Chờ...

Cần đa dạng các phúc lợi để giữ chân người lao động sau đại dịch Covid-19

(VOH) - Chìa khóa để thu hút và gắn kết lao động chính là phúc lợi. Đó là ý kiến được nêu ra của các chuyên gia tại hội thảo “Giữ chân người lao động sau đại dịch Covid-19” diễn ra sáng nay 14/6.

Theo ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng - Trưởng đại diện văn phòng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phía Nam, tác động của đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn lan rộng đến cả doanh nghiệp trong khía cạnh lao động việc làm.

dịch Covid-19
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo “Giữ chân người lao động sau đại dịch Covid-19” 

Trong quý I/2022, thị trường việc làm ghi nhận sự thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành sản xuất, chế biến chế tạo như, chế biến gỗ, dệt may, lắp ráp linh kiện điện từ… với khoảng 120.000 lao động, cao hơn những năm trước khoảng 2-3%. Còn tính chung nhu cầu tuyển dụng của cả năm 2022 mà doanh nghiệp đang cần là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021.

Một khảo sát được thực hiện gần đây cũng cho kết quả, có đến 21% doanh nghiệp ngành sản xuất và chế biến có vốn đầu tư nước ngoài hiện cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm và tuyển dụng đủ số lượng nhân lực có kỹ năng phù hợp.

Về phía người lao động, dựa theo kết quả khảo sát, giai đoạn này họ mong đợi nhiều hơn ở doanh nghiệp về các khoản phúc lợi, mức lương cạnh tranh, điều kiện việc làm tốt, văn hóa doanh nghiệp và thậm chí cả cơ hội phát triển kỹ năng. Bên cạnh thu nhập, người lao động giờ đây rất quan tâm đến các phúc lợi khác và coi đó là một yếu tố quan trọng để cân nhắc khi tìm công việc hoặc gắn bó lâu dài với một công ty.

Thực tế cho thấy, có đến 81% người lao động mong đội các chương trình đào tạo do doanh nghiệp tổ chức nhằm trao dồi và cập nhật các kỹ năng nghề nghiệp. Có đến 49% người lao động sẵn sàng chuyển sang công ty khác nếu có phúc lợi tốt hơn.

Theo bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc tuyển dụng cấp cao và tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần gia tăng và cung cấp đa dạng các phúc lợi trong chiến lược nhân sự của mình để giữ chân người lao động.

Ngoài lương thưởng cạnh tranh thì cần xây dựng môi trường làm việc công bằng, sáng tạo, kích thích được nhân viên phát huy tối đa tiềm năng của bản thân, tự tin đồng hành cùng tổ chức.

Còn theo chia sẻ từ bà Đặng Thị Hải Hà, nhà sáng lập Respect Việt Nam cũng cần có xác định rõ sự ưu tiên về phúc lợi của cả người lao động lẫn doanh nghiệp trong chiến lược giữ chân và thu hút nguồn nhân lực. Vì 20% lựa chọn chính xác đã giải quyết được 80% vấn đề. Bên cạnh đó, cần làm rõ 2 nhóm: phúc lợi phi tài chính và phúc lợi tài chính.