Chờ...

Rốp rẻng là gì? Một vài tiếng lóng thông dụng của người Nam Bộ xưa

VOH - Rốp rẻng là cụm từ được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày. Thế nhưng, “rốp rẻng” thực chất chỉ là tiếng lóng của người dân Nam Bộ, vậy rốp rẻng là gì?

Những người sống ở miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng, chắc hẳn phải hơn một lần nghe thấy từ “rốp rẻng”. Thế nhưng, có bao giờ bạn tự hỏi rốp rẻng là gì hay không? Nếu bạn đang có những băn khoăn về cụm từ này, cùng VOH đi tìm câu trả lời trong bài viết sau đây.

Rốp rẻng là gì?

Rốp rẻng là tiếng lóng của người dân miền Nam, với ý nghĩa là “làm nhanh chóng, nhanh nhẹn”. Cụm từ này được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày và hiếm khi được dùng trong văn viết. Ví dụ như: “Hôm nay chị rốp rẻng thế!”, “Rốp rẻng lên coi, sao mà chậm chạp thế?”….

Rốp rẻng là gì? Một vài tiếng lóng thông dụng của người Nam Bộ xưa 1
Rốp rẻng là tiếng lóng của người miền Nam - Ảnh: Internet

Cùng với một số từ lóng khác như: hén, hen, hôn, tà tà, tàn tàn, cù lần, sức mấy… rốp rẻng trở thành cụm từ quen thuộc dễ thương của người dân Nam Bộ. Cũng trở thành một nét đặc trưng của xứ sở miền Nam.

Từ “rốp rẻng” trong tiếng Anh có nghĩa là “Quick”. Ví dụ: The customer acted quickly and transferred the money right after she decided to purchase the goods. (Chị khách nhanh nhẹn ghê, quyết định mua hàng xong là chuyển khoản rốp rẻng).

Từ tiếng lóng “rốp rẻng” đến những đặc trưng ngôn ngữ bình dân miền Nam xưa

Từ “rốp rẻng” được xếp vào nhóm tiếng lóng của ngôn ngữ miền Nam. Không ai biết cụm từ này xuất hiện từ khi nào, nhưng có thể nó có cùng thời với những từ mà ngày xưa người dân Nam Bộ hay dùng như: Mèn ơi, nghen, hén, thềm ba, cà rịch cà tang, tàn tàn… và những câu thường dùng như: Kêu gì như kêu đò Thủ Thiêm, làm nư, cứng đầu cứng cổ, tháng mười mưa thúi đất,…

Tiếng lóng miền Nam có sự khác biệt với tiếng lóng những vùng miền khác. Có lẽ do sự pha trộn của ngôn ngữ miền Bắc vào những năm 1950 hòa cùng với ngôn ngữ Sài Gòn, miền Tây đã tạo ra thêm phong cách mới cho ngôn ngữ miền Nam. Điều này cũng đã làm tăng thêm một số từ mới phù hợp với chất giọng hơn. Chẳng hạn người Bắc nhập cư nói từ “Xạo ke” dễ hơn là nói từ “Ba xạo”.

Trong văn hóa nói, người miền Nam thường dùng điệp từ cùng nguyên âm, phụ âm hoặc hình tượng nào đó để tăng tính nhấn mạnh, ví dụ như: ba láp ba xàm, cà chớn cà cháo, sai bét bèng beng (từ bèng beng không có nghĩa), sai đứt đuôi con nòng nọc… Hay câu “Thôi tao chạy trước tụi bây ở lại chơi vui hén”. Ở đây từ “chạy” có nghĩa là “đi về”, chứ không phải là động từ “chạy đi” như theo cách hiểu thông thường.

Rốp rẻng là gì? Một vài tiếng lóng thông dụng của người Nam Bộ xưa 2
Ngôn ngữ miền Nam xưa có sự khác biệt với những ngôn ngữ vùng miền khác - Ảnh: Internet

Thậm chí, người miền Nam còn dùng cả tựa bài hát thành một câu nói, câu hỏi thông dụng hàng ngày. Ví dụ như khi nghe ai đó cứ lặp đi lại lại một chuyện cũ, người dân Nam Bộ sẽ nói: “Nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi!” hoặc khi sắp chia tay cô gái, chàng trai hay hỏi: “Đêm nay ai đưa em về?”… Rõ ràng, đây là lời bài hát hoặc tựa bài hát, nhưng qua cách nói của người dân Nam Bộ lại trở thành ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày.

Một điểm đặc trưng khác của ngôn ngữ bình dân Nam Bộ đó chính là cách nhấn giọng. Trong những bộ phim xưa, chúng ta vẫn thường nghe nói những câu như: “Tui nói lần cuối, tui hổng có giỡn chơi với ông nữa đâu đó à nghen!”… trong lời nói có sự đe dọa nhưng vẫn rất dễ thương và dịu dàng. Hay câu “Thằng cha mầy, làm gì mà đổ mồ hôi ướt hết áo vậy?” Cụm từ “thằng cha mầy” kéo dài hơi lại có sự yêu thương, lo lắng, chứ không hề mang ý nghĩa la mắng, khó chịu.

Xem thêm:
Nhức nách là gì? Vì sao lại có câu nói "Ngon nhức nách"?
Trí trá là gì? 6 kiểu người trí trá bạn thường xuyên gặp phải
Vô tri là gì mà lại "phủ sóng" khắp mọi nơi?

Tiếng lóng miền Nam xưa và sự thay đổi theo thời gian

Thật ra, không phải người dân Nam Bộ nào cũng dùng những từ ngữ như trên, chỉ những người bình dân họ mới thường xuyên sử dụng trong giao tiếp.

Thời xưa, việc giáo dục con cái rất nghiêm khắc, chỉ cần nghe con cái nói từ tục tĩu thì người lớn lập tức cấm tiệt không được bắt chước. Hay việc người lớn đang ngồi nói chuyện, trẻ con nói chen vào là bị la rầy ngay: “Chỗ người lớn nói chuyện không chen vô, nghe hôn?”.

Đến khoảng năm 1980, cách giáo dục bắt đầu thay đổi và ngôn ngữ cũng chịu sự chi phối. Ngày nay, trong giao tiếp hàng ngày ít còn nghe người ta dùng những từ bình dân như: nhớ nghen, nghe hôn, hén… mà thay vào đó là những từ ngữ có tính phổ thông hơn như: “Mời anh chị trả lời ạ!”, “Mọi người thấy đúng không ạ?”…

Một số tiếng lóng Nam Bộ ngày xưa hay dùng

Mặc dù hiện hay, những từ/cụm từ bình dân đã ít được sử dụng trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, nhưng nó vẫn là một hồi ức không thể nào quên của những người dân quê. Dưới đây là một số từ lóng phổ biến mà người dân Nam Bộ ngày xưa hay dùng đến.

1. Bạt mạng: Bất cần, không nghĩ tới hậu quả. Ví dụ: Ăn chơi bạt mạng.

2. Bất kể: Liều.

3. Bảnh tỏn: Dẹp ra dáng. Ví dụ: Mặc đồ vô thấy bảnh tỏn ghê đó nha.

4. Bang ra đường: Chạy ra ngoài đường lộ mà không coi xe cộ, hoặc chạy ra đường đột ngột, hoặc chạy nghênh ngang ra đường.

5. Bá Láp, Bá Xàm:  Nói tầm xàm, không đáng tin.

6. Bá chấy: Quá xá. Ví dụ: Ngon bá chấy bò chét chó! (Là ngon quá trời đất luôn).

Rốp rẻng là gì? Một vài tiếng lóng thông dụng của người Nam Bộ xưa 3
Rất nhiều những từ/cụm từ bình dân được người dân Nam Bộ sử dụng trong giao tiếp hàng ngày - Ảnh: Internet

7. Cà chớn cà cháo: Dở, không ra gì cả, còn kém lắm.

8. Cà nhỏng: Rảnh rỗi không có việc gì để làm. Ví dụ: Đi cà nhỏng tối ngày.

9. Cà lơ phất phơ: Không có mục đích rõ ràng.

10. Còn khuya: Còn lâu. Ví dụ: Ờ!  Mày ngon nhào vô kiếm ăn, còn khuya tao mới sợ mày!

11. Cuốc: Chạy xe. Ví dụ: Tui mới làm một cuốc từ Hóc môn dzìa Saigon cũng được trăm hai bỏ túi!

12. Cứng đầu cứng cổ: Khó dạy. Ví dụ: Con cái gì mà cứng đầu cứng cổ.

13. Đầu đường xó chợ: Hạng lưu manh, bất lương.

14. Hầm: Nóng. Ví dụ: Trời hầm quá ngồi không mà người nó đổ mồ hôi ướt nhẹp.

15. Hồi nảo tới giờ: Từ xưa tới nay.

16. Kêu gì như kêu đò Thủ Thiêm: Kêu rất lớn tiếng, kêu om trời.

17. Lăn cù mèo: Lăn long lóc, té ngửa, lăn chiêng.

18. Mút mùa lệ thủy: Kéo dài mãi không dứt.

19. Nhá qua nhá lại: Cử chỉ qua bên phải rồi lại bên trái.

20. Rủng rỉnh: Có nhiều tiền trong túi.

Trên đây là những thông tin về “rốp rẻng là gì” cũng như những những đặc trưng của tiếng lóng miền Nam xưa. Hy vọng những chia sẻ của bài viết sẽ giúp bạn có thêm kiến thức mới về cụm từ “rốp rẻng”.

Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức.