Kinh nghiệm cho thấy, tập trung lãnh đạo tốt ngay từ công tác chuẩn bị nhân sự theo quy trình là khâu then chốt bảo đảm thành công trong công tác bầu cử.
Bên cạnh những thành công mà Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đã làm được trong nhiệm kỳ qua, thì tồn tại lớn nhất là hoạt động giám sát chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống đặt ra. Nguyên nhân chính là trình độ năng lực của một số đại biểu còn hạn chế, chưa nắm chắc pháp luật, một bộ phận đại biểu kiêm nhiệm chưa giành thời gian thỏa đáng làm tốt công tác giám sát.
Ảnh minh họa - Nguồn: Quochoi.vn
Một trong những vấn đề khó khăn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp là giải quyết mối quan hệ giữa yêu cầu về năng lực, chất lượng đại biểu và yêu cầu đảm bảo cơ cấu thành phần hợp lý. Tuy nhiên, không phải vì cơ cấu mà không quan tâm đến chất lượng, bất cứ ai cũng phải đảm bảo đủ quy định theo Luật Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng giải bài toán chất lượng đại biểu và cơ cấu phải có sự hài hòa và hợp lý giữa cơ cấu và chất lượng nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng phải được đặt lên hàng đầu.
Tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp đã được quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương trên cơ sở Luật tổ chức quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Các cơ quan tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao những người thích hợp, tiêu biểu, có đủ tài đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại diện cho mình; đảm bảo chất lượng và từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng, năng lực và trình độ của đại biểu.
Bên cạnh đó, tự ứng cử trở thành đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp cũng là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, những người tự ứng cử luôn được khuyến khích và được bình đẳng như những người được giới thiệu. Thế nhưng, những người tự ứng cử phải xác định đây là công việc nghiêm túc, không nên xem tự ứng cử như là một phép thử. Ông Phạm Tất Thắng – đoàn đại biểu Quốc hội Vĩnh Long nói:
Công tác hiệp thương lựa chọn giới thiệu ứng cử đại biểu của Mặt trận cũng có vai trò hết sức quan trọng. Đây là quá trình kết hợp giữa việc thực hiện chế độ tập trung, dân chủ và chế độ hiệp thương dân chủ, bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đạt được sự đồng thuận của các thành viên trong Mặt trận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức đơn vị được giới thiệu để cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
Nếu làm chặt chẽ, nghiêm túc công tác hiệp thương 3 vòng theo quy định sẽ lựa chọn được những ứng cử viên ưu tú nhất. Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt việc lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú và nơi làm việc, đồng thời tạo điều kiện để nhân dân xem xét, đối thoại với ứng cử viên trong vận động tranh cử để cử tri xem xét, lựa chọn bầu đại biểu. Thông tin của các ứng cử viên phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; công khai tại địa phương nơi cư trú, tại các cơ quan để nhân dân biết giám sát, lựa chọn và có phản hồi kịp thời.
Để người dân hiểu đầy đủ về đại biểu ứng cử, từ đó có quyết định sáng suốt về người đại diện cho mình thì cần tạo mọi điều kiện cho các đại biểu ứng cử được tiếp xúc với cử tri của mình nhiều hơn. Giữ mối liên hệ gắn bó với cử tri không phải chỉ khi đại biểu đã được cử tri bầu vào cơ quan dân cử, mà phải được bắt đầu từ khi họ là ứng cử viên đại biểu. Cử tri sẽ lựa chọn, bầu những đại biểu thực sự đủ phẩm chất đạo đức, có năng lực, tâm huyết, sẵn sàng bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân.
Chính vì thế, trọng trách lớn nhất mà mỗi ứng cử viên là mang theo trong hành trang làm chức năng đại biểu của mình đó là đại diện ý chí, nguyện vọng của cử tri. Trong vai trò ấy, tiếng nói của họ không phải là tiếng nói của địa phương, của ngành, lĩnh vực mình mà còn là tiếng nói của cử tri, tiếng nói của cuộc sống. Vì thế, một trong những đòi hỏi lớn lao nhất đối với ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đó là gắn bó mật thiết với cử tri.
Thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng đại biểu dân cử sẽ góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, nâng cao ý thức trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, tạo không khí phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân hướng tới ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.