Chờ...

Công khai đơn vị vi phạm an toàn thực phẩm khi cung cấp cho trường học

(VOH) - Phần lớn các trường quan tâm thực phẩm theo chuỗi mà chưa quan tâm đến các sản phẩm đạt chuẩn như Vietgap, Globalgap, HACCP, ISO 22000...

Đây là nội dung được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2017-2018 diễn ra sáng 10/5.

Trên địa bàn thành phố hiện có gần 2.000 trường học với trên 2.300 cơ sở dịch vụ ăn uống. Các bếp ăn, suất ăn sẵn, căn-tin trường học... là những điểm dễ bị ngộ độc do việc trà trộn thực phẩm bẩn kém chất lượng vì lợi nhuận. Vì vậy, từ tháng 9/2017, công tác quản lý an toàn thực phẩm trong ngành giáo dục và đào tạo được triển khai với các nội dung như kiểm soát đảm bảo an toàn nguồn cung cấp thực phẩm cho các trường, tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp dưỡng, nhân viên y tế, quản lý nhà trường về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình chế biến hợp vệ sinh... nhờ vậy, số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học giảm rõ rệt từ 2 vụ/năm với khoảng 150 học sinh giai đoạn 2016, 2017, xuống còn 1 vụ/năm năm 2018 với 25 học sinh mắc phải.

Nâng chuẩn thực phẩm đưa vào trường học

Các học sinh dùng cơm trong trường học. 

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết nhà trường tạo điều kiện để ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia kiểm soát giám sát bữa ăn học sinh tại bếp của nhà trường và các suất an công nghiệp, bố trí nơi trưng bày suất ăn hàng ngày của học sinh để phụ huynh theo dõi và an tâm. Đối với cơ sở, dịch vụ ăn uống trong trường, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thời gian qua đã kiểm soát xử lý vi phạm. "Các đơn vị phải mạnh dạn chấm dứt hợp đồng", bà Thu đề nghị.

Từ năm học 2018-2019, mô hình thí điểm quản lý an toàn thực phẩm trường học triển khai tại 6 quận gồm quận 3, 5, 8,11, Tân Bình, Bình Thạnh. Đến nay, 94%  (547/582) các cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học tại 6 quận này có hợp đồng cung cấp thực phẩm theo tiêu chuẩn. Đáng nói là, mô hình tiếp nhận thực phẩm an toàn đã lan toả đến cả các quận huyện khác với 798/1974 trường học trên toàn thành phố triển khai.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số hạn chế như sản lượng của một số đơn vị trong chuỗi không đủ cung cấp cho trường học cả về số lượng và chủng loại sản phẩm, một số đơn vị chưa am hiểu về các chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm nên khó khăn trong việc tiếp cận với các doanh nghiệp đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm thông tin: ngành giáo dục và Ban Quản lý an toàn thực phẩm muốn nâng chuẩn của nguồn nguyên liệu thực phẩm đưa vào trong trường học cho nên đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn. Đó có thể là các sản phẩm đạt chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn, hay chứng nhận về VietGap, GlobalGap, HACCP, ISO22000 và các sản phẩm đạt các chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập tiêu chuẩn xuất khẩu...

Ngoài ra, theo ông Phan Trí Dũng, Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 11, đa số các trường ngoài công lập trong đó có cả các trường quốc tế chưa quan tâm đến các tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Mặc dù, các trường đều khẳng định thực phẩm tại đơn vị luôn đạt chuẩn an toàn nhưng khi kiểm tra giấy chứng nhận, hồ sơ cung cấp thực phẩm thì không xuất trình đầy đủ.

“Đa số các trường ngoài công lập đều không xây dựng kế hoạch thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn. Họ xem đây là việc của các trường công lập. Mặc dù trong quá trình chỉ đạo, triển khai, tập huấn, truyền thông... đều có mặt của cán bộ quản lý các trường tư thục. Do họ không lập kế hoạch, không thành lập ban quản lý an toàn thực phẩm trong nhà trường nên không có sự phân công trách nhiệm của các thành viên cụ thể đối với việc thực hiện an toàn thực phẩm và chuỗi thực phẩm tại các trường ngoài công lập", ông Phan Trí Dũng cho biết. 

Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Phạm Khánh Phong Lan, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm, khẳng định thành phố rất quan tâm công tác an toàn thực phẩm tại các trường học. Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường thanh kiểm tra, diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm trong trường học cũng như công khai các đơn vị vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời công bố danh sách các trường đạt chứng nhận chuẩn an toàn thực phẩm và những chuẩn cao hơn.

“Các em học sinh trong trường học là đối tượng số 1 để phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Chúng ta không chỉ hài lòng với những chuẩn thực phẩm tối thiểu theo quy định của pháp luật mà cần áp dụng thêm những chuẩn thực phẩm cao hơn đạt chuỗi thực phẩm an toàn của Ban Quản lý an toàn thực phẩm, chuẩn của ngành nông nghiệp, chuẩn hội nhập xuất khẩu được", bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định.

Tạo chuyển biến mạnh trong tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các quận, huyện, sở ngành rà soát kết quà về cải cách hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh trong tăng trưởng kinh tế.
Hỗ trợ cấp hộ chiếu cho người có nhu cầu ra nước ngoài chữa bệnh - Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ phối hợp với các bệnh viện trong danh sách cử cán bộ trực tiếp đến giường bệnh để hướng dẫn, ghi nhận thông tin, chụp hình, tiến hành các thủ tục cấp hộ chiếu.