Đây là thông tin ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao TPHCM cho biết, tại buổi tọa đàm Nâng cao chất lượng danh hiệu văn hóa gắn với thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, diễn ra ngày 17/10.
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao thành phố phát biểu.
Các đại biểu tham dự tọa đàm đã bàn thảo về các giải pháp nâng cao chất lượng các danh hiệu gia đình văn hóa; khu phố, ấp văn hóa; phường, thị trấn văn minh đô thị và nội dung của Chỉ thị 19 của Thành ủy. Nhiều ý kiến phân tích, đánh giá sâu sát thực trạng thực hiện các danh hiệu văn hóa tại cơ sở trong thời gian qua.
Bà Trần Thị Thanh Vân, Phó Trưởng phòng Phòng Văn hóa thông tin quận Tân Bình, đề xuất cải cách hành chính khi xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa. “Trong nghị định 122, xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, tuy mình cải cách hành chính rồi nhưng biểu mẫu cho người kê khai rất nhiều, từ biên bản cho đến các biểu mẫu để thực hiện. Quận mạnh dạn làm mới, từ đầu năm chỉ đưa 1 biểu mẫu cho các gia đình đăng ký và đến cuối năm, khi các phường xét thì chúng tôi chỉ yêu cầu các hộ dân chấm thang điểm đó”, bà Vân cho biết.
Bà Trần Thị Thanh Vân, Phó Trưởng phòng Phòng Văn hóa thông tin quận Tân Bình phát biểu tham luận.
Việc gắn các tiêu chí xanh, sạch, đẹp vào đánh giá bình chọn các danh hiệu văn hóa được đa số đồng tình, ủng hộ. Đây không phải là vấn đề mới, đã có các mô hình, giải pháp hiệu quả được triển khai tại cơ sở, vừa xây dựng nếp sống văn minh đô thị, vừa huy động sức dân tại địa bàn dân cư để bảo vệ môi trường.
Bà Phan Ngọc Thảo, Phó Trưởng phòng văn hóa thông tin quận 1 chia sẻ: “Để thực hiện hiệu quả công tác xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị trên địa bàn Quận 1, xác định phải tập trung thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp và thực hiện một cách kiên trì, lâu dài với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, không chỉ trong năm 2019 mà phải làm trong suốt nhiều năm tiếp theo, xây dựng từ trong ý thức và lối sống của mỗi người dân, xem việc thực hiện néo sống văn minh nơi công cộng là một thói quen hàng ngày của mọi người, phải tự giác thực hiện.”
Trước các yêu cầu cấp bách về bảo vệ môi trường của thành phố, bên cạnh các giải pháp công trình, các giải pháp về quản lý thì công tác truyền thông có vai trò hết sức quan trọng, cần được triển khai đồng bộ, thống nhất và thường xuyên. Các giải pháp phải phát huy được vai trò, sự tham gia của từng hộ gia đình, khu phố, ấp, phường, xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp…
Ông Võ Trọng Nam cho biết: “Đề xuất của Sở, sẽ tổ chức ngày hội toàn dân về thực hiện Chỉ thị 19 ở tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, cho các quận huyện thể hiện được quá trình. 1 năm qua, có những thành tựu, thành quả như thế nào, từng quận huyện sẽ có một gian để giới thiệu, sở ngành cùng tham gia … đưa ra được những mô hình hay, những kinh nghiệm để trưng bày cho người dân xem. Do đó, mong muốn ban chỉ đạo của từng quận huyện, các đồng chí ở phòng văn hóa thông tin phải chuẩn bị nội dung này.”
Cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” đang từng bước đi vào cuộc sống, là cuộc vận động có ý nghĩa thiết thực để xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phát huy vai trò của từng người dân tham gia xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt.