Tiêu điểm: Nhân Humanity

17 phong tục ngày Tết cổ truyền đậm đà hồn Việt

VOH - Tết Nguyên đán cùng với những phong tục ngày Tết vẫn bền vững với thời gian và được lưu truyền từ bao đời nay.

Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt. Với quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt”, những ngày đầu năm luôn được chú trọng làm những việc mang đến may mắn với mong ước cả năm vạn sự hanh thông, gặp nhiều tốt đẹp.

Dưới đây là những phong tục trong ngày Tết một truyền thống của người Việt Nam được lưu truyền cho đến ngày nay.

Phong tục là gì?

Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, phong tục là thói quen, tục lệ đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo.

Như vậy, phong tục tuy không mang tính cố định, bắt buộc như nghi thức nhưng đã đi vào tiềm thức người dân, trở thành thói quen tương đối bền vững trong hoạt động sống thường ngày.

Xem thêm:
Phong tục tập quán là gì? Cách gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam
Nhân văn là gì? Chủ nghĩa nhân văn là gì? Cách nuôi dưỡng lối sống nhân văn
Văn hóa là gì? Những biểu hiện và giá trị của một nền văn hóa

Những phong tục ngày Tết Nguyên đán của người Việt

Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết cổ truyền, được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của người Việt. Những phong tục trong ngày Tết vẫn được lưu giữ và duy trì từ bao đời cho đến nay. Dưới đây là một số phong tục ngày Tết ý nghĩa ở Việt Nam.

Đoàn tụ bên gia đình

Theo quan niệm của người Việt, Tết Nguyên đán là Tết đoàn viên. Đây là dịp để mọi thành viên trong gia đình đoàn tụ, gặp gỡ. 

Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước Giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu. Đây còn gọi là cúng gia tiên.

Cúng ông Công, ông Táo

Cúng ông Công, ông Táo diễn ra vào 23 tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch). Vào ngày này, mọi gia đình sẽ dọn dẹp sạch sẽ căn bếp, mua cá vàng, quần áo, tiền giấy để tiễn đưa ông Công, ông Táo về trời. Theo dân gian, ông Công ông Táo sẽ về báo cáo với Ngọc Hoàng về tình hình gia chủ một năm qua.

Cá vàng sau khi được cúng xong sẽ được phóng sinh, thả vào sông, suối. 

17 phong tục ngày Tết cổ truyền đậm đà hồn Việt 1
Mâm cúng ông Công, ông Táo - Ảnh: Internet

Đi chợ Tết

Không khí của chợ Tết luôn rất đặc biệt. Vẫn sự nhộn nhịp thường ngày nhưng được mang hơi thở của mùa Xuân, chợ Tết đông vui và tươi tắn hơn rất nhiều.

Đi chợ Tết là một hoạt động vô cùng thú vị, kéo dài từ sáng sớm đến đêm khuya. Đi chợ Tết không chỉ để sắm sửa thực phẩm, quần áo mới, mua hoa quả trang trí cho gia đình mà còn là dịp để tận hưởng không khí cả năm có một này.

Gói bánh tét, bánh chưng ngày Tết

Miền Bắc thường gói bánh chưng còn miền Nam thì gói bánh tét. Nhờ gói bánh chưng, bánh tét mà Tết cổ truyền Việt Nam trở nên ấm cúng và ý nghĩa hơn.

Bánh chưng, bánh tét là những món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Đây là món quà ý nghĩa dành cho người thân, bạn bè.

Những ngày trước Tết, nhiều gia đình, dòng họ, thôn xóm thường tụ tập cùng nhau trò chuyện, gói bánh, luộc bánh thâu đêm. Bánh chưng, bánh tét thường được các gia đình sắp sửa và gói từ ngày 27, 28, 29 Tết.

Phong tục gói bánh tét, bánh chưng ngày Tết không chỉ tạo ra món ăn ngon đầu năm mà còn thắt chặt sợi dây gắn kết tình cảm, từ gia đình thôn xóm. Những khoảnh khắc quây quần cùng nhau sẽ tạo nên ký ức đẹp, theo mỗi con người trong suốt những năm tháng sau này.

17 phong tục ngày Tết cổ truyền đậm đà hồn Việt 2
Phong tục gói bánh tét, bánh chưng ngày Tết - Ảnh: Internet

Chơi hoa dịp Tết

Ở miền Bắc, loài hoa Tết đặc trưng là hoa đào, còn miền Nam là hoa mai. Ngoài ra, các gia đình còn chơi cây quất cảnh để cầu mong may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng trong ngày Tết cổ truyền.

Ngoài ra, các gia đình cũng mua hoa cúc, hoa lan, hoa đồng tiền,… để trang trí nhà cửa thêm vui tươi, rước lộc vào nhà.

Bày mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Mâm ngũ quả gồm 5 loại trái cây khác nhau, đại hiện cho Ngũ phúc lâm môn: Phúc – Quý – Thọ – Khang – Ninh.

Mỗi địa phương sẽ có những cách bày mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên khác nhau, sử dụng những hoa quả khác nhau. Thông thường, mâm ngũ quả sẽ gồm: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung.

Mâm ngũ quả thể hiện lòng thành kính đối với trời đất, ông bà tổ tiên. Đồng thời cũng là cầu mong một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý.

17 phong tục ngày Tết cổ truyền đậm đà hồn Việt 3
Mâm ngũ quả ngày Tết - Ảnh: Internet

Dọn dẹp nhà cửa

Những ngày cận Tết, những gia đình lại nhộn nhịp dọn dẹp nhà cửa. Thói quen này xuất phát từ ý nghĩa khi dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chúng ta sẽ bỏ hết đi những điều không may của năm cũ và chuẩn bị đón năm mới với những điều may mắn, tài lộc nhiều hơn.

Viếng thăm mộ tổ tiên

Trước Tết, để thể hiện lòng kính trọng, trọn đạo hiếu đối với ông bà, tổ tiên thì con cháu trong gia đình thường ra mộ thăm viếng, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của của người đã khuất.

Hoạt động này thường diễn ra vào 25 tháng Chạp, là một phong tục phổ biến của người Việt trước khi đón Tết Nguyên đán.

Cúng tất niên

Vào 30 Tết, các gia đình thường làm những mâm cỗ tươm tất để thắp hương mời ông bà, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình. Bữa cơm tất niên cũng là để kết thúc một năm cũ và chuẩn bị đón chào năm mới.

17 phong tục ngày Tết cổ truyền đậm đà hồn Việt 4
Thịt kho, bánh tét, khổ qua là những món ăn truyền thống vào dịp Tết - Ảnh: Internet

Đón giao thừa

Giao thừa là khoảnh khắc rất thiêng liêng, là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đây là khoảnh khắc đất trời giao thoa, thiên nhiên và con người trở nên gần gũi nhất. Trong đêm giao thừa thường có nhiều hoạt động như ngắm pháo hoa, đi chùa, hái lộc,...

Đi chùa, hái lộc

Đi chùa, hái lộc đầu năm là phong tục mang nhiều ý nghĩa của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán. Đây không chỉ là hoạt động cầu xin một năm mới may mắn mà còn bày tỏ tấm lòng thành kính đối với trời đất, tổ tiên.

Trong đêm giao thừa, khi đi chùa người ta thường kết hợp hái lộc để cầu may mắn, rước lộc vào nhà.

Xem thêm:
Bộ câu đố Tết vui và khó nhất kèm đáp án
60 bài thơ về Tết đong đầy cảm xúc cho năm mới
Tài lộc, may mắn bủa vây với 120 câu đối Tết ý nghĩa

Xông đất đầu năm

Theo quan niệm của người Việt, xông đất đầu năm vô cùng quan trọng. Vì vậy, nhiều gia đình đi xem tuổi, nhờ người hợp tuổi xông đất cầu mong gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt.

Thời điểm xông đất là thời điểm sau phút giao thừa và người xông đất thường là người vui tính, hay gặp may mắn và đặc biệt là hợp tuổi.

17 phong tục ngày Tết cổ truyền đậm đà hồn Việt 5
Mừng tuổi, lì xì là phong tục mong nhận được lộc đầu năm - Ảnh: Canva

Mừng tuổi, lì xì ngày Tết

"Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy". Người Việt có phong tục lì xì, đi chúc Tết họ hàng, bạn bè, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và trao nhau những phong bao lì xì may mắn.

Phong tục xuất hành

Người Việt quan niệm, xuất hành đầu năm nếu thuận lợi thì cả năm sẽ đại cát, đại lợi. Vì vậy, nhiều gia đình chọn xem ngày tốt, xem hướng để ra đường vào ngày đầu năm nhằm cầu mong năm mới với nhiều thuận lợi đặc biệt là trong công việc, buôn bán, học tập.

Xin chữ đầu năm

Xin chữ đầu năm là một phong tục xuất hiện từ lâu đời. Vào dịp đầu năm mới, mọi người sẽ cùng nhau đi xin chữ để treo trong nhà, cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình và người thân. Mỗi người sẽ có những mong muốn xin các dòng chữ khác nhau, nhưng đều chung một mong muốn là mọi sự tốt lành, gia đình thuận hoà, tài lộc, sức khỏe.  

17 phong tục ngày Tết cổ truyền đậm đà hồn Việt 6
Xin chữ đầu năm là một hoạt động truyền thống cần được bảo tồn và lưu truyền - Ảnh: Internet

Khai bút đầu năm

Khai bút đầu năm mang ý nghĩa kế thừa truyền thống hiếu học, chăm chỉ và không ngừng vươn lên dù có khó khăn.

Khai bút đầu xuân nhằm mong muốn sẽ có một năm mới thuận lợi, hanh thông và vạn sự như ý. Chữ đầu năm mới thường thể hiện những lời chúc an lành, đồng thời phản ánh sự tôn trọng của người viết với câu chữ.

Kiêng không quét rác ngày Tết

Dân gian quan niệm rằng, 3 ngày Tết không được quét rác, có thể quét gọn ở trong nhà nhưng không đổ rác đi mà chỉ được để ở góc nhà. Nếu quét rác đầu năm thì gia đình sẽ bị mất lộc, hao tài của.

Tết là mở đầu của một năm mới, ai cũng mong mình sẽ đạt được những điều may mắn. Do đó, có những phong tục ngày Tết dường như đã ăn sâu bám rễ trong đời sống người Việt, trở thành một phần không thể thiếu. Đó cũng chính là truyền thống tốt đẹp mà mọi người cần trân trọng và giữ gìn.

Hy vọng những chia sẻ bổ ích trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa cũng như phong tục ngày Tết cổ truyền. Đừng quên theo dõi VOH - Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận