "Nhân sinh vô thập toàn" /人生无十全/ cũng mang những nét nghĩa tương tự.

Ý nghĩa của câu nói "Nhân vô thập toàn"

"Nhân vô thập toàn" là quan niệm chứa đựng những bài học sâu sắc về cuộc sống. Một số người hay biến tướng câu nói này để tự tha thứ cho lỗi lầm, những khuyết điểm mình mắc phải. Nhưng từ một hướng nhìn khác, ý nghĩa của nó hoàn toàn trái lại.

Đã là con người thì không ai hoàn hảo

Đã là con người, dù ít hay nhiều đều có những phần chưa “trọn vẹn”. Đó là lẽ thường tình. Ta không thể biến mình trở thành một người quá hoàn hảo vì ta không phải là các “bậc thánh nhân”.

Có rất nhiều người đã dành cả cuộc đời để tìm kiếm sự hoàn hảo trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ công việc, các mối quan hệ đến sở thích cá nhân. Tuy nhiên, sự hoàn hảo là một khái niệm rất khó để đạt được. Khi ta chấp nhận và trân trọng cả những mặt chưa hoàn thiện của bản thân và người khác, ta mới có thể sống một cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Thay vì tìm kiếm sự hoàn hảo, chúng ta nên tập trung vào việc phát triển và cải thiện chính mình qua từng ngày, đồng thời hiểu rằng những sai lầm và thiếu sót là cơ hội để ta học hỏi và trưởng thành.

nhan-vo-thap-toan-la-gi-voh-2
"Nhân vô thập toàn" là quan niệm cổ xưa nói rằng đã là con người thì không ai hoàn hảo cả - Ảnh: Internet

Không có điều gì là hoàn hảo và tuyệt đối

Khi chúng ta mưu cầu sự hoàn hảo trong cuộc sống, ta sẽ trở nên cầu toàn trong từng chi tiết, từng khía cạnh. Khi đó, ta vô tình khiến cuộc sống luôn ở trạng thái kỳ vọng trong áp lực.

Khi bạn liên tục chỉ trích bản thân rằng mình chưa đủ tốt, chưa đủ nỗ lực, so sánh cuộc đời mình với cuộc đời người khác, kết quả là bạn sẽ mãi không thể nào thực sự hài lòng với cuộc sống của chính mình. 

Không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người

Mỗi người có những quan điểm, sở thích và kỳ vọng khác nhau. Do đó, việc làm hài lòng tất cả là điều không thể. 

Thay vì cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người, chúng ta nên tập trung vào việc sống đúng với giá trị và nguyên tắc của mình. Hãy làm những điều mà bạn cảm thấy đúng đắn và có ý nghĩa, đồng thời tôn trọng ý kiến và quan điểm của người khác. Việc chấp nhận rằng không thể làm hài lòng tất cả sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực và sống một cuộc sống thoải mái hơn.

Bài học từ câu nói "Nhân vô thập toàn"

Câu tục ngữ "Nhân vô thập toàn" mang ý nghĩa sâu sắc về sự chấp nhận và khoan dung. 

Chấp nhận khuyết điểm

Mỗi người đều có những điểm yếu và không ai là hoàn hảo. Hiểu được điều này sẽ giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận bản thân và người khác. Điều này sẽ giúp chúng ta rèn luyện sự cảm thông, bao dung và thấu hiểu, từ đó có thể xây dựng những mối quan hệ sâu sắc hơn.

Không bao biện lỗi lầm

Tuy nhiên, chúng ta không nên dùng câu nói "Nhân vô thập toàn" để bao biện, bào chữa cho những hành động sai lầm một cách có chủ đích. 

Khi chúng ta mắc sai lầm, điều quan trọng là phải thừa nhận, chịu trách nhiệm và học hỏi từ những sai lầm đó. Thay vì biện minh hoặc đổ lỗi rằng ai cũng có thể mắc sai lầm, hãy tìm cách sửa chữa và cải thiện bản thân. Điều này không chỉ giúp chúng ta trưởng thành hơn mà còn nhận được sự tôn trọng từ người khác.

nhan-vo-thap-toan-la-gi-voh-6
Sai lầm chỉ thực sự là sai lầm khi chúng ta không học được gì từ nó - Ảnh: Canva

Sống khiêm tốn và khoan dung

Khi nhận thức rằng không ai là hoàn hảo, chúng ta dễ dàng khiêm tốn cũng như bao dung hơn với những lỗi lầm của người khác.

Khiêm tốn giúp chúng ta nhận ra rằng luôn có điều để học hỏi từ người khác. Nó khuyến khích chúng ta lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác và không tự cao tự đại. Sống khiêm tốn cũng giúp chúng ta dễ dàng nhận ra và sửa chữa những sai lầm của mình.

Khoan dung là khả năng chấp nhận và tha thứ những sai lầm và khuyết điểm của người khác. Nó giúp chúng ta duy trì sự bình tĩnh và hiểu biết trong các mối quan hệ, giảm bớt xung đột, tạo ra một môi trường tích cực và hòa hợp cho mọi người xung quanh.

Không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân

Nhận thức được những hạn chế của mình là động lực để chúng ta không ngừng học hỏi, rèn luyện và hoàn thiện bản thân. Hãy tập trung vào việc phát triển bản thân, phát huy những điểm mạnh và cải thiện những điểm yếu, thay vì áp đặt sự hoàn hảo lên chính mình và người khác.

nhan-vo-thap-toan-la-gi-voh-4
Sống khiêm tốn, chấp nhận khuyết điểm và cải thiện bản thân sẽ giúp mỗi cá nhân phát triển hơn từng ngày - Ảnh: Canva

Những câu nói Hán Việt hay về con người

Những câu nói Hán Việt về con người giúp bạn hiểu thêm về các khía cạnh nhân sinh trong cuộc sống này.

1. Ẩm thủy tư nguyên, duyên mộc tư bổn /饮水思源,缘木思本/: Làm người phải nhớ nguồn gốc, nhớ ai đã giúp đỡ mình.

2. Đa niên đích lộ tẩu thành hà, đa niên đích tức phụ ngao thành bà /多年的路走成河,多年的媳妇熬成婆/: Người sống lâu sẽ lên lão làng, nhiều kinh nghiệm.

3. Nhân vô hoành tài bất phú, mã vô dạ thảo bất phì /人无横财不富,马无夜草不肥/: Người không có kế hoạch làm việc, kiếm tiền sẽ không giàu sang. 

4. Mèo khóc chuột, giả từ bi /猫哭老鼠假慈悲/: Những người dối trá, giả bộ từ bi, giả vờ đồng cảm.

5. Nhân bằng chí khí, hổ bằng uy /人凭志气虎凭威/: Làm người nên có chí lớn và sự khảng khái, không chịu khuất phục trước sức mạnh hoặc trở ngại.

nhan-vo-thap-toan-la-gi-voh-3
"Nhất cá hương lô nhất cá khánh, nhất cá nhân nhất cá tính" nghĩa là mỗi người mỗi khác, không ai giống ai - Ảnh: Internet

6. Nhất cá hương lô nhất cá khánh, nhất cá nhân nhất cá tính /一个香炉一个磬,一个人一个性/: Tính cách mỗi người mỗi khác, không ai giống ai.

7. Tam nhân hành, tất hữu ngã sư /三人行, 必有我師/: Ba người cùng đi, ắt có người là thầy ta.

8. Thức thời vụ giả vi tuấn kiệt /识时务者为俊杰/: Những ai biết thời thế là người tài giỏi, sẽ thành công.

9. Quân tử báo cừu, thập niên bất vãn /君子报仇, 十年不晚/: Không nên vội vã nhất thời mà bỏ quên mục đích.

10. Sĩ khả sát nhi bất khả nhục /士可杀而不可辱/: Kẻ sĩ có thể chết chứ không chịu bị làm nhục.

Trên đây là những lý giải về câu "Nhân vô thập toàn" cùng với những bài học triết lý mà bài viết gửi đến bạn. Để hiểu thêm về ý nghĩa của những câu nói Hán Việt, những câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.

Bình luận